Phát biểu với báo giới sau cuộc họp của chính phủ nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng y tế hiện nay, Thủ tướng Conte khẳng định đã phân bổ khoản ngân sách khẩn cấp lên tới 25 tỷ euro để chống dịch bệnh. Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh tế Italy Roberto Gualtieri nêu rõ Italy sẽ sử dụng một nửa khoản ngân sách này ngay lập tức, trong khi số còn lại sẽ để dự trữ.
Italy là quốc gia châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19. Tuy nhiên, nước này cần có sự cho phép của EU khi muốn chi nhiều hơn so với quy định ngân sách của khối. Trước đó, Bộ trưởng Gualtieri thông báo Rome sẽ chi khoảng 7,5 tỷ euro (8,5 tỷ USD) để giảm thiểu những tác động kinh tế do dịch COVID-19. Điều này sẽ làm thâm hụt ngân sách năm nay của Italy tăng từ mức 2,2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hiện nay lên 2,5% GDP.
Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Valdis Dombrovskis và Ủy viên châu Âu về các vấn đề kinh tế Paolo Gentiloni đều cho rằng mọi chi tiêu ngân sách liên quan đến các gói biện pháp hỗ trợ việc ứng phó dịch COVID-19 tại đất nước Nam Âu này sẽ được loại trừ trong tính toán ngân sách, và không được tính đến khi đánh giá nỗ lực tuân thủ quy định về ngân sách của EU. Các quy định hiện hành của EU cho phép các sai lệch tạm thời từ mục tiêu thâm hụt ngân sách của các nước thành viên trong trường hợp đặc biệt, như suy thoái kinh tế và các thảm họa tự nhiên nghiêm trọng.
Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, Chính phủ Áo đã quyết định áp dụng nhiều biện pháp mạnh tay để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 vốn khiến hơn 200 người lây nhiễm ở nước này.
Truyền thông Áo ngày 11/3 dẫn các quyết định của chính phủ cho biết giới chức nước này sẽ cấm nhập cảnh từ Italy, ngoại trừ công dân Áo sinh sống ở Italy được sắp xếp hồi hương và những người này sẽ được cách ly trong hai tuần. Ngoài ra, các trường học, trường đại học và dạy nghề sẽ đóng cửa từ đầu tuần tới; đình chỉ mọi chuyến đi dã ngoại, thực tế của các trường học. Tất cả các viện bảo tàng đều sẽ đóng cửa tới ít nhất cuối tháng 3 này. Ngoài ra, giới chức Áo cũng quyết định cấm tổ chức các sự kiện trong nhà có trên 100 người tham dự đến đầu tháng 4 tới. Các sự kiện ngoài trời có trên 500 người dự cũng bị cấm.
Người phát ngôn Cơ quan Đường sắt LB Áo cho hay đã đình chỉ mọi tuyến tàu chở khách từ và đến Italy, song các chuyến tàu hàng không bị ảnh hưởng. Tính đến 8h ngày 11/3 (theo giờ địa phương), số người mắc COVID-19 ở nước này đã tăng lên 206 trường hợp, trong đó thủ đô Vienna có số ca nhiễm virus cao nhất, với 50 người.
Cùng ngày, giới chức y tế Moldova đã đóng của toàn bộ các trường học trong 2 tuần. Biện pháp này có hiệu lực một ngày sau khi Moldova cấm toàn bộ khách nước ngoài tới từ những khu vực bị ảnh hưởng dịch bệnh. Tính đến thời điểm này, Moldova mới có 3 trường hợp xác định nhiễm virus SARS-CoV-2.
Trong một biện pháp tương tự, Thị trưởng thủ đô Kiev của Ukraine Vitaly Klitschko đã thông báo đóng cửa toàn bộ các trường học cho đến cuối tháng 3 để ngăn ngừa sự lây lan của virus. Thành phố cũng sẽ cấm các sự kiện tụ tập đông người, như hòa nhạc hay hội nghị. Rạp chiếu phim và các khu vực giải trí tại trung tâm mua sắm cũng sẽ bị đóng cửa.
Cho đến nay, Ukraine mới chỉ ghi nhận 1 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2.