Sau thời gian dài nghỉ làm hoặc làm việc tại nhà, không ít nhân viên sẽ có tâm lý lo ngại về sự an toàn tại nơi làm việc. Theo các chuyên gia, không khí tại các tòa nhà văn phòng trong lành không chỉ giúp tạo động lực để các nhân viên trở lại làm việc mà còn tạo môi trường tốt giúp ngăn chặn lây lan dịch bệnh COVID-19 và nâng hiệu quả làm việc. Ngoài việc đảm bảo với các nhân viên rằng mọi bề mặt tiếp xúc và vật dụng, thiết bị đã được khử khuẩn thì các công ty cũng cần chú ý hơn tới chất lượng không khí bên trong các tòa nhà.
Từ những cơ sở thông tin đã biết về sự lây lan của dịch COVID-19, Giáo sư Joseph G. Allen, Giám đốc chương trình Harvard Healthy Buildings, cho rằng việc tăng chất lượng không khí trong các tòa nhà càng có vai trò quan trọng hơn. Các bề mặt tiếp xúc sạch sẽ và các quy định giãn cách 2m sẽ thực sự có hiệu quả ngăn chặn dịch bệnh lây lan khi môi trường đó không thích hợp để cho các giọt bắn từ những lần hắt xì hay ho truyền đi trong khoảng cách xa hơn 2m.
Trên thực tế, COVID-19 có thể lây lan thông qua các dịch tiết từ hệ hô hấp với tầm văng xa có thể hơn 2m. Khi các nhân viên nói chuyện, ho, hắt hơi hoặc thậm chí chỉ là thở, mỗi người đều đang đẩy ra môi trường xung quanh những dịch tiết từ hệ hô hấp ở những kích cỡ khác nhau. Khi một người nhiễm bệnh, những dịch tiết đó cũng mang theo virus và bay lơ lửng trong không khí và tồn tại trong nhiều giờ, khi đó các biện pháp khác cũng trở nên kém hiệu quả. Nếu làm việc trong tòa nhà có hệ thống thoát khí kém thì tình trạng còn nghiêm trọng hơn khi các dịch tiết lưu lại lâu hơn và gia tăng mật độ tập trung trong không khí và lây cho những người khác ở khoảng cách hơn 2m.
Theo Giáo sư Allen, mọi đợt bùng phát dịch nghiêm trọng đều có những đặc điểm chung đó là thời gian trong không gian kín ở những nơi có hệ thống thông hơi kém, một trong những yếu tố cơ bản trong mọi hoàn cảnh lây nhiễm.
Theo Giáo sư Allen, các công ty vẫn chưa đánh giá đúng vai trò của không gian làm việc trong các tòa nhà vừa giúp ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh vừa giúp tăng hiệu quả lao động. Hệ thống thông khí tốt hơn có thể giúp nâng cao hiệu quả tiếp nhận và xử lý thông tin, cải thiện sức khỏe và năng suất lao động của nhân viên. Các doanh nghiệp cần có hành động để giải quyết vấn đề này. Bước đầu tiên, các quản lý tòa nhà cần xác định các hệ thống có đang được sử dụng đúng như thiết kế hay không. Tối đa hóa lượng không khí ngoài trời lưu thông vào trong nhà và cần nâng cấp các hệ thống lọc không khí theo các tiêu chuẩn mới nhất.
Giáo sư Allen lưu ý khi chất lượng không khí kém, ô nhiễm, người lao động sẽ kém tập trung hơn và hiệu quả làm việc cũng giảm. Ông dẫn ước tính của các nhà nghiên cứu từ Trung tâm thí nghiệm quốc gia Lawrence Berkeley cho biết việc cải thiện chất lượng không khí trong các tòa nhà có thể mang lại cho nền kinh tế Mỹ 20 tỷ USD mỗi năm. Theo ông, trái ngược với điều mà nhiều người nghĩ rằng chỉ có những tòa nhà hiện đại mới có thể ưu tiên các tiêu chuẩn về sức khỏe, các tòa nhà cũ cũng có thể được cải thiện và chi phí không hề đắt đỏ. Việc để các tòa nhà trong tình trạng kém vệ sinh, lưu thông không khí kém mới thực sự là điều gây hậu quả đắt đỏ.