Trong thông điệp đánh dấu sự kiện ý nghĩa trên, TTK LHQ nhấn mạnh Mahatma Gandhi là một biểu tượng của hòa bình thế giới, tầm nhìn của ông sẽ tiếp tục lan tỏa toàn cầu, cũng như xuyên suốt hoạt động của LHQ vì sự phát triển bền vững, bình đẳng, hiểu biết lẫn nhau, trao quyền cho giới trẻ và giải pháp hòa bình cho những tranh chấp trên thế giới.
TTK LHQ cho rằng bạo lực hiện nay tồn tại dưới nhiều hình thức như hậu quả nặng nề do xung đột vũ trang, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, nghèo đói, bất công, phát ngôn thù hận... Theo TTK Guterres, LHQ vừa phát động 2 sáng kiến khẩn cấp, bao gồm kế hoạch hành động chống phát ngôn thù hận và chương trình bảo vệ an toàn các địa điểm tôn giáo.
Theo TTK LHQ, Mahatma Gandhi đã không ngừng nhấn mạnh khoảng cách giữa những điều chúng ta làm và những điều chúng ta làm được. Theo đó, ông Guterres hối thúc cộng đồng quốc tế "làm mọi việc trong khả năng của mình để thu hẹp khoảng cách đó trong nỗ lực tạo dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người".
Cũng nhân dịp này, LHQ tổ chức sự kiện “Hành động chống biến đổi khí hậu: Phương pháp của Gandhi” cùng ngày 2/10. Phát biểu tại sự kiện, Chủ tịch Hội đồng Kinh tế xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC), bà Mona Juul nhấn mạnh sự cần thiết phải hành động chống biến đổi khí hậu.
Bà Juul nhấn mạnh đã đến lúc thế giới phải tập trung thảo luận về vấn đề chống biến đổi khí hậu, vì giai đoạn 5 năm qua dự kiến trở thành 5 năm nóng nhất từng được ghi nhận và giới trẻ trên khắp thế giới đã xuống đường tuần hành kêu gọi hành động vì khí hậu.
Bà nhấn mạnh thế hệ hiện nay là thế hệ cuối cùng có thể ngăn chặn tình trạng “biến đổi khí hậu không thể đảo ngược” và Chương trình nghị sự 2030 của LHQ vì sự phát triển bền vững là "kim chỉ nam" cho những nỗ lực bảo vệ hành tinh.
Chủ tịch ECOSOC ca ngợi Mahatma Gandhi là "nhà lãnh đạo thúc đẩy hành động mạnh nhất", đồng thời cho rằng quan điểm của cố lãnh tụ Ấn Độ đem lại sức mạnh và ý nghĩa cho nguyên tắc quan trọng nhất của Chương trình nghị sự 2030 của LHQ - đó là không để ai bị bỏ lại phía sau. Bà Juul hối thúc thế giới "phải đi xa hơn và hành động nhanh hơn".
Tháng 6/2007, Đại hội đồng LHQ đã thông qua nghị quyết chọn ngày 2/10 hằng năm là Ngày Quốc tế phi bạo lực. Ngày 2/10 cũng là ngày sinh của Mahatma Gandhi, người đã dẫn dắt cuộc đấu tranh giải phóng nhân dân Ấn Độ khỏi ách cai trị của thực dân Anh, với lập trường chống tất cả các hình thức bạo lực và thay vào đó chỉ theo đuổi những giá trị đạo đức.
Nghị quyết của LHQ nêu rõ Ngày Quốc tế phi bạo lực là dịp để lan tỏa thông điệp chống bạo lực, bao gồm thông qua giáo dục và nhận thức của công chúng.