Tập huấn cho cán bộ phụ trách việc bầu cử tại trung tâm ở Yangon ngày 31/10. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Kể từ khi giành độc lập từ Anh năm 1948, Myanmar liên tục chìm trong các biến cố chính trị và xung đột sắc tộc. Những giai đoạn ổn định để phát triển rất ngắn ngủi và thường xuyên bị gián đoạn. Năm 2011 được nhìn nhận là năm chứng kiến những chuyển biến sâu sắc trong đời sống chính trị và kinh tế của Myanmar. Đây là kết quả của một kế hoạch cải cách lâu dài của chính quyền Myanmar trong việc thực hiện “Lộ trình 7 bước” được công bố và triển khai từ đầu năm 2003.
Cuộc bầu cử ngày 8/11 có thể coi là bước thứ 7 và cũng là bước cuối cùng trong lộ trình xây dựng đất nước. Sau cuộc bầu cử nhiều tranh cãi năm 2010, cuộc bầu cử lần này được tổ chức theo những quy trình nghiêm ngặt với sự tham gia của hơn 10.000 giám sát viên quốc tế và trong nước, và được kỳ vọng là một cuộc bầu cử tự do, công bằng.
Chỉ vài tháng trước bầu cử, đảng Đoàn kết và Phát triển Liên bang Myanmar (USDP) cầm quyền của Tổng thống U Thein Sein đã tiến hành cải tổ nhằm củng cố nội bộ, đẩy mạnh hợp tác với các chính đảng khác cũng như các nhóm sắc tộc vì lợi ích của đất nước và nhân dân.
Trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới, USDP đề cử 1.147 ứng cử viên, trong đó 320 người tranh cử các ghế tại Hạ viện, 166 người tranh cử các ghế Thượng viện, 661 người tranh cử tại các hội đồng địa phương. Tổng thống U Thein Sein và Phó Tổng thống U Nyan Tun đã quyết định không ra tranh cử.
Tuy nhiên, dù không tranh cử ghế nghị sĩ, Tổng thống Thein Sein vẫn là một thành viên của USDP và điều đó có nghĩa là nếu thắng cử, đảng này hoàn toàn có thể tiếp tục đề cử ông giữ cương vị tổng thống. Theo Hiến pháp Myanmar, sự tham gia hay vắng mặt của tổng thống trong cuộc bầu cử quốc hội không ảnh hưởng tới việc tổng thống liên nhiệm.
Trong khi đó, Liên minh quốc gia vì dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi là đảng đối lập đáng chú ý nhất trong cuộc bầu cử lần này. Tuy khả năng giành chiến thắng của NLD vẫn chưa rõ ràng, song dường như NLD có nhiều thuận lợi để định hình nền chính trị Myanmar. Theo quy định của Hiến pháp Myanmar, bà San Suu Kyi sẽ không thể làm tổng thống nếu NLD thắng cử do bà có chồng và con mang quốc tịch Anh. Tuy nhiên, bà sẽ nắm giữ một vị trí quyền lực nếu NLD giành quyền lập chính phủ.
Các nhà phân tích chính trị cũng coi các chính đảng sắc tộc khác là thế lực thứ ba ngoài USDP và NLD. Hàng chục đảng sắc tộc lớn nhỏ tại nhiều khu vực của Myanmar tuy chưa đủ sức gây ảnh hưởng trên toàn quốc, nhưng lại có ưu thế nhất định tại các khu vực dân tộc của mình. Việc tranh thủ giành ghế tại các khu vực trên là cực kỳ quan trọng đối với cả USDP và NLD.
Theo nhận định của giới phân tích, chính quyền Myanmar sau cuộc bầu cử năm 2015 sẽ phải đối mặt với những thách thức vô cùng to lớn. Cho dù đảng nào giành thắng lợi và chiếm đa số ghế trong quốc hội thì mối quan hệ giữa các chính đảng và lực lượng vũ trang ở nước này sẽ là vấn đề được dư luận quan tâm. Đây sẽ là yếu tố quan trọng quyết định tương lai của Myanmar.
Bên cạnh đó, Myanmar phải thành lập được một chính phủ thực sự phục vụ lợi ích của nhân dân. Đây cũng chính là mong muốn và kỳ vọng của người dân Myanmar bởi mặc dù đã đạt được những tiến bộ nhất định về kinh tế - xã hội, song mức sống của đại đa số người dân Myanmar vẫn chưa được cải thiện. Myanmar vẫn là một trong những quốc gia nghèo nhất châu Á với gần 1/3 trong tổng số 60 triệu dân sống trong cảnh nghèo đói.
Cử tri Myanmar kỳ vọng cuộc bầu cử sẽ diễn ra một cách dân chủ, công bằng, mở ra tương lai tươi sáng hơn cho nước này. Dù chính quyền mới sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song thành công của cuộc bầu cử sẽ giúp Myanmar ổn định chính trị, từ đó tập trung phát triển kinh tế, góp phần quan trọng vào sự ổn định và phát triển trong khu vực.