Myanmar trước thời khắc quan trọng

Ngày 8/11 tới, Myanmar tiến hành cuộc tổng tuyển cử quan trọng đầu tiên kể từ khi kết thúc chế độ quân chủ cách đây 4 năm. Dưới sự điều hành của một chính phủ dân sự với một loạt cuộc cải cách mở cửa, đất nước này đã có sự chuyển mình rõ rệt, và sự kiện sắp tới đánh dấu một cột mốc mới.


Hài hòa tăng trưởng và hòa giải dân tộc


Tại Myanmar, những đổi thay đang diễn ra từ khi những chương trình cải cách bắt đầu hồi tháng 3/2011. Chính sách mở cửa đã tạo điều kiện thuận lợi cho công nghệ và các luồng ý tưởng phát huy, nâng cao năng suất, tiêu dùng nội địa và phúc lợi cộng đồng. Mở cửa kinh tế đã tạo ra triển vọng đa dạng hóa kinh tế, giảm sự phụ thuộc vào xuất khẩu các nguồn tài nguyên thiên nhiên và hướng tới các hoạt động kinh tế trong nông nghiệp, chế tạo và dịch vụ. Việc kết hợp giữa mở cửa kinh tế và cải cách trong nước giúp tăng thu nhập của đa số người dân.

Nhân viên cơ quan bầu cử làm nhiệm vụ tại một điểm bầu cử ở Yangon, Myanmar ngày 30/10.Ảnh: AFP/TTXVN

Thu hút đầu tư nước ngoài cũng đóng vai trò quan trọng. Trong ba năm qua, chính quyền Myanmar đã có những động thái tích cực để chào đón các nhà đầu tư quốc tế, đồng thời định hướng cho cộng đồng kinh doanh trong nước chấp nhận cạnh tranh tự do trên thị trường. Nhiều dự án trọng yếu vẫn đang được xây dựng và số lượng các nhà kinh doanh mới đang tăng lên rất rõ. Nay Pyi Taw cũng đã có những bước đi nhằm phát triển thị trường tài chính bằng cách tiến hành đàm phán với các nhà cho vay để bắt đầu quy trình xếp hạng tín nhiệm. Một khi Myanmar có điểm tín nhiệm, giới đầu tư sẽ có cơ sở đánh giá, từ đó mở đường cho việc phát hành trái phiếu. Giới chuyên gia nhận định tuy chưa có thị trường chứng khoán thực sự và chưa được xếp hạng tín nhiệm nhưng Myanmar vẫn được coi là một “ngôi sao” tăng trưởng ở khu vực châu Á nhờ mức tăng trưởng GDP có thể lên tới 10% trong năm nay.

Những chuyển động tích cực tại Myanmar đang nhận được sự đồng thuận và hỗ trợ của các nước láng giềng khu vực và cộng đồng quốc tế. Với tư cách là thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Myanmar đang có nhiều thuận lợi trong các hoạt động ngoại giao thương mại và thu hút đầu tư, giúp nước này nắm bắt những cơ hội quan trọng của khu vực và quốc tế để củng cố cải cách trong nước. Trong khi đó, các nước phương Tây đã từng bước dỡ bỏ các lệnh cấm vận kinh tế, tạo điều kiện cho Nay Pyi Taw hội nhập tốt hơn với khu vực và thế giới.

Bên cạnh sự trưởng thành về kinh tế nói trên, chính quyền dân sự ở Myanmar đã tạo ra một bước ngoặt lịch sử trong tiến trình xây dựng hòa bình quốc gia. Lần đầu tiên kể từ khi Myanmar tuyên bố độc lập năm 1948, chính phủ và 8 trong số 15 nhóm sắc tộc thiểu số có vũ trang đã ký Thỏa thuận Ngừng bắn toàn quốc (NCA) hôm 15/10 vừa qua, hướng tới kết thúc hơn 60 năm xung đột dân sự, mở đường xây dựng hòa bình, góp phần tăng cường ổn định và phát triển tại quốc gia Đông Nam Á này. Việc ký kết NCA đã giúp khép lại tiến trình đàm phán phức tạp, kéo dài liên tục hơn hai năm qua, đáp ứng mong mỏi của đông đảo người dân. Thỏa thuận lịch sử này là nền tảng then chốt cho chương trình cải cách của Tổng thống U Then Sein. Đây cũng là bước chuẩn bị quan trọng để Myanmar hướng tới cuộc tổng tuyển cử cho nhiệm kỳ 5 năm tới.

Những ẩn số trong cuộc bầu cử tới

Với tiền đề thuận lợi về phát triển kinh tế và hòa hợp - hòa giải trong nước, Myanmar đến với cuộc tổng tuyển cử, bầu nghị sĩ Quốc hội Liên bang và hội đồng địa phương vào cuối tuần này. Sau đó, tháng 2/2016, Quốc hội Liên bang khóa mới sẽ bầu Tổng thống, Phó Tổng thống và thành lập chính phủ mới. Đây là cuộc tổng tuyển cử đầu tiên kể từ khi nước này tiến hành cải cách mở cửa dưới sự điều hành của chính quyền dân sự. Dự kiến cuộc bầu cử này sẽ có sự tham gia của nhiều thành phần nhất kể từ khi Myanmar độc lập năm 1948, và là lần đầu tiên sau 1/4 thế kỷ, đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD - đảng đối lập lớn nhất) tham gia tranh cử.

Trong số 91 đảng phái chính trị tranh cử cuối tuần này, hai đảng được coi là sáng giá nhất là đảng Đoàn kết và Phát triển Liên bang (USDP - cầm quyền) và NLD đối lập. Là đảng cầm quyền, USDP có công lao lớn trong việc thúc đẩy Myanmar mở cửa đối ngoại trong 4 năm qua. Trong khi đó, Chủ tịch NLD là bà Aung San Suu Kyi có uy tín cá nhân cao, được người dân ủng hộ rộng rãi, nhưng NLD không có kinh nghiệm cầm quyền, ban lãnh đạo của NLD tuổi quá cao. Tuy nhiên, NLD có một thành tích tranh cử đã được chứng minh, giành được 82,2% số phiếu trong cuộc bầu cử năm 1990 và 97,7% số phiếu trong cuộc bầu cử bổ sung năm 2012.

Ngoài ra, quân đội cũng đóng vai trò cực kỳ quan trọng trên chính trường Myanmar. Theo Hiến pháp, quân đội đương nhiên có 25% số ghế trong Quốc hội và có quyền phủ quyết Hiến pháp. Một yếu tố khác không thể không kể tới, đó là hàng chục chính đảng dân tộc thiểu số đại diện cho 1/3 dân số Myanmar. Các đảng này tuy chưa đủ sức gây ảnh hưởng trên toàn quốc nhưng có ưu thế nhất định tại các khu vực dân tộc mình. Việc tranh thủ giành ghế tại các khu vực dân tộc là cực kỳ quan trọng đối với USDP cũng như NLD, nếu không muốn nói đây là một trong những mấu chốt quyết định thắng lợi đối với hai chính đảng lớn này. Nói cách khác, các đảng sắc tộc có thể cùng với USDP và NLD hình thành “thế chân vạc” trong Quốc hội khóa mới.

So với cuộc bầu cử Quốc hội, cuộc đua giành ghế Tổng thống thu hút sự quan tâm của dư luận hơn. Bà Aung San Suu Kyi từng được coi là ứng viên sáng giá nhất nhưng không được phép tranh cử do có yếu tố nước ngoài, khi người chồng quá cố và hai con trai của bà đều mang quốc tịch Anh, không phù hợp với Hiến pháp Myanmar. Các ứng cử viên khác gồm Tổng thống đương nhiệm U Thein Sein, cựu Chủ tịch Hạ viện Thura U Shwe Man và Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang Min Aung Hlaing. Theo Hiến pháp Myanmar, dù ông Thein Sein không tranh cử ghế nghị sĩ Quốc hội, nhưng ông vẫn là một thành viên của USDP, có nghĩa là đảng này hoàn toàn có thể tiếp tục đề cử ông giữ cương vị Tổng thống.

Cuộc tổng tuyển cử sắp tới được kỳ vọng là một dấu mốc quan trọng đối với đất nước Myanmar trong giai đoạn phát triển mới. Dù đảng nào giành chiến thắng, tiến trình cải cách sẽ vẫn là xu hướng chủ đạo vì chỉ có cách này Myanmar mới có thể tăng mức sống và cải thiện phúc lợi của người dân một cách bền vững, đồng thời tái lập và nâng cao vai trò quốc tế của mình trong những thập kỷ tới.
Bạch Dương
Hơn 10.000 quan sát viên theo dõi bầu cử Myanmar
Hơn 10.000 quan sát viên theo dõi bầu cử Myanmar

Ủy ban bầu cử liên bang (UEC) của Myanmar ngày 3/11 ra thông cáo cho biết tổng cộng có 10.500 quan sát viên trong nước và quốc tế sẽ tham gia giám sát cuộc tổng tuyển cử tại nước này ngày 8/11 tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN