Dầu có thể rơi xuống ngưỡng 20 USD/thùng ngay cả khi OPEC+ đạt thỏa thuận

Nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ sẽ rơi xuống ngưỡng 27 triệu thùng/ngày trong tháng 4 và đây là mức suy giảm lớn nhất trong lịch sử ngành dầu mỏ, trang mạng Oilprice ngày 9/4 đưa tin.

Chú thích ảnh
Cơ sở khí tự nhiên hóa lỏng của Tập đoàn Gazprom, Nga ở Bắc Cực. Ảnh: AFP/TTXVN

Cầu giảm có thể sẽ buộc các kho dự trữ tràn công suất chứa, đẩy các nhà máy lọc dầu phải cắt giảm sản lượng lớn và ngừng vận hành nhiều giếng dầu. Cú sốc về cầu này có thể sẽ kéo dài hơn so với các ước đoán trước đó.

Theo dự báo của Công ty tư vấn Rystad, nhu cầu tiêu thụ dầu sẽ rơi xuống ngưỡng 20 triệu thùng/ngày trong tháng 5 và 15 triệu thùng/ngày trong tháng 6. Nhu cầu dầu mỏ sẽ tăng trưởng âm cho cả năm 2020. 

Các số liệu mới nhất cho thấy, tiêu thụ dầu mỏ tại Ấn Độ đã giảm tới 70% khi chính phủ nước này áp dụng các biện pháp phong tỏa. Còn tại Mỹ, lượng xăng tiêu thụ đã rớt xuống mức 5 triệu thùng/ngày tại thời điểm ngày 3/4 vừa qua, giảm mạnh so với mức 9,6 triệu thùng/ngày 3 tuần trước đó.

Sự sụt giảm mạnh về nhu cầu và giá đã dẫn tới việc cắt giảm nguồn cung. Công suất lọc dầu trên toàn cầu đã về mức 13,63 triệu thùng/ngày, giảm 2,2 triệu thùng/ngày so với 2 tuần trước, trong khi các kho chứa dầu thô lại tăng mạnh lượng dự trữ. Bất chấp sản lượng lọc dầu giảm, dự trữ xăng đã tăng vọt hơn 10 triệu thùng. 

Trong tình cảnh các đường ống đang nêm kín dầu, các giếng dầu không biết trút dầu khai thác được đi đâu. Theo Morgan Stanley, để đối phó với giá dầu lao dốc và thua lỗ tiềm tàng từ hoạt động khai thác, vận chuyển, các nhà sản xuất có thể sẽ phải tiến đến đóng các giếng dầu đang hoạt động trong thời gian tới. Các giếng dầu có tuổi đời khai thác cao đối diện với nguy cơ cao nhất, do mức giá chi phí đã lớn hơn giá cơ bản.  

Nhiều người từng hy vọng vào một thỏa thuận cắt giảm sản lượng giữa Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) có thể sẽ giúp cải thiện tình hình. Tuy nhiên, mức cắt giảm 10 triệu thùng/ngày đạt được tại cuộc gặp của OPEC+ tối ngày 9/4 là chưa đủ, nó chỉ giúp xoa dịu đôi chút cú sốc về cầu.

Các chuyên gia tại Morgan Stanley đánh giá, dù cuộc gặp OPEC+ có kết quả khả quan, cũng không thể trông đợi vào một thỏa thuận đủ lớn để giải quyết vấn đề dư thừa nguồn cung ngắn hạn do những tác động mà dịch COVID-19 gây ra. Sản xuất èo uột, cắt giảm quy mô vẫn là xu hướng tới đây của ngành dầu khí dù có hay không các nỗ lực hợp tác giảm nguồn cung.

Còn tập đoàn Goldman Sachs thì dự báo, hiệu ứng hỗ trợ giá dầu từ thỏa thuận OPEC+ sẽ sớm qua đi, nhường đường cho xu hướng giảm giá trong ngắn hạn, với việc dầu thô WTI có thể rơi xuống ngưỡng 20 USD/thùng. 

Hoài Thanh/Báo Tin tức
Giá dầu thế giới đi xuống phiên 9/4 bất chấp thỏa thuận của OPEC+
Giá dầu thế giới đi xuống phiên 9/4 bất chấp thỏa thuận của OPEC+

Trong phiên giao dịch ngày 9/4, giá dầu thế giới giảm trước những nghi ngại rằng thỏa thuận cắt giảm sản lượng kỷ lục giữa Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh sẽ không đủ để bù đắp sự sụt giảm nhu cầu dầu toàn cầu do ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN