Đầu bếp sao Michelin cứu đói 50 triệu người Ấn Độ

Từ cách xa 7.000 dặm, người đầu bếp gốc Ấn đạt danh hiệu sao Michelin đang phối hợp xuyên lục địa để tổ chức một trong những chương trình cứu trợ thực phẩm lớn nhất thế giới. Cho đến nay, sáng kiến của anh đã cấp thức ăn cho khoảng 50 triệu người Ấn Độ khốn khó trong đại dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Vikas Khanna chăm bà ở Amritsar. Ảnh: CNN

Hầu như đêm nào đầu bếp Vikas Khanna cũng thức khuya để kết nối với các đồng nghiệp tại Ấn Độ, từ căn hộ của anh ở phía đông Manhattan, New York.

Kể từ tháng 4 đến nay, người đầu bếp đạt danh hiệu sao Michelin đang phối hợp xuyên lục địa, xuyên các múi giờ để tổ chức một trong những chương trình cứu trợ thực phẩm lớn nhất thế giới. Cho đến nay, sáng kiến “Feed India” (Cấp thức ăn cho Ấn Độ) của anh đã cấp thức ăn cho khoảng 50 triệu người Ấn Độ đang phải vật lộn để nuôi sống gia đình trong đại dịch COVID-19.

Ấn Độ có số ca bệnh cao thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ. Tới ngày 12/10, nước này đã vượt qua mốc 7 triệu ca lây nhiễm và trên 108.000 người tử vong.

Khanna đã sống tại Mỹ trong 20 năm qua, nhưng vẫn có sợi dây liên hệ chặt chẽ với quê hương, nơi người mẹ yêu quý của anh đang sống tại Amritsar, bang Punjab. Anh trải qua một tuổi thơ nhọc nhằn trước khi trở thành một trong những đầu bếp Ấn Độ đầu tiên được trao ngôi sao Michelin tại Mỹ. Khanna đã viết 35 cuốn sách về ẩm thực Ấn Độ, đạo diễn phim, nấu ăn cho gia đình cựu Tổng thống Obama và làm host cho chương trình MasterChef India.

Tuy nhiên anh nói “Feed India” là thành tựu vĩ đại nhất trong cuộc đời anh cho đến nay. “Lý trí tôi nói 'đừng làm, mày sẽ chệch hướng đấy’. Nhưng trái tim tôi thì mách bảo rằng, mẹ mày không nuôi nấng mày chỉ để đăng video về bản thân lên mạng”, Khanna chia sẻ.

Vì thế anh đã bắt đầu gây dựng một mạng lưới các tình nguyện viên giao thức ăn tới hàng triệu người nghèo bị gạt ra bên lề xã hội Ấn Độ - một công việc gần như bất khả thi trong bối cảnh đất nước đang bị phong tỏa vì dịch COVID.

Chú thích ảnh
Vikas Khanna, host chương trình MasterChef India, chuẩn bị bánh mì chappati cho bữa ăn chay tại ngôi đền của người Sikh ở Amritsa ngày 7/9/2016.

Chương trình vĩ đại từ ý tưởng tình cờ

Khanna vốn không có kế hoạch khởi động một chương trình cứu trợ, mọi sự bắt đầu tình cờ vào cuối tháng 3/2020 khi ông nhận được một email khuyến khích người Ấn Độ ở hải ngoại giúp đỡ người nghèo trong nước. “Trong bức thư đó họ đã sử dụng tấm hình những người già đang cầm những đĩa thức ăn trống trơn. Một ngày sau khi tôi ủng hộ cho chương trình, khi đang nói chuyện với nhóm của mình ở Ấn Độ, tôi đã cổ vũ họ đóng góp cho tổ chức. Nhưng tôi sớm nhận ra đó là một trò lừa". Một thành viên trong nhóm phát hiện tấm ảnh trên được copy lại từ một trang web chính phủ. Lúc đó số tiền ủng hộ của Khanna đã gửi đi, nhưng hình ảnh những con người tuyệt vọng tại quê nhà vẫn ám ảnh anh.

Vào ngày 1/4/2020, Khanna đăng trên Twitter kêu gọi ủng hộ cho các nhà dưỡng lão, trại mồ côi và các trung tâm người khuyết tật. Hơn 1.000 người đã hưởng ứng. Thời điểm đó, Ấn Độ mới chỉ phong tỏa toàn quốc được 1 tuần, với trên 1.800 ca nhiễm virus và 41 ca tử vong.

Cách đó hơn 7000 dặm, tình hình tại New York tệ hơn nhiều. Bệnh viện dã chiến đã được dựng lên ở Công viên Trung tâm. Từ căn hộ của mình Khanna có thể nghe thấy tiếng trực thăng cứu thương vận chuyển người bệnh tới. Khi đó, 45.000 người đã mắc bệnh và 1.374 người tử vong tại thành phố New York. “Đó là những ngày đen tối. Tôi mất họ hàng, bạn bè trong đại dịch. Những buổi cầu nguyện qua cuộc gọi trực tuyến thật đau thương”, anh nói.

Chú thích ảnh
 Vikas Khanna cùng bố mẹ trong ảnh chụp năm 2012. Ảnh: CNN

Hoạt động kinh doanh ăn uống của Khanna lập tức bị ảnh hưởng. Anh vừa ký hợp đồng thuê nhà hàng mới ở New York vào 31/3. Đại dịch khiến kinh doanh tê liệt cũng là lúc Khanna quyết định tập trung sự quan tâm của mình vào “Feed India”.

Vượt qua khó khăn

Nhóm của anh bắt đầu lên danh sách các thành phố cần cứu trợ thực phẩm. Họ làm việc với các nhà bán buôn thực phẩm khô trong thành phố và tìm tình nguyện viên để đóng bao các gói thức ăn và chuyển chúng đến người cần. Chuyến giao thực phẩm đầu tiên diễn ra vào ngày 3/4 tại 2 thành phố ở hai đầu của đất nước Ấn Độ - Varanasi ở bang Uttar Pradesh và Mangalore ở Karnataka.

“Chúng tôi đối mặt khó khăn về hậu cần mỗi ngày. Vào ngày 10/4, ai đó đã khoắng sạch một xe tải chở đầy thực phẩm. Họ biết rằng tôi đang điều hành hoạt động từ New York", anh giải thích. “Đó là một bước lùi lớn. Tôi vô cùng khó chịu. Tôi đã gọi cho mẹ, nói rằng tôi không thể tiếp tục điều hành chương trình", Khanna kể lại với CNN.

Người mẹ già của anh, Bindu Khanna, đã đưa ra những lời động viên quen thuộc. "Tôi đã nói với Vikas rằng đừng nản lòng. Đã đến lúc con phải trả ơn cho đất nước bằng cách giúp những người nghèo đói”.

Khanna nhận ra rằng mình cần một tổ chức đáng tin cậy để giúp thực hiện sáng kiến của mình ở Ấn Độ.

Giữa tháng 4, anh liên lạc với SN Pradhan, Trưởng Lực lượng phản ứng thảm họa quốc gia Ấn Độ (NDRF), đơn vị chịu trách nhiệm dẫn đầu các nỗ lực cứu trợ trong đại dịch. Thông qua NDRF, Khanna đã giúp được hàng triệu lao động di cư , những người chuyển giới, bệnh nhân AIDS, người mồ côi, nạn nhân lũ lụt và cả những người hành nghề mại dâm, trêm khắp các bang miền Đông như Bihar, West Bengal và Assam.

Từ một sáng kiến nhỏ bằng tiền tiết kiệm của mình, giờ đây “Feed India” đã thu hút sự ủng hộ của nhiều công ty và quỹ lớn như Pepsi, India Gate, Quaker Oats, Hyatt Regency và Quỹ toàn cầu bảo vệ góa phụ. Và bên cạnh thực phẩm, chương trình còn ủng hộ khẩu trang, khăn giấy vệ sinh và dép đi cho những người nghèo vốn toàn đi chân trần.

Con đường của cậu bé tật nguyền

Bị chân vẹo bẩm sinh, khi còn nhỏ Khanna luôn phải mang nẹp chân, sau đó đi giày gỗ. Các bác sĩ dự đoán rằng anh sẽ không bao giờ có thể bước đi được. Nhưng năm 11 tuổi, cậu bé Khanna đã có thể chạy mà không cần hỗ trợ.

Chú thích ảnh
 Khanna với đôi chân bị bó chặt vì dị tật khi còn nhỏ. Ảnh: CNN

Khanna thường bị bắt nạt và đó là lý do đầu tiên thu hút cậu bé thích ở lì trong căn bếp, để được bà dạy cho các hương vị của món ăn Ấn.

Sau khi kết thúc học phổ thông, Khanna theo học một khóa quản trị khách sạn, làm cho các khách sạn hàng đầu tại Ấn Độ trước khi chuyển tới Mỹ vào năm 2000.

Năm 34 tuổi Khanna mở một lớp dạy nấu ăn trong căn hộ tại New York và bắt đầu mua một nhà hàng nhỏ để khởi nghiệp kinh doanh ăn uống. Tháng 12/2010, anh mở nhà hàng đồ ăn Ấn Độ Junoon tại New York và giành được một ngôi sao Michelin 10 tháng sau đó.

Mở chương trình “Feed India” vẫn là chưa đủ, Khanna mới đây đã khai trương Ellora, một nhà hàng mới ở Dubai và đang làm việc với dự án phim ảnh thứ hai của mình cũng như viết sách về sáng kiến “Feed India”.

Khanna không thể nói chính xác khi nào “Feed India” sẽ kết thúc vì còn quá nhiều người đang cần giúp đỡ. “Nếu bà tôi còn sống, bà sẽ nói rằng 'cháu không sinh ra chỉ để có được ngôi sao Michelin, cháu sinh ra để thực hiện điều này”, anh nói.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo CNN)
Đại học Mỹ cảnh báo sinh viên cố tình mắc COVID-19 để kiếm tiền
Đại học Mỹ cảnh báo sinh viên cố tình mắc COVID-19 để kiếm tiền

Đại học Brigham Young (bang Idaho, Mỹ) cảnh báo một số sinh viên trường này đang cố tình nhiễm virus SARS-CoV-2 để kiếm tiền bằng cách hiến huyết tương có chứa kháng thể sau khi hồi phục.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN