Theo hãng tin Reuters, một nguồn ngoại giao cho biết 12 đại sứ của Sudan - trong đó có các đại sứ tại Mỹ, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Trung Quốc, Pháp - phản đối việc quân đội giành quyền kiểm soát đất nước từ tay chính quyền chuyển tiếp dân sự hôm 25/10.
Cũng trong ngày 27/10, Tướng Abdel Fattah al-Burhan đã gặp Đại sứ Saudi Arabia tại Khartoum, ông Ali Bin Hasan Jaafar để thảo luận về cuộc khủng hoảng hiện nay tại Sudan.
Trang Facebook của quân đội Sudan cho biết cuộc gặp đề cập những nỗ lực giải quyết tình hình thông qua đối thoại “giữa tất cả các bên liên quan”.
Liên quan diễn biến tình hình tại Sudan, ngày 27/10, đại sứ của các nước Pháp, Đức, Na Uy, Anh, Mỹ cùng đại diện các tổ chức Liên hợp quốc (LHQ) và EU đã gặp Thủ tướng Sudan Abdalla Hamdok tại nhà riêng của ông.
Trên trang Twitter, Phái bộ Hỗ trợ chuyển tiếp hợp nhất của LHQ tại Sudan (UNITAMS) cho biết đại sứ các nước và tổ chức nói trên thấy ông Hamdok trong tình trạng sức khỏe tốt.
Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cùng ngày cho biết đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Sudan Abdalla Hamdok để bày tỏ sự ủng hộ của châu Âu đối với việc khôi phục chính quyền dân sự chuyển tiếp tại quốc gia Bắc Phi này.
Sudan đã trải qua quá trình chuyển tiếp bấp bênh do những chia rẽ chính trị kể từ khi Tổng thống Omar al-Bashir bị lật đổ vào tháng 4/2019. Kể từ tháng 8/2019, Sudan do Hội đồng tối cao gồm các đại diện quân sự-dân sự cùng điều hành đất nước.
Ngày 25/10, quân đội Sudan đã bắt giữ hầu hết các thành viên nội các. Tướng Abdel Fattah al-Burhan - thời điểm đó là người đứng đầu Hội đồng tối cao - đã ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc, đồng thời thông báo giải tán Hội đồng tối cao và chính phủ chuyển tiếp. Thủ tướng Hamdok cũng bị bắt giữ hôm 25/10, nhưng sau đó đã được trả tự do.
Ngày 27/10, Liên minh châu Phi (AU) thông báo đình chỉ tư cách thành viên của Sudan cho đến khi chính quyền dân sự tại nước này được phục hồi.