Đảng Dân chủ vẫn còn ám ảnh sau 'cơn ác mộng bầu cử' 2016

Mặc dù có nhiều dự đoán đảng Dân chủ sẽ giành lại Hạ viện, song các cử tri đảng này - những người còn ám ảnh sau nỗi thất bại 2016 – vẫn lo lắng cho một thảm họa bầu cử bất ngờ.

Chú thích ảnh
Nỗi buồn, sự thất vọng, nước mắt... hiện lên trên khuôn mặt của người dân theo phe Dân chủ trong đêm công bố kết quả bầu cử tổng thống năm 2016. Ảnh: Getty Images

Ngay trước đêm diễn ra bầu cử giữa kỳ, mức độ tín nhiệm của Tổng thống Mỹ Donald Trump giảm sút, những người trẻ tuổi đi bỏ phiếu tràn đầy năng lượng và hy vọng về một viễn cảnh đảng Cộng hòa mất thế đa số tại Hạ viện.

Tuy nhiên, khi nhắc đến những ký ức năm 2016, các cử tri này đều bày tỏ nghi ngờ về kết quả các cuộc khảo sát và đưa ra những kế hoạch bầu chọn nhằm ngăn chặn tình huống xấu nhất xảy ra.

2 năm sau, thậm chí khi nghĩ về thất bại đêm bầu cử năm 2016 vẫn còn là một cái gì đó quá sức chịu đựng với nhiều người Dân chủ.

“Hãy thôi đi”, Nadeam Elshami – cựu Chánh văn phòng của Lãnh đạo phe Dân chủ chiếm thiểu số tại Hạ viện Mỹ hét lớn khi được hỏi về khả năng thua cuộc. Ông Elshami cho biết sau khi thức nguyên đêm để tham khảo các cuộc khảo sát cũng như tin tức vận động tranh cử, ông vẫn hồi hộp và căng thẳng chờ đợi kết quả bầu cử Hạ viện.

Ông John Anzalone, người làm việc trong chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton, chia sẻ chiến thắng gây sốc của ứng viên Donald Trump năm 2016, đánh bạt mọi dự đoán, vẫn còn ám ảnh đối với nhiều người trong đảng.

Đó không phải là một lối nói cường điệu. Một nghiên cứu công bố vào tháng trước trên tạp chí American College Health cho thấy 1/4 sinh viên đại học có các triệu chứng “sang chấn” từ kết quả bầu cử năm 2016. Tại một trường đại học Vassar ở ngoại ô New York, các thành viên đảng Dân chủ đã quyết định di chuyển hội trường xem kết quả sang một địa điểm mới vì lo ngại cảnh tượng tương tự năm 2016 sẽ trở nên quá sức chịu đựng đối với một số sinh viên.

Một cuộc thăm dò do hãng tinAP/MTV thực hiện hồi tháng 9 cho thấy 61% người dân theo đảng Dân chủ tuổi từ 15 đến 34 phản ánh cảm giác lo lắng về bầu cử giữa kỳ, tăng 22 điểm phần trăm so với tháng 7.

Đối với những người theo phe Dân chủ còn bị ám ảnh, tiến gần đến cuộc bầu cử hôm 6/11 có cảm giác như bay trở lại sau khi sống sót sau một vụ tai nạn máy bay.

Một số người nói rằng nguy cơ thậm chí còn cao hơn năm 2016: Ông Trump giành chiến thắng về phiếu đại cử tri, dù thua hơn 3,5 triệu phiếu phổ thông, dù ông vẫn là một người mới của chính trường. Mọi chuyện sẽ trở nên đáng sợ nếu người Mỹ không thể kiểm tra ông ấy sau 2 năm lãnh đạo với tính cách tự đại.

“Tôi đủ minh mẫn để nhớ đến tờ New York Times giành cho ứng viên Hillary Clinton 85% cơ hội chiến thắng trong đêm bầu cử”, Ezra Levin – người đồng sáng lập tổ chức chống Trump mang tên Indivisible – chia sẻ.

Nhiều người đảng Dân chủ xem việc nói về chiến thắng lớn của đảng Dân chủ vào ngày bầu cử giữa kỳ là điềm gở, hay tệ hơn là cái cớ cho sự lãnh đạm.

Khi Lãnh đạo phe thiểu số Hạ viện Nancy Pelosi dự đoán trong chương trình “Late Show” phát sóng tuần trước rằng Dân chủ “sẽ chiến thắng” tại Hạ viện, các diễn viên hài theo phe này lên tiếng bày tỏ nỗi lo “nói trước bước không qua”. “Xin đừng nói vậy”, người dẫn chương trình Colbert đáp lại.

Phải chăng vì vậy ban lãnh đạo đảng Dân chủ cho đến giờ vẫn chưa công bố kế hoạch cho tối bầu cử. Năm 2006, khi đảng Dân chủ giành được chiến thắng áp đảo trước đảng của đương kim Tổng thống, họ ăn mừng với bữa tiệc xuyên đêm tại quầy bar ngoài trời, cùng hơn 1.000 người tham dự tại thủ đô Washington D.C.

Theo tờ Politico, Đảng Dân chủ vẫn còn nhiều tình huống xấu nhất để lo lắng.

Cử tri trẻ và thiểu số - thường có xu hướng giảm đáng kể trong các cuộc bầu cử giữa kỳ - đang thể hiện sự nhiệt tình hơn mức bình thường trong đợt bầu lần này, nhưng nếu họ kết thúc với con số trung bình điển hình, đảng Dân chủ có thể thua cuộc.

Một trong những quân bài quan trọng khác là nhóm cử tri mới và bất thường, những người đã ủng hộ ông Trump vào năm 2016 - một nhóm mà cho đến giờ bộ phận thăm dò ý kiến vẫn cảm thấy cực khó đoán. Vẫn chưa rõ có bao nhiêu người sẽ bỏ phiếu mà không có tên của ông Trump trên lá phiếu, nhưng nếu lượng người này đi bỏ phiếu cao, sẽ có một kết quả tốt ngoài mong đợi giành cho đảng Cộng hòa.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức
10 cuộc ‘so găng’ trong cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ
10 cuộc ‘so găng’ trong cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ

Thời điểm đến cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ chỉ còn tính bằng giờ. Sáng 6/11 (giờ Mỹ), cử tri sẽ bỏ lá phiếu bầu toàn bộ 435 ghế Hạ viện và 35/100 ghế Thượng viện. Cuộc bầu cử giữa kỳ này được coi là một trưng cầu ý dân với đường lối lãnh đạo của Tổng thống Donald Trump.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN