Theo báo USA Today, một số lãnh đạo quốc tế âm thầm ủng hộ cho Đảng Dân chủ giành được lợi thế trong Quốc hội, hy vọng đảng đối lập sẽ ngăn chặn những cuộc tấn công của chính quyền Tổng thống Trump đối với các thỏa thuận quốc tế, chính sách cứng rắn về người nhập cư hay đòn áp thuế thương mại đang gây căng thẳng trên toàn thế giới.
Trong khi đó, một số quốc gia khác như Triều Tiên lại hy vọng đảng Cộng hòa duy trì được quyền hạn của mình tại Washington để Tổng thống Trump không bị hạn chế hay bị phân tâm, làm ảnh hưởng tới các chương trình nghị sự của Mỹ với Bình Nhưỡng.
Giới chuyên gia cho rằng các cuộc bầu cử Mỹ thu hút được sự chú ý của thế giới không còn là điều mới mẻ, tuy nhiên sự kiện bầu cử giữa kỳ lần này lại đặc biệt được chú tâm hơn cả. “Vì tiến trình chính trị của chúng ta đang trở nên khó đoán, nên các nhà lãnh đạo khác chăm chú theo dõi hơn trước đây”, Allen Carlson – Giám đốc Viện nghiên cứu Trung Quốc và châu Á Thái Bình Dương thuộc Đại học Cornell nhận định.
Triều Tiên
Theo Sue Mi Terry – một chuyên gia về Triều Tiên làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nhà lãnh đạo Kim Jong-un đang theo dõi sát sao cuộc bầu cử giữa kỳ ngày 6/11 tại Mỹ.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên muốn một hiệp ước hòa bình tuyên bố chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên – một cuộc chiến đạt được thỏa thuận ngừng bắn từ 1953 nhưng chưa bao giờ chính thức được công bố chấm dứt. Sự thúc đẩy của nhà lãnh đạo Kim Jong-un về một hiệp ước chính thức luôn được coi là một điểm sáng trong các cuộc đàm phán Mỹ-Triều.
“Hiện tại, nhà lãnh đạo Kim Jong-un có một chiến lược… và tất cả mọi việc đều diễn biến tốt đẹp với ông ấy”, chuyên gia Terry nhận xét, nhấn mạnh Tổng thống Trump là mối đối tác có thể tác động.
Tổng thống Trump đã nhất trí tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần 2 với nhà lãnh đạo Triều Tiên, và cuộc gặp có thể diễn ra trong vài tháng tới. Tuy nhiên, các nhà lập pháp tại Quốc hội Mỹ, đặc biệt là những nghị sĩ Đảng Dân chủ, lại liên tục phản đối các cuộc đối thoại, cho rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên đang qua mặt người đồng cấp Mỹ với những lời hứa suông. Do đó, Quốc hội Mỹ khó mà phê chuẩn bất cứ hiệp ước chấm dứt chiến tranh Triều Tiên nào.
Bên cạnh đó, các quan chức Triều Tiên còn lo ngại Tổng thống Trump có thể hoàn toàn từ bỏ các cuộc đàm phán nếu như Đảng Dân chủ giành quyền kiểm soát Thượng viện hoặc Hạ viện. “Họ thực sự lo Tổng thống Trump, nếu như không ở bên thắng cuộc sau bầu cử giữa nhiệm kỳ, sẽ không quan tâm tới vấn đề Triều Tiên nữa, có thể bị Quốc hội trói tay, thậm chí… đối mặt với nguy cơ bị luận tội”, Victor Cha – cựu Giám đốc các vấn đề châu Á thuộc Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ dưới thời chính quyền Obama giải thích.
Trung Quốc
Tổng thống Trump từng cáo buộc Trung Quốc can thiệp vào cuộc bầu cử giữa kỳ như một cách để làm suy yếu chính sách thương mại của ông - đặc biệt là mức thuế lớn mà chính quyền Wahshington áp với hàng hóa Trung Quốc. Các chuyên gia nói rằng có bằng chứng rõ ràng Bắc Kinh can thiệp bầu cử đáng kể và lưu ý Trung Quốc và các chính phủ nước ngoài khác thường chạy quảng cáo trên các phương tiện truyền thông Mỹ để tuyên truyền.
"Trung Quốc có một niềm tin rằng những chuyện đang xảy ra chỉ là bị thúc đẩy bởi các mối lo chính trị nội bộ và có thể có nhiều cơ hội đối thoại hợp lý hơn, mang tính xây dựng hơn với Mỹ sau khi bầu cử giữa kỳ kết thúc", bà Bonnie Glaser, một chuyên gia hàng đầu về Trung Quốc tại CSIS cho biết.
Trong khi đó, Giáo sư Carlson của Đại học Cornell lại cho rằng Bắc Kinh muốn “Mỹ có một cách tiếp cận rõ ràng hơn đối với Trung Quốc. Điều này không giống việc họ chống lại Tổng thống Trump hay ủng hộ đảng Dân chủ. Hãy nhớ rằng trong năm 2016, Bắc Kinh còn bày tỏ sự ủng hộ đối với ứng viên Trump vì tức giận với bà Hillary Clinton”.
Iran
Mục tiêu chính sách đối ngoại số 1 của chính quyền Tổng thống Trump là “cô lập Iran”. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi các nhà lãnh đạo Iran đang cố gắng tìm hiểu xem họ có thể chờ đợi ông Trump hết nhiệm kỳ hoặc nếu thấy cần thiết thì phải lên kế hoạch B.
Câu hỏi trọng tâm của Iran là số phận của thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Tổng thống Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận đa phương và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế có nguy cơ làm cho nền kinh tế của Iran xáo trộn. Hiện tại, Iran đã tuyên bố tuân thủ thỏa thuận, với hy vọng Mỹ có thể gia nhập lại thỏa thuận dưới một chính quyền mới.
Trita Parsi - người sáng lập Hội đồng người Mỹ gốc Iran, một tổ chức tìm cách thúc đẩy quan hệ Mỹ-Iran tốt hơn – nhận xét: “Nếu bạn có đảng Dân chủ ủng hộ, một Hạ viện của phe Dân chủ và thậm chí có thể là Thượng viện, đó có thể là một bài kiểm tra đối với chiến lược của Tổng thống Trump. Nó sẽ khuyến khích Iran hy vọng họ có thể chờ đợi đến ngày Tổng thống Trump hết nhiệm kỳ và hy vọng ông chỉ làm được một nhiệm kỳ".
Nhưng nếu Đảng Dân chủ để thua vào ngày 6/11, phe cứng rắn và muốn rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 tại Tehran sẽ chiếm ưu thế.
Liên minh châu Âu, NATO
Tổng thống Trump đã rất thẳng thắn về sự không hài lòng của mình đối với một số đồng minh và liên minh thân cận trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Ông đặc biệt xem nhẹ mối quan hệ thương mại xuyên Đại Tây Dương, chỉ trích "không ai đối xử với chúng tôi tồi tệ hơn Liên minh châu Âu". Tổng thống Trump áp dụng đánh thuế quan mặt hàng thép và nhôm đối với EU. Thái độ của Tổng thống đối với liên minh quân sự NATO cũng không kém phần ồn ào. Nhà lãnh đạo từng nói NATO "lỗi thời" nhằm gây sức ép cho các thành viên khác thực hiện tốt những cam kết để đóng góp tài chính lớn hơn cho liên minh.
"Người châu Âu muốn thấy quyền hạn của Tổng thống Trump giảm sút", Michael Wohlgemuth, Giám đốc Open Europe, một công ty tư vấn ngoại giao có trụ sở tại Berlin cho biết.
Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là châu Âu hy vọng đảng Cộng hòa nhận một kết cục thảm họa sau cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2018. Elmar Brok, cựu Chủ tịch Ủy ban Ngoại giao Châu Âu, cho rằng nếu để thua, Tổng thống Trump sẽ có thể tập trung hoàn toàn vào chính sách đối ngoại bởi vì ông sẽ không còn khả năng cải cách trong nước, và điều đó có thể khiến EU “lo lắng hơn”.