Động thái trên được đưa ra trong bối cảnh chỉ còn vài ngày trước khi Thượng viện Mỹ bỏ phiếu thông qua một dự thảo nghị quyết nhằm chấm dứt tuyên bố tình trạng khẩn cấp của Tổng thống Donald Trump, theo đó ngăn chặn chính quyền mở rộng việc xây bức tường biên giới giữa Mỹ với Mexico bằng cách sử dụng khoản ngân sách đã được chuẩn chi cho các chương trình khác.
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, văn kiện trên - do Thượng nghị sĩ Mike Lee đề xuất và được nhiều Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa khác ủng hộ, sẽ yêu cầu Quốc hội Mỹ thông qua dự luật gia hạn hiệu lực của tuyên bố tình trạng khẩn cấp sau 30 ngày. Trong trường hợp dự luật gia hạn tuyên bố tình trạng khẩn cấp không được Quốc hội phê chuẩn, tuyên bố tình trạng khẩn cấp này sẽ bị chấm dứt. Như vậy, dự luật do các Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa đề xuất sẽ giúp thay đổi đáng kể đối với cơ chế mà Quốc hội Mỹ có thể áp dụng nhằm ngăn chặn tuyên bố khẩn cấp quốc gia.
Thượng nghị sĩ Lee cho rằng nếu Quốc hội gặp vấn đề với những tuyên bố tình trạng khẩn cấp gần đây, được đưa ra theo Đạo luật khẩn cấp quốc gia, thì đấy chính là do Quốc hội đã bỏ các quyền lập pháp này vào năm 1976. Chính vì vậy, đây chính là thời điểm để lấy lại những quyền mà cho phép Tổng thống hành động như vậy.
Tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia do Tổng thống Trump ban bố ngày 15/2 nhằm huy động nguồn ngân sách xây bức tường biên giới với Mexico đã gây ra một cuộc tranh luận trong các nghị sĩ đảng Cộng hòa về việc họ có nên thay đổi Đạo luật khẩn cấp quốc gia hay không. Mặc dù đa số các thành viên đảng Cộng hòa vẫn ủng hộ Tổng thống Trump về vấn đề an ninh biên giới, song họ cũng lo ngại rằng các Tổng thống đảng Dân chủ trong tương lai có thể sử dụng quyền giống như Tổng thống Trump để buộc thông qua các vấn đề khác như biến đổi khí hậu hoặc kiểm soát súng đạn.
Trước đó, một dự thảo nghị quyết nhằm chấm dứt tuyên bố tình trạng khẩn cấp của Tổng thống Donald Trump về an ninh biên giới đã được Hạ viện Mỹ thông qua với tỷ lệ 245 phiếu thuận và 182 phiếu chống. Tuy nhiên, trong trường hợp dự thảo nghị quyết này được thông qua tại Thượng viện sẽ buộc Tổng thống Donald Trump lần đầu tiên phải sử dụng tới quyền phủ quyết và cũng gần như chắc chắn Quốc hội Mỹ sẽ không nhận đủ đa số phiếu ủng hộ cần thiết để phản bác quyền phủ quyết của ông Trump.
Ngày 15/2 vừa qua, Tổng thống Trump đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để cho phép ông có được ngân sách xây dựng bức tường biên giới phía Nam qua các nguồn tài chính mà không cần phải có sự đồng ý của Quốc hội, như ngân sách của Bộ Quốc phòng Mỹ dành cho các dự án xây dựng quân sự.