Tòa án Hiến pháp Thái Lan ngày 20/11 đã ra phán quyết rằng việc chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra tìm cách sửa đổi hiến pháp năm 2007 là vi hiến. Tuy nhiên, Tòa không quyết định giải thể đảng cầm quyền Puea Thai của bà Yingluck và không trừng phạt các nghị sĩ liên minh với đảng này. Quyết định của tòa án đã cứu nguy cho nữ Thủ tướng Yingluck, tuy nhiên sẽ làm trầm trọng thêm mâu thuẫn chính trị ở Thái Lan.
Vi hiến nhưng không bị giải thể
Theo phán quyết đọc tại tòa án (được truyền hình trực tiếp), dự luật sửa đổi về việc bầu các thành viên Thượng viện và tư cách của các thượng nghị sĩ đã vi phạm điều 68 của hiến pháp hiện hành, theo đó cấm lật đổ chế độ quân chủ và thực hiện các hành động vi hiến nhằm chiếm quyền lực.
Cảnh sát chống bạo động Thái Lan đứng gác trước Tòa án Hiến pháp. Ảnh: AFP/TTXVN |
Tòa giải thích rằng dự luật sửa đổi của chính quyền Thủ tướng Yingluck sẽ phá vỡ hệ thống “kiểm soát và cân bằng” giữa Hạ viện và Thượng viện vì nó muốn toàn bộ thành viên Thượng viện phải có tư cách thông qua bầu cử. Hiện nay, Thượng viện có 76 thành viên được bầu, 74 thành viên được bổ nhiệm.
Không chỉ thế, dự luật sửa đổi bị tòa chỉ trích vì nó cho phép vợ/chồng và họ hàng thân thích của các nghị sĩ được tranh cử trong các cuộc bầu cử Thượng viện. Điều này sẽ khiến nghị sĩ ở Hạ viện chi phối Thượng viện và dẫn đến chi phối toàn bộ quốc hội - một bước thụt lùi cho đất nước.
Ngoài ra, tòa án phán quyết rằng dự luật còn vi phạm các điều khoản hiến pháp liên quan đến quy trình thảo luận về dự luật. Theo đó, Chủ tịch Hạ viện Somsak Kiatsuranont và cấp phó của ông này đã sai trái khi cắt ngắn thời gian được lên lịch từ trước để thảo luận về dự luật sửa đổi, khiến các nghị sĩ không có quyền phát biểu về dự luật này.
Tuy nhiên, trái với dự báo trước đó, đảng Puea Thai không bị giải thể theo yêu cầu của phe đối lập. Dù thoát án giải thể nhưng phán quyết của tòa đã “bồi” thêm một đòn giáng chính trị với chính phủ của bà Yingluck. Trước đó, Thượng viện đã không thông qua dự luật ân xá chính trị do đảng của bà Yingluck đề xuất. Nguyên nhân là nhiều người cho rằng dự luật này được đưa ra để dọn đường cho anh trai bà Yingluck là cựu Thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra về nước.
Thủ tướng Yingluck quyết không từ chức
Trước ngày tòa ra phán quyết, Thủ tướng Yingluck đã tuyên bố không giải tán Hạ viện cũng như không từ chức bất chấp sức ép của biểu tình chống chính phủ. Bà tuyên bố: Chính phủ này rõ ràng đủ khả năng điều hành đất nước. Thay đổi phi lý sẽ chỉ làm suy yếu chính phủ đang hoạt động vì lợi ích của nhân dân và đất nước. Nữ thủ tướng cũng cho rằng không nên quay lại vòng xoáy bất ổn chính trị vì nó sẽ chẳng đi đến đâu, mà hãy giữ cho đất nước tiến lên.
Ngoài ra, bà Yingluck cũng kêu gọi các đảng bình tĩnh, tuân thủ luật pháp và đảm bảo hoạt động của họ dù là ủng hộ hay phản đối chính phủ phải diễn ra vừa phải và hòa bình.
Trước đó, phe đối lập chính ở Thái Lan đã phát động bỏ phiếu bất tín nhiệm chống lại Thủ tướng Yingluck ở quốc hội ngày 15/11. Hành động được xem như là nỗ lực “một mất một còn” để lật đổ chính phủ đương nhiệm.
Liên quan đến làn sóng biểu tình, phán quyết của tòa án không bắt đảng Puea Thai giải thể cũng góp phần làm giảm cẳng thẳng của phe “áo đỏ” ủng hộ chính phủ đương nhiệm ở Thái Lan. Tuy nhiên, lãnh đạo phe “áo đỏ” vẫn tỏ ra không hài lòng vì đảng Puea Thai bị coi là hành động vi hiến. Lãnh đạo phe này đã tuyên bố phát động một cuộc chiến mới.
Thùy Dương