Theo Reuters, một thành viên trong phái đoàn gồm 4 người của Taliban
đánh giá có "những dấu hiệu vô cùng tích cực" từ cuộc đàm phán mà theo
ông đã diễn ra trong "bầu không khí thân thiện" tại một khách sạn ở
Doha. Nhân vật này nhấn mạnh đây không phải là một cuộc hòa đàm, mà là
một chuỗi các cuộc họp nhằm khởi xướng cuộc đàm phán chính thức và có
chủ đích. Hai bên đã nhất trí sẽ sớm gặp lại nhau và giải quyết xung đột tại Afghanistan thông qua đối thoại.
Thành viên Taliban trên nêu rõ các cuộc đàm phán này đã được tổ chức theo yêu cầu của phía Taliban và không có sự hiện diện của quan chức Chính phủ Afghanistan.
Hai bên đã thảo luận về việc cho phép Taliban đi lại tự do tại hai tỉnh mà không bị tấn công, một ý tưởng đã bị Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani bác bỏ. Cuộc thảo luận cũng đề cập đến việc Taliban tham gia Chính phủ Afghanistan. Yêu cầu duy nhất của phía Mỹ là cho phép nước này đặt căn cứ quân sự tại Afghanistan.
Một thành viên khác trong phái đoàn Taliban xác nhận hai bên đã có 3 cuộc gặp và đạt được nhất trí về việc tiếp tục các cuộc đàm phán có ý nghĩa. Theo thành viên này, đầu tiên Taliban sẽ tiến hành trao đổi tù nhân, tiếp đó là thảo luận các vấn đề khác nhằm khôi phục hòa bình tại Afghanistan. Tuy nhiên, phái đoàn Taliban nhấn mạnh hòa bình chỉ có thể được khôi phục tại quốc gia Nam Á này khi toàn bộ các lực lượng nước ngoài rút khỏi đây.
Trong khi đó, một nguồn thạo tin khác khẳng định Mỹ đã hối thúc Taliban chấp nhận lệnh ngừng bắn trong dịp lễ Eid-ul Adha tại Afghanistan bắt đầu từ ngày 22/8 tới. Hai bên cũng nhất trí gặp gỡ trước dịp lễ này song thời gian và địa điểm vẫn chưa được thống nhất.
Trước đó, báo Wall Street Journal đưa tin quan chức cấp cao của Cục các vấn đề Nam và Trung Á thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Alice Wells đã gặp đại diện của nhóm Taliban tại Qatar để tổ chức hòa đàm. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ xác nhận bà Wells đã tới thăm Doha để gặp Chính phủ Các tiểu vương quốc Arab (UAE), trong đó Phó Thủ tướng UAE nhằm thảo luận về sự đóng góp của quốc gia này vào tình hình tại Afghanistan.
Taliban từ lâu nhấn mạnh muốn đàm phán trực tiếp với Mỹ, song Washington liên tiếp bác bỏ, cho rằng các cuộc đàm phán phải do người Afghanistan đứng đầu. Tháng 6 vừa qua, Mỹ đã thể hiện thay đổi trong chính sách tại Afghanistan, khi Ngoại trưởng Mike Pompeo nói rằng Mỹ sẵn sàng "hỗ trợ, tạo điều kiện và tham gia" các cuộc đàm phán.
Ông thậm chí còn để ngỏ khả năng thảo luận về vai trò của các lực lượng nước ngoài tại Afghanistan, vấn đề mà Taliban quan tâm nhất. Trung tuần tháng 7 này, Tướng John Nicholson, Tư lệnh các lực lượng Mỹ và NATO tại Afghanistan, khẳng định Washington sẵn sàng tham gia thương lượng trực tiếp với lực lượng Taliban trong nỗ lực nhằm chấm dứt cuộc chiến kéo dài 17 năm qua ở quốc gia Trung Nam Á này.