Bộ trưởng Kinh tế Mexico Ildefonso Guajardo Villarreal tại một cuộc họp báo. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo phóng viên TTXVN tại Mexico City, đề xuất của Mexico cũng bao gồm lộ trình 10 năm đối với các xe bán tải và xe con, cùng với đó là một điều khoản linh hoạt về tăng tiền lương trong ngành công nghiệp chế tạo này.
Trước đó, ngành công nghiệp xe hơi Mexico đã phản đối đề xuất mới nhất của Mỹ về việc nâng tỷ lệ nội địa hóa đối với sản phẩm ôtô trong khu vực lên 75% so với mức 62,5% hiện tại trong vòng 4 năm đối với các dòng xe hạng nhẹ. Mỹ cũng đòi hỏi 40% giá trị xe hạng nhẹ và 45% giá trị xe bán tải phải được sản xuất tại các khu vực có mức lương tối thiểu 16 USD/giờ.
Cùng với các cuộc đàm phán kỹ thuật, các trưởng đoàn đàm phán của ba bên, gồm Bộ trưởng Kinh tế Mexico Ildefonso Guajardo, Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, hiện đang nhóm họp tại thủ đô Washington (Mỹ) để tìm cách đạt được đồng thuận về những bất đồng còn tồn tại nhằm sớm hoàn tất đàm phán về sửa đổi NAFTA trong tháng 5 này.
Mặc dù các bên đều khẳng định quá trình đàm phán đang tiến triển, nhưng vẫn còn nhiều bất đồng trong những vấn đề gai góc như tỷ lệ nội địa ôtô, điều khoản tự động hết hạn sau 5 năm của Mỹ, cơ chế giải quyết tranh chấp và tiếp cận thị trường nông nghiệp.
Trước đó, Đại diện Thương mại Mỹ Lighthizer đã cảnh báo nếu không đạt được một thoả thuận NAFTA mới trong tháng 5, các bên sẽ phải đối mặt với những khó khăn.
Các cuộc đàm phán về sửa đổi NAFTA được khởi động không lâu sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán chính thức được tiến hành từ tháng 8/2017. Sau 7 vòng đàm phán, ba nước thành viên là Mỹ, Canada và Mexico vẫn bất đồng về một số quy định liên quan đến xuất xứ ôtô và nhiều vấn đề khác.
NAFTA, có hiệu lực từ năm 1994, hiện chiếm 40% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu. Trao đổi thương mại nội khối đạt trên 1.200 tỷ USD năm 2017, trong đó Mỹ đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của cả Mexico và Canada.