Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland (trái), Bộ trưởng Kinh tế Mexico Idelfonso Guajardo (giữa) và Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer trong cuộc họp báo sau vòng 7 tái đàm phán NAFTA tại Mexico City ngày 5/3. Ảnh: AFP/TTXVN |
Bộ trưởng Ngoại giao Canada Chrystia Freeland và Bộ trưởng Kinh tế Mexico Ildefonso Guajardo đã thể hiện tâm thái tích cực sau ngày họp thứ hai với Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer về việc sửa đổi hiệp định 24 năm tuổi này.
Các đại diện của ba nước Canada, Mexico và Mỹ đang muốn thúc đẩy tiến trình đàm phán để nhanh chóng đi đến một thỏa thuận chung nhằm tránh “bị tác động” bởi cuộc bầu cử tổng thống diễn ra tại Mexico ngày 1/7 tới, điều có nghĩa là cuộc họp sắp tới sẽ cần phải giải quyết những khác biệt lớn trong một số yêu cầu của Mỹ.
NAFTA có hiệu lực từ năm 1994, giúp nâng giá trị thương mại ba nước lên khoảng 1.200 tỷ USD/năm hiện nay. Trong cuộc trao đổi với báo chí hôm 19/4 về vòng tái đàm phán NAFTA sắp tới, Bộ trưởng Ngoại giao Canada Chrystia Freeland nhận định quy tắc xuất xứ ô tô sẽ vẫn là vấn đề cốt lõi của thỏa thuận NAFTA mới.
Việc ô tô sẽ được sản xuất ở đâu và như thế nào tại Bắc Mỹ là vấn đề số một trên bàn tái đàm phán NAFTA. Theo quy tắc hiện hành của NAFTA, 62,5% các bộ phận trong một chiếc ô tô bán ở Bắc Mỹ phải có nguồn gốc sản xuất từ Canada, Mexico hay Mỹ. Nhưng phía Mỹ đề xuất nâng ngưỡng này lên 85% và một nửa linh kiện, phụ tùng phải được sản xuất tại Mỹ.
Tuy nhiên, các giám đốc điều hành ngành công nghiệp ô tô hồi tuần trước cho hay Washington đã nhượng bộ trong một nỗ lực đẩy nhanh việc đi tới một thỏa thuận mới. Theo đó, các nhà đàm phán đang đưa ra tiêu chuẩn tỷ lệ nội địa khu vực cho một chiếc ô tô là 75%, đồng thời đề xuất cơ chế tài chính giúp các công ty và doanh nghiệp sản xuất ô tô có thể đáp ứng tiêu chuẩn đó nếu họ đầu tư vào những nghiên cứu có giá trị cao và trả lương cho người lao động với mức hơn 15 USD/giờ.
Moises Kalach, một đại diện cấp cao cho khu vực tư nhân Mexico tại các cuộc đàm phán, cho hay ông tin rằng các bên có lẽ đang cách một thỏa thuận chung chừng “một vài tuần”.