Đàm phán hòa giải khủng hoảng chính trị tại Sri Lanka thất bại

Ngày 18/11, lãnh đạo các đảng phái chính trị ở Sri Lanka đã tiến hành một cuộc hội đàm nhằm tìm cách hóa giải cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay. Tuy nhiên, cuộc gặp đã kết thúc mà không đạt bất cứ đột phá nào.

Chú thích ảnh
Tổng thống Sri Lanka Maithripala Sirisena. Ảnh: AFP/TTXVN

Cuộc gặp trên do Tổng thống Maithripala Sirisena chủ trì, và có sự tham gia của tân Thủ tướng Mahinda Rajapakse vừa được ông bổ nhiệm, cũng như cựu Thủ tướng Ranil Wickremesinghe bị cách chức trước đó, cùng các lãnh đạo chính trị khác. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Karu Jayasuriya và Chủ tịch đảng JIP Anura Kumara Dissanayake tẩy chay cuộc họp này. Trong một bức thư gửi Tổng thống Sirisena, ông Dissanayake nhấn mạnh: "Việc viện những lý do nhỏ nhặt để không công nhận kiến nghị bất tín nhiệm đã được Quốc hội chính thức thông qua là hành động không phù hợp với tổng thống của một đất nước".

Nỗ lực đàm phán trên diễn ra sau khi Quốc hội đã hai lần bỏ phiếu thông qua kiến nghị bất tín nhiệm tân Thủ tướng Rajapakse. Tuy nhiên, bản thân ông Rajapakse và cả Tổng thống Sirisena đều không chấp nhận kết quả này.

Ông Rajapakse cho rằng bỏ phiếu kiến nghị bất tín nhiệm không thể được tiến hành đơn giản dưới hình thức lấy ý kiến tín nhiệm bằng miệng, đồng thời nhấn mạnh rằng Chủ tịch Quốc hội không có quyền cách chức Thủ tướng bởi Tổng thống là người có quyền bổ nhiệm Thủ tướng theo hiến định. Về phần mình, Tổng thống Sirisena cũng cho rằng việc bỏ phiếu về một kiến nghị quan trọng thay đổi một chính phủ không thể diễn ra dưới dạng biểu quyết bằng miệng, do không đảm bảo tính minh bạch.

Văn phòng Tổng thống cho biết ông Sirisena kêu gọi các đảng phái nhóm họp lại vào ngày 19/11 và tiến hành bỏ phiếu lần thứ ba về kiến nghị bất tín nhiệm Thủ tướng Rajapakse, nhưng dưới dạng lá phiếu ghi danh hoặc bỏ phiếu điện tử.

Những căng thẳng trên chính trường Sri Lanka bùng phát từ ngày 26/10 vừa qua, khi Tổng thống Sirisena bất ngờ cách chức Thủ tướng Wickremesinghe và bổ nhiệm cựu Tổng thống Rajapakse giữ chức vụ này. Tổng thống Sirisena cũng đình chỉ hoạt động của Quốc hội từ ngày 27/10 và ấn định thời điểm tiến hành bầu cử sớm. Tuy nhiên, ông Wickremesinghe cho rằng việc cách chức ông là vi hiến, và ông vẫn là thủ tướng hợp pháp. Chủ tịch Quốc hội Jayasuriya ủng hộ ông Wickremesinghe và hiện đảng của ông vẫn nắm đa số trong cơ quan lập pháp.

Tại cuộc họp Quốc hội ngày 19/11, Tổng thống Sirisena sẽ phải đối mặt với hai lựa chọn: hoặc là tái bổ nhiệm ông Wickremesinghe, hoặc lại để cho đất nước lún sâu hơn vào khủng hoảng.

Bích Liên (TTXVN)
Kêu gọi đảm bảo an ninh cho người dân trước bất ổn chính trị ở Sri Lanka
Kêu gọi đảm bảo an ninh cho người dân trước bất ổn chính trị ở Sri Lanka

Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres ngày 10/11 đã kêu gọi Chính phủ Sri Lanka đảm bảo hòa bình và an toàn cho toàn bộ người dân Sri Lanka, đồng thời tôn trọng các giá trị dân chủ và các điều khoản, quy trình hiến pháp trong bối cảnh khủng hoảng chính trị ngày càng sâu rộng ở nước này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN