Đàm phán hạt nhân Iran: Dè dặt hi vọng đột phá

Thành phố Geneva của Thụy Sĩ ngày 21/11 lại là địa điểm tổ chức thêm một vòng đàm phán nữa về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran. Các nhà ngoại giao tỏ ra thận trọng, dè dặt khi bày tỏ hi vọng đạt được một thỏa thuận đột phá.


“Cơ hội lịch sử”


Mục đích của cuộc đàm phán lần này giữa nhóm P5+1 (gồm năm nước thành viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và Đức) với Iran là đạt được một thỏa thuận tạm thời để có thời gian đàm phán một thỏa thuận toàn diện, lâu dài, theo đó đảm bảo rằng Iran sẽ không chế tạo bom nguyên tử bằng chương trình phát triển hạt nhân của mình.


 

Sinh viên Iran biểu tình đòi bảo vệ chương trình hạt nhân bên ngoài cơ sở hạt nhân Fordo ngày 19/11. Ảnh: AFP

 

Đây là vòng đàm phán thứ ba trong vòng một tháng qua và được Bộ trưởng Ngoại giao Iran Javad Zarif coi là “cơ hội lịch sử” để các bên thống nhất quan điểm. Dự kiến vòng đàm phán sẽ diễn ra trong ba ngày mặc dù có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn.


Sau cuộc gặp song phương với Ngoại trưởng Iran Zarif, bà Catherine Ashton, quan chức Liên minh châu Âu phụ trách quan hệ đối ngoại, cho biết đàm phán diễn ra tích cực. Người phát ngôn của bà Ashton nói thêm “cuộc đàm phán khởi đầu rất chi tiết và đáng kể, đi thẳng vào ngóc ngách của vấn đề”. 


Ông Zarif cho rằng cuộc đàm phán “suôn sẻ”, là bước đầu tiên xây dựng lòng tin để tiến tới các bước đi tiếp theo phức tạp hơn nhiều. Trước đó, ông cũng hi vọng rằng với thiện chí chính trị cần thiết, các bên có thể đạt được tiến triển, miễn là các nước phương Tây đàm phán trên cở sở bình đẳng và không tìm cách áp đặt ý chí với Iran.


Các nhà ngoại giao đều khẳng định rằng nhóm P5+1 hoạt động trên cơ sở đoàn kết bất chấp việc Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tăng cường vận động các nước này để tránh một “thỏa thuận xấu” đối với Israel. Nước này muốn giải giáp toàn bộ và vĩnh viễn các cơ sở hạt nhân của Iran rồi mới bãi bỏ các biện pháp trừng phạt. Trong khi đó, cuộc đàm phán giữa P5+1 với Iran chỉ nhằm tạm ngừng một phần chương trình phát triển hạt nhân của Iran. Đổi lại, Iran sẽ được “dễ thở” hơn đôi chút khi thế giới nới lỏng một phần các biện pháp cấm vận đang ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế nước này.


Tuy nhiên, dư luận tại cuộc đàm phán ở Geneva đều cho rằng bất chấp sự lạc quan thận trong lúc khởi đầu, đàm phán sẽ khó khăn và vẫn có thể thất bại do vẫn còn khoảng cách lớn giữa hai bên.


Quyết bảo vệ quyền hạt nhân


Trong khi đó, Iran vẫn khẳng định lập trường về quyền hạt nhân. Quan điểm này được nhắc lại trước vòng đàm phán mới ngày 21/11 khi lãnh tụ tinh thần Iran, Đại giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei, tuyên bố Iran sẽ không lùi bước trong bảo vệ quyền lợi quốc gia, đặc biệt là quyền phát triển hạt nhân. 


Tổng thống Iran Hassan Rouhani cũng liên tục khẳng định Iran sẽ không bao giờ từ bỏ quyền sản xuất nhiên liệu hạt nhân vì mục đích hòa bình. Phần lớn quốc hội Iran đều muốn ông Rouhani giữ vững quan điểm này. Một thành viên quốc hội khẳng định: Chính phủ có nghĩa vụ bảo vệ quyền hạt nhân của Iran trong các vòng đàm phán tới.


Tuy nhiên, trước vòng đàm phán thứ ba ngày 21/11 tại Geneva, Ngoại trưởng Iran Zarif đã công khai từ bỏ đòi hỏi công nhận quyền hạt nhân của Iran trong bất kỳ thỏa thuận nào. Ông nói: “Quyền làm giàu urani của Iran là không thể thương lượng nhưng Iran thấy quyền này không cần thiết phải được công nhận”. Phát biểu này đã mở ra một con đường để dẹp tranh cãi sang mộ̣t bên và hướng đàm phán tập trung vào các bước thực tế hơn mà hai bên có thể nhất trí.



Thùy Dương

 Iran cương quyết không từ bỏ quyền làm giàu urani
Iran cương quyết không từ bỏ quyền làm giàu urani

Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Iran Abbas Araghchi tuyên bố Tehran sẽ không ký thỏa thuận hạt nhân với các cường quốc thế giới, trừ phi quốc tế công nhận quyền làm giàu urani của nước Cộng hòa Hồi giáo này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN