Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản sẽ ăn cá ở Fukushima, ủng hộ kế hoạch xả thải

Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản Rahm Emanuel sẽ tới thăm thành phố biển Soma ở tỉnh Fukushima, Nhật Bản vào ngày 31/8 tới và có kế hoạch ăn cá đánh bắt trong khu vực để thể hiện sự ủng hộ đối với quyết định xả thải của chính quyền Tokyo.

Chú thích ảnh
Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản Rahm Emanuel. Ảnh: Reuters

Trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại với hãng thông tấn Kyodo ngày 23/8, Đại sứ Emanuel cho biết ông dự định gặp ngư dân, người dân và quan chức địa phương trong chuyến thăm nhằm "thể hiện sự ủng hộ và bày tỏ sự tin tưởng vào tiến trình mà Nhật Bản theo đuổi".

Kế hoạch tới thăm thành phố ven biển Soma được đưa ra sau khi chính phủ Nhật Bản quyết định bắt đầu xả nước thải nhiễm xạ đã qua xử lý vào ngày 24/8 trong bối cảnh vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các quốc gia láng giềng.

Hồi tháng 7, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã kết luận kế hoạch xả thải của Nhật Bản đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn toàn cầu và sẽ có "tác động phóng xạ không đáng kể đến con người và môi trường", bật đèn xanh cho quyết định cuối cùng của chính phủ về việc bắt đầu xả thải.

Đại sứ Emanuel cho biết kế hoạch thăm quan thành phố Soma của ông bao gồm ăn cá đánh bắt trong khu vực tại một nhà hàng, tham quan chợ hải sản và gặp gỡ thị trưởng thành phố.

Ông nhấn mạnh quy trình xả thải của Nhật Bản ra Thái Bình Dương từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, nơi bị tàn phá bởi trận động đất và sóng thần lớn năm 2011, là “hoàn toàn minh bạch, có cơ sở khoa học và được quốc tế công nhận”.

Vị quan chức khẳng định Nhật Bản hành động là một "quốc gia có trách nhiệm quốc tế" sau thảm họa Fukushima, đồng thời bày tỏ hy vọng Tokyo sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với IAEA thận trọng theo dõi tác động của việc xả nước.

Chính phủ Nhật Bản cho biết nước thải đã được lọc để loại bỏ hầu hết các nguyên tố phóng xạ ngoại trừ triti và nồng độ của chúng sẽ thấp hơn nhiều so với mức được quốc tế chấp thuận sau khi pha loãng. Triti được biết đến là một chất ít gây hại cho cơ thể con người hơn các chất phóng xạ khác. Tuy nhiên, vẫn có một bộ phận người dân tại Nhật Bản lo ngại về ảnh hưởng của chất này đối với sức khỏe, cũng như tổn hại đến danh tiếng của hải sản địa phương.

Theo Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, người đóng vai trò tích cực trong việc cải thiện quan hệ song phương, trong số các nước láng giềng của Nhật Bản, Hàn Quốc “tôn trọng” và “tin tưởng” đánh giá của IAEA. Tuy nhiên, vẫn có các nhà lập pháp phe đối lập và một số công dân Hàn Quốc phản đối quyết định của Nhật Bản.

Hiện khoảng 1,34 triệu tấn nước được lưu trữ trong hơn 1.000 bể chứa tại nhà máy hạt nhân. Các bể chứa có khả năng đạt giới hạn công suất sớm nhất vào năm 2024 nếu như công ty điện lực TEPCO không xả thải. Chính phủ Nhật Bản và TEPCO nhấn mạnh việc tăng thêm số lượng bể chứa sẽ khó khăn và quyết định xả nước tích tụ ra biển là điều cần thiết.

Bảo Hà/Báo Tin tức (Theo Kyodo News)
Hàn Quốc kêu gọi Nhật Bản thông tin minh bạch về xả nước thải từ Fukushima 
Hàn Quốc kêu gọi Nhật Bản thông tin minh bạch về xả nước thải từ Fukushima 

Theo hãng tin Yonhap, ngày 24/8, Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck Soo kêu gọi Nhật Bản thông tin minh bạch về hoạt động xả nước thải đã qua xử lý phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima trong vòng 30 năm tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN