“Chúng ta sẽ không bao giờ có thể chia tách hoàn toàn. Chúng ta không thể cắt đứt quan hệ ngoại giao và ngừng trao đổi với nhau. Ít nhất, chúng ta vẫn đang ngồi gần nhau tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) ở New York mỗi ngày. Bất kể vì điều gì đi chẳng nữa, chúng ta nên trao đổi với nhau tại Liên hợp quốc, tại Hội đồng Bảo an và chúng ta nên có đại sứ quán. Đó là điều tối thiểu và là điều cơ bản”, ông Sullivan nhấn mạnh.
Đại sứ Mỹ cũng nói rằng hai nước nên duy trì đại sứ quán ở Moskva và Washington, chứ không chỉ là phái đoàn của Nga tại Liên hợp quốc.
“Tôi nghĩ rằng trên thực tế, chúng ta sẽ không bao giờ có thể tiến tới mức phải chia tách hoàn toàn, vì chúng ta đều là thành viên thường trực của HĐBA LHQ. Vì vậy, chúng ta cần tiếp tục trao đổi với nhau bất chấp hai bên còn tồn tại nhiều vấn đề gây tranh cãi. Chúng ta gặp nhau, trao đổi và tranh luận hàng ngày ở New York. Đó là mức tối thiểu”, nhà ngoại giao Mỹ nói.
Bình luận của Đại sứ Sullivan diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa Nga và phương Tây đang leo thang căng thẳng do chiến dịch quân sự của Moskva tại Ukraine. Kể từ khi xung đột nổ ra, Mỹ và đồng minh đã áp hàng loạt lệnh trừng phạt nhằm vào Nga, đồng thời đẩy mạnh tăng cường cung cấp vũ khí hỗ trợ Ukraine.
Tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố kế hoạch cung cấp cho Ukraine hệ thống tên lửa cơ động cao HIMARS. Mỹ đảm bảo rằng phía Kiev sẽ không sử dụng loại vũ khí này để tấn các mục tiêu bên trong lãnh thổ nước Nga. Giới chức Moskva cảnh báo quyết định trên của Mỹ có nguy cơ khiến xung đột leo thang.
Ngày 5/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin nêu rõ phương Tây không nên cung cấp tên lửa tầm xa cho Ukraine và các đợt hỗ trợ khí tài quân sự cho Kiev là nhằm “kéo dài cuộc xung đột”. Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Rossiya-1, Tổng thống Putin nhấn mạnh nếu phương Tây cung cấp tên lửa tầm xa cho Ukraine, Nga sẽ tấn công vào những mục tiêu mới.