Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, với chủ đề “Hướng tới mức phát thải ròng bằng 0 - Vận động Nghị viện hành động chống biến đổi khí hậu”, IPU-144 là diễn đàn để các đại biểu thảo luận, trao đổi quan điểm, tìm cách thúc đẩy các chính sách và hành động nhằm giải quyết tình trạng khẩn cấp về khí hậu. Các đại biểu dự kiến thông qua nghị quyết về các vấn đề cấp bách cũng như về các chủ đề “Suy nghĩ lại và tái điều chỉnh cách tiếp cận các tiến trình hòa bình nhằm thúc đẩy hòa bình lâu dài” và “Tận dụng công nghệ thông tin và truyền thông để hỗ trợ giáo dục, cả trong thời kỳ đại dịch”.
Theo Chủ tịch Hạ viện Indonesia Puan Maharani, bên cạnh việc gặt hái nhiều tiến bộ công nghệ và thành tựu phát triển kinh tế, thế giới đã bước vào một “thời kỳ gián đoạn nghiêm trọng chưa từng có” và đang phải trả giá bằng môi trường, khí hậu và sự bền vững của các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Đại dịch COVID-19 cũng tạo cơ hội để thế giới suy nghĩ về cách thức có thể hành động và nhanh chóng thích ứng với sự gián đoạn lớn, đồng thời tìm cách quản lý các cuộc khủng hoảng và xây dựng lại cách sống của mình. Bên cạnh đó, đại dịch cho thấy thế giới có thể tối ưu hóa công nghệ kỹ thuật số để giảm phát thải, cải thiện chất lượng không khí và khôi phục hệ sinh thái.
Chủ tịch Hạ viện Indonesia nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh đó, nghị viện các nước cần tái khẳng định cam kết của mình trong việc cắt giảm khí thải xuống mức 0 vào năm 2050 và hạn chế mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở mức 1,5 độ C vào cuối thế kỷ này; đồng thời thảo luận để tìm ra các giải pháp sáng tạo, hỗ trợ và chuẩn bị các chính sách mới vì một cuộc sống bền vững hơn.
Chủ tịch Hạ viện Indonesia cũng bày tỏ hy vọng rằng, thông qua sự kiện này, nghị viện các nước có thể tăng cường vai trò của mình trong việc xây dựng các chính sách và pháp luật tốt hơn nhằm hỗ trợ cuộc sống bền vững, tập trung vào môi trường và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và tình trạng ấm lên toàn cầu.