Theo Bộ trưởng Maait, Ai Cập hạ mục tiêu tăng trưởng trong năm tài chính 2020 từ 6% xuống còn 4%. Bộ trưởng Maait cho biết thêm thu nhập từ thuế cũng như các khoản thu ngoài thuế của Ai Cập đã giảm 124 tỷ bảng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Trước khi bùng phát dịch COVID-19, Ai Cập đã cải cách kinh tế thành công với sự hỗ trợ của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Ngày 5/6 vừa qua, Ai Cập và IMF đã đạt được thỏa thuận cung cấp cho Cairo khoản tín dụng 12 tháng trị giá 5,2 tỷ USD để hỗ trợ quốc gia Bắc Phi này giải quyết hậu quả về kinh tế mà dịch COVID gây ra. Trước đó, ngày 11/5, Ban điều hành IMF đã phê duyệt đề nghị của Ai Cập hỗ trợ tài chính khẩn cấp trị giá 2.772 tỷ USD để nước này ứng phó với đại dịch COVID-19.
Ai Cập thông báo ca mắc COVID-19 đầu tiên vào ngày 14/2 và ca tử vong đầu tiên vào ngày 8/3, cả hai đều là người nước ngoài. Đến nay, tổng số ca mắc ở nước này là 35.444 ca, bao gồm 1.271 ca tử vong và 9.375 ca đã bình phục. Ai Cập hiện là nước có số ca tử vong do COVID-19 cao nhất châu Phi. Từ ngày 25/3, Chính phủ nước này đã áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm để phòng chống COVID-19. Lệnh giới nghiêm hiện hành sẽ được duy trì đến giữa tháng 6 này, thời điểm Chính phủ Ai Cập sẽ cân nhắc nới lỏng các các biện pháp hạn chế, thực hiện đồng thời các quy định phòng chống dịch bệnh trong khi khôi phục hoạt động kinh tế.
* Cũng tại châu Phi, ngày 8/6 Nam Phi thông báo số ca tử vong do COVID-19 ở nước này đã vượt 1.000 và số ca mắc đã lên tới 50.879 người. Từ tháng 5, Nam Phi đã dần nới lỏng các biện pháp hạn chế được áp dụng từ tháng 3 để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Hiện một số trường học và cơ sở kinh doanh đã mở cửa trở lại.
*Tunisia từ ngày 8/6 cũng dỡ bỏ lệnh giới nghiêm trên cả nước. Quyết định trên được đưa ra sau khi quốc gia châu Phi này không ghi nhận ca nhiễm mới nào trong 5 ngày qua. Hiện tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này là 1.087 ca.