Worldometer là gì?
Trước đại dịch, người ta chỉ biết Worldometer là “máy đếm”, cung cấp ước tính dữ liệu trực tiếp như dân số thế giới hay số ô tô xuất xưởng năm nay. Trang web có nguồn thu nhập từ quảng cáo và cấp phép sử dụng máy đếm của mình.
Theo kênh CNN (Mỹ), dịch COVID-19 chắc chắn đã giúp trang web này nổi tiếng hơn hẳn. Worldometer là một trong những kết quả tìm kiếm hàng đầu trên Google khi ai đó muốn tra cứu thống kê về dịch bệnh. Đây là một trang web được xem nhiều nhất trong đại dịch COVID-19, lọt vào nhóm 100 trên bảng xếp hạng của Alexa.
Trang web này được một nhóm quốc tế gồm các nhà phát triển, nhà nghiên cứu và tình nguyện viên quản lý, do một công ty truyền thông kỹ thuật số độc lập và nhỏ ở Mỹ xuất bản.
Trang web được Andrey Alimetov thành lập từ năm 2004. Andrey Alimetov khi đó là một thanh niên 20 tuổi, mới nhập cư từ Nga và có công việc đầu tiên liên quan công nghệ thông tin ở New York. Alimetov nói: “Đó là trang web siêu đơn giản. Không có gì phức tạp hết”.
Trong vòng một năm, trang này có từ 20.000 đến 30.000 lượt truy cập mỗi ngày nhưng Alimetov tốn quá nhiều tiền vào phí lưu trữ dữ liệu. Anh cho biết không có cách nào nhanh chóng để kiếm tiền từ trang web và đã lên eBay để bán với giá 2.000 USD trong năm 2005 hoặc 2006.
Khi trang chủ của trang web giải trí, tin tức xã hội Reddit đưa tin tức về Worldometer năm 2013, Alimetov đã gửi thư cho chủ mới của Worldometer, một người tên là Dario, để chúc mừng. Trả lời thư, Dario cho biết đã mua trang web để thu hút truy cập sang các trang web khác của mình. Dario nói: “Khi các công việc kinh doanh khác bắt đầu giảm, tôi quyết định đầu tư vào Worldometer, đưa thêm nguồn lực và nhân sự cho tới khi trang có lối đi riêng”.
Worldometer lúc này không còn chữ “s”, trừ trong đường dẫn. Ngoài ra, không có gì thay đổi nhiều.
Hiện nay, Worldometer do công ty Dadax LLC làm chủ sở hữu. Chủ tịch của Dadax LLC là Dario Pasqualino.
Thống kê COVID-19
Theo trang Worldometer, dữ liệu COVID-19 trên trang do một nhóm đa ngôn ngữ đưa ra. Nhóm này lấy dữ liệu từ các buổi phát trực tiếp họp báo trong cả ngày và dữ liệu từ cộng đồng.
Người xem trang web có thể thông báo số liệu mới về COVID-19 và nguồn dữ liệu cho trang web mà không cần để lại tên hay địa chỉ thư điện tử. Một nhóm nhà phân tích và nghiên cứu sẽ đánh giá các dữ liệu đó.
Trường Đại học Johns Hopkins (Mỹ) cũng cung cấp số liệu cập nhật về COVID-19 và liệt kê Worldometer là một trong số hàng chục nguồn trích dẫn. Đại học Johns Hopkins không nói rõ dùng số liệu gì trên Worldometer.
Ngoài trường Đại học Johns Hopkins, Chính phủ Tây Ban Nha và Anh cũng trích dẫn số liệu của Worldometer trong họp báo hàng ngày về COVID-19.
Sau khi dùng số liệu của Worldometer từ ngày 30/3 tới 14/4, Anh đã chuyển sang số liệu của Johns Hopkins. Phát ngôn viên Chính phủ Anh đã ra một tuyên bố: “Cả Worldometer và John Hopkins đều cung cấp dữ liệu tổng thể và được tin cậy. Do tình hình thay đổi, chúng tôi chuyển từ Worldometer sang John Hopkins vì John Hopkins dựa nhiều hơn vào các nguồn chính thức”.
Các kênh truyền hình và tờ báo trích dẫn Worldometer ở Mỹ gồm: Financial Times, The New York Times, The Washington Post, Fox News và CNN.
Cả số liệu và cách thống kê của Worldometer lẫn John Hopkins đều là chủ đề gây tranh cãi và từng xảy ra sai sót. Dù vậy, Worldometer vẫn tiếp tục thu hút lượt truy cập lớn, cả về số liệu COVID-19 lẫn các cập nhật về vấn đề khác.
Cách trình bày rõ ràng, rành mạch các số liệu trên Worldometer giúp người xem có cái nhìn tổng thể về dịch bệnh trên toàn thế giới. Ngay cả người sáng lập trang web cũng thừa nhận không thể đưa trang web đi tới vị trí như hiện nay.