Phóng viên TTXVN tại Cairo dẫn kết quả kiểm phiếu sơ bộ của cuộc trưng cầu dân ý về hiến pháp mới được tổ chức vào ngày 14-15/1 vừa qua cho biết tỷ lệ ủng hộ đối với văn kiện này lên tới 98% tại 26/27 tỉnh thành trên cả nước. Hiện chỉ còn tỉnh Bắc Sinai vẫn chưa công bố kết quả kiểm phiếu.Theo thông cáo ngày 16/1 của Ủy ban Bầu cử Trung ương Ai Cập (SEC), hơn 1,8 triệu cử tri (tương đương 97,57%) trong tổng số 1.854.913 cử tri tham gia trưng cầu dân ý tại thủ đô Cairo đã bỏ phiếu "có" đối với hiến pháp mới và chỉ 27.453 người (chiếm 1,48%) bỏ phiếu "chống".
Người dân tham gia bỏ phiếu ở Sayeda Aisha, khu Cairo cổ ngày 15/1. Ảnh: THX/TTXVN |
Nhật báo "Al Ahram" do nhà nước quản lý cho biết tính tới 16 giờ cùng ngày kiểm phiếu, số lượng cử tri đi bầu tại 26 tỉnh thành cao hơn khoảng 3 triệu người so với cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức vào tháng 12/2012. Có tới 18.631.844 triệu cử tri (chiếm 98%) trong tổng số 19.311.010 người tham gia trưng cầu dân ý đã bỏ phiếu ủng hộ hiến pháp mới và chỉ có 366.410 người (chiếm 2%) bỏ phiếu chống.
Đặc biệt, tại các tỉnh Daqahliya và Damietta ở khu vực đồng bằng châu thổ sông Nile và tỉnh Luxor ở vùng Thượng Ai Cập, tỷ lệ ủng hộ đạt 99% trở lên. Số cử tri đi bầu cũng tăng vọt tại các tỉnh trong cùng khu vực như Sharqiya với 46,1% so với 31,4% của cuộc trưng cầu dân ý tháng 12/2012, Daqahliya với 49,9% , và Gharbiya đạt 51,68% so với tỷ lệ 33,17% trong cuộc trưng cầu dân ý trước đó. Đây là kết quả kiểm phiếu cuối cùng tại 26 tỉnh thành này. Theo quy định, SEC là cơ quan duy nhất có quyền công bố kết quả bỏ phiếu chính thức trong vòng 72 giờ sau khi cuộc trưng cầu dân ý kết thúc.
Trong diễn biến liên quan, cùng ngày, Hội đồng Nhân quyền quốc gia của Ai Cập (NCHR) cho biết cử tri đi bầu trong cuộc trưng cầu dân ý về hiến pháp mới vừa qua đạt mức cao và các trường hợp vi phạm được ghi nhận không ảnh hưởng đến tính minh bạch của cuộc bầu cử này. Tỷ lệ cử tri đi bầu trong ngày đầu tiên cao hơn ngày thứ hai, trong đó có một số lượng lớn phụ nữ và người tàn tật. Tuy nhiên, báo cáo của NCHR cũng cho biết có một số trường hợp vi phạm nghiêm trọng đã diễn ra trong cuộc bỏ phiếu này, trong đó có các tác động nhằm gây ảnh hưởng đến quyết định của cử tri, các hành động ngăn chặn cử tri bỏ phiếu, tung tin đồn về nguy cơ các vụ đánh bom khủng bố, các vụ bạo lực cũng như việc kéo dài thời gian bỏ phiếu sáng ngày 16/1.
Theo Bộ Nội vụ Ai Cập, tổng cộng 444 người ủng hộ tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) đã bị bắt giữ và được chuyển sang cơ quan công tố trong hai ngày trưng cầu dân ý với cáo buộc làm gián đoạn quá trình bỏ phiếu. Bộ này cũng cáo buộc những người biểu tình phản đối cuộc trưng cầu dân ý âm mưu phá rối quá trình bỏ phiếu và cho biết đã thu giữ được nhiều súng bắn đạn ghém, dao kiếm và bom xăng. Ngoài ra, có ít nhất 9 người bị thiệt mạng hôm 14/1 trong các cuộc đụng độ giữa những người ủng hộ MB với người dân địa phương và lực lượng an ninh.
Theo các nhà phân tích, cuộc bỏ phiếu này thực chất là một cuộc trưng cầu dân ý về việc lật đổ Tổng thống Mohamed Morsi và là thước đo uy tín đối với cá nhân Bộ trưởng Quốc phòng Abdel-Fattah el-Sisi, người đứng đầu cuộc chính biến vào đầu tháng 7/2013, cũng như uy tín của chính phủ lâm thời do quân đội hậu thuẫn. Việc hiến pháp mới được thông qua sẽ mở đường cho cuộc bầu cử tổng thống và bầu cử quốc hội dự kiến diễn ra trong vòng 6 tháng tới nhằm hoàn tất lộ trình chuyển tiếp chính trị tại Ai Cập sau làn sóng chính biến lật đổ chính quyền của Tổng thống Morsi thuộc MB.
TTXVN/Tin tức