Chính phủ Nga đã “xác định việc phát triển vùng Viễn Đông là ưu tiên quốc gia trong suốt thế kỷ 21”, Tổng thống Vladimir Putin cho biết ngày 5/9 tại phiên họp toàn thể Diễn đàn Kinh tế phương Đông (EEF) ở Vladivostok.
“Tầm quan trọng và tính đúng đắn của quyết định này đã được khẳng định bởi chính cuộc sống, bao gồm cả những thách thức mà chúng ta phải đối mặt gần đây, cũng như các xu hướng khách quan… đang ngày càng mạnh mẽ hơn trong nền kinh tế toàn cầu, nơi các mối quan hệ kinh doanh chính, các tuyến thương mại và nói chung là toàn bộ hướng phát triển đang được định hướng lại ngày càng nhiều về phía Đông và Nam bán cầu”, ông Putin cho biết.
Các khu vực Viễn Đông của Nga cung cấp cho Moskva “quyền tiếp cận trực tiếp với các thị trường đang phát triển và đầy hứa hẹn này và cho phép chúng ta vượt qua các rào cản mà một số nhóm tinh hoa phương Tây đang cố gắng áp đặt lên toàn thế giới”, nhà lãnh đạo Nga nói và lưu ý, Viễn Đông là vùng đất nguyên sơ để phát triển các dự án kinh tế mới phức tạp và tạo ra toàn bộ các ngành công nghiệp mới.
“Về bản chất, Viễn Đông ngày nay, không hề cường điệu, đã trở thành yếu tố quan trọng nhất trong việc củng cố vị thế của Nga trên thế giới, là lá cờ đầu của chúng ta trong thực tế kinh tế toàn cầu mới. Và tương lai của toàn bộ đất nước chúng ta phần lớn phụ thuộc vào cách Viễn Đông phát triển”, Tổng thống Putin nhấn mạnh.
Trung Quốc - đối tác quan trọng ở phương Đông
Đi sâu vào chi tiết công việc của Nga với các đối tác trong quá trình phát triển Viễn Đông, ông Putin chỉ ra các kế hoạch xây dựng các trung tâm hậu cần mới và cơ sở hạ tầng đường bộ lớn trên Đảo Bolshoy Ussuriysky thuộc Khabarovsk - các dự án đã được thống nhất trong chuyến thăm Trung Quốc của ông vào mùa xuân năm nay.
"Tôi tin tưởng rằng dự án này sẽ tạo động lực mạnh mẽ và tốt cho sự phát triển của Khabarovsk và toàn bộ khu vực, đồng thời yêu cầu chính phủ giải quyết mọi vấn đề về tổ chức và tài chính để bắt đầu thực hiện kế hoạch vào năm tới, năm 2025”.
Tổng thống Putin nhấn mạnh, Trung Quốc là nền kinh tế lớn nhất thế giới theo GDP sức mua tương đương (GDP PPP), và khoảng cách giữa Trung Quốc và Mỹ ngày càng nới rộng qua từng năm.
Phát biểu cùng Tổng thống Putin tại phiên họp toàn thể của EEF, Phó Chủ tịch Trung Quốc Hàn Chính đã ca ngợi vai trò cá nhân của ông Putin cùng với Chủ tịch Tập Cận Bình trong việc thúc đẩy quan hệ Nga-Trung hướng tới một "kỷ nguyên mới".
Trung Quốc đã là đối tác thương mại chính và là nguồn đầu tư nước ngoài vào Viễn Đông của Nga trong nhiều năm, với kim ngạch thương mại đạt mức tương đương 33,8 tỷ USD trong năm 2023, tăng vọt 54% chỉ trong một năm - ông Hàn Chính cho biết.
Xoay trục và hợp tác ngày càng mạnh mẽ
Bình luận về những tác động của sự xoay trục kinh tế của Nga sang phương Đông, chuyên gia kỳ cựu về thương mại và kinh tế Trung Quốc, Thomas W. Pauken II cho rằng, những nỗ lực của các cường quốc phương Tây "kiềm chế Trung Quốc" và "chống lại" Nga đã biến mối quan hệ láng giềng vốn căng thẳng thành mối quan hệ nồng ấm và hữu nghị.
"Điều đó buộc họ phải kết bạn mới hoặc có mối quan hệ tốt hơn với các quốc gia trung lập hơn hoặc sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc. Vì vậy, đó sẽ là Nga. Và một trong những điều mà Trung Quốc cung cấp là khả năng thực sự thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng rất mạnh có tác động sâu sắc đến nền kinh tế của các quốc gia mà họ đang hợp tác”, ông Pauken nói, chỉ ra kinh nghiệm “rất mạnh” của Trung Quốc trong phát triển cơ sở hạ tầng đường sắt.
“Giả sử cần có một tuyến đường sắt chạy từ Trung Quốc đi qua Nga: đi đến Moskva và Saint Petersburg, có lẽ từ Vladivostok. Rõ ràng là không dễ để thực hiện vì Nga có lãnh thổ quá rộng. Nếu ai đó thực sự có thể giúp đỡ với các mạng lưới đường sắt, thì đó sẽ là Trung Quốc vì họ đã quen với việc giải quyết các dự án bất khả thi và trong điều kiện thời tiết và địa hình không thể”, nhà phân tích Pauken cho biết, đồng thời nhấn mạnh rằng các dự án chung theo hướng này có thể thúc đẩy “kết nối mạnh mẽ” giữa hai nước theo nghĩa kinh tế.
Ông Pauken cho rằng, điều tương tự cũng đúng khi nói đến việc xây dựng các cơ sở cảng nước sâu mới, lưu ý rằng xung đột ở Ukraine sẽ không kéo dài mãi mãi và các cảng mới của Nga ở Viễn Đông có thể "là những yếu tố thay đổi cuộc chơi đối với hệ thống thương mại quốc tế vì những cảng đó không chỉ gần với các thị trường châu Á mà còn gần với Bắc Mỹ".
Ở Bắc Cực, Nga cũng có thể giúp tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại giữa châu Âu và Trung Quốc cũng như các quốc gia châu Á khác thông qua Tuyến đường biển phía Bắc, rút ngắn đáng kể chuỗi cung ứng và hậu cần cho hoạt động thương mại. Nhà phân tích Pauken tin rằng sau khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine kết thúc, các quốc gia châu Âu sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc khôi phục quan hệ ngoại giao và kinh tế với Nga.
BRICS+ định hình quá trình chuyển đổi sang trật tự thế giới đa cực mới
Phát biểu cùng với Tổng thống Putin và Phó Thủ tướng Trung Quốc Hàn Chính tại phiên họp toàn thể của EEF, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim đã nêu bật nguyện vọng của Malaysia trong việc gia nhập BRICS+. Nga là đối tác thương mại quan trọng của Malaysia với tiềm năng "rất lớn" và "việc gia nhập BRICS sẽ cho phép chúng ta củng cố mối quan hệ này", Thủ tướng Ibrahim cho biết.
Về phần mình, Tổng thống Putin chỉ ra rằng khối BRICS chiếm khoảng 1/3 nền kinh tế toàn cầu và Nga có thể thực hiện khoảng 2/3 hoạt động thương mại của mình với các thành viên khối bằng đồng nội tệ.
Giáo sư Azmi Hassan, một nhà phân tích địa chiến lược và là thành viên cấp cao tại Học viện Nghiên cứu Chiến lược Nusantara ở Malaysia, nói với Sputnik rằng đối với Kuala Lumpur, tư cách thành viên BRICS+ sẽ có nghĩa là một tiếng nói mới cho quốc gia Đông Nam Á này trong các vấn đề quốc tế.
Tiến sĩ Azmi chỉ ra rằng hiện nay, “các nước Nam Toàn cầu (Global South) không có quyền tham gia” vào quá trình ra quyết định của các tổ chức lớn do phương Tây lãnh đạo như Quỹ Tiền tệ Quốc tế hoặc Ngân hàng Thế giới, mặc dù bị ảnh hưởng bởi các quyết định của các tổ chức này. Theo nhà quan sát, các quốc gia Nam Toàn cầu cần một nền tảng để có thể đạt được sân chơi bình đẳng và BRICS+ là một nền tảng như vậy.
"Tôi nghĩ rằng các quốc gia Nam toàn cầu, các quốc gia nhỏ, các quốc gia trung bình thấy rất khó để bày tỏ quan điểm của họ trên trường quốc tế. Vì vậy, BRICS, như chúng ta có thể thấy ngay bây giờ, cung cấp một cơ hội như vậy. Tôi thấy BRICS là cơ hội tốt nhất để các quốc gia nhỏ như Malaysia bày tỏ quan điểm của mình để [trong] bất kỳ quyết định nào ảnh hưởng đến chúng tôi hoặc ảnh hưởng đến các quốc gia nhỏ khác, chúng tôi có thể tham gia bày tỏ quan điểm của mình", Tiến sĩ Azmi cho biết.