Phát biểu với báo giới ngày 3/3, bà Christine Schraner Burgener cho rằng các nước thành viên LHQ phải có biện pháp hiệu quả, đồng thời cho biết bà đã có cuộc thảo luân với giới lãnh đạo quân đội Myanmar đề cập đến những biện pháp nhằm ổn định tình hình.
Đụng độ tiếp tục xảy ra tại Myanmar trong ngày 3/3. Đặc phái viên Burgener cho biết đã có 38 người thiệt mạng.
Dự kiến, HĐBA LHQ sẽ mở cuộc họp kín về tình hình Myanmar vào ngày 5/3 giữa lúc tình hình nước này tiếp tục diễn biến phức tạp.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố nước này sẵn sàng hợp tác với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) để tìm ra giải pháp hòa bình cho tình hình ở Myanmar.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ: “Chúng tôi chú ý đến tình hình ở Myanmar đã được thảo luận trong cuộc họp không chính thức của các ngoại trưởng ASEAN trong ngày 2/3. Chúng tôi chia sẻ tuyên bố được đưa ra sau cuộc họp, trong đó kêu gọi tất cả các bên tránh leo thang xung đột, thể hiện sự kiềm chế và linh hoạt tối đa, tìm kiếm một giải pháp hòa bình thông qua đối thoại mang tính xây dựng”.
Bộ Ngoại giao Nga hy vọng vị thế của các nước láng giềng của Myanmar trong khu vực sẽ giúp bình thường hóa tình hình. Bộ Ngoại giao Nga khẳng định: “Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với ASEAN ở cả mức độ quốc tế và trong khuôn khổ các cơ chế lấy ASEAN làm trọng tâm”.
Liên quan đến tình hình Myanmar, Mỹ và Pháp bày tỏ quan ngại về tình trạng xung đột tiếp tục nổ ra tại đây. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price ngày 3/3 kêu gọi Myanmar sớm ổn định tình hình, đưa đất nước trở lại trật tự.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết Pháp đang kêu gọi "chấm dứt ngay lập tức cuộc xung đột ở Myanmar".
Quốc gia Đông Nam Á này rơi vào bế tắc chính trị kể từ ngày 1/2 sau khi quân đội bắt giữ các lãnh đạo chính phủ, các thủ hiến vùng và bang và các thành viên cấp cao của đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD). Quân đội Myanmar cho rằng có nhiều gian lận trong cuộc bầu cử gần đây, cho dù Ủy ban Bầu cử liên bang Myanmar bác bỏ cáo buộc này. Quân đội Myanmar cam kết sẽ tổ chức bầu cử và chuyển giao quyền lực, đồng thời phủ nhận việc tiến hành đảo chính.