Những người trên thiệt mạng sau khi bị lực lượng an ninh Myanmar nã đạn. Theo nguồn tin y tế, 4 người bị bắn chết trong một cuộc biểu tình ở Myingyan - thành phố miền trung Myanmar. Hai người nữa thiệt mạng ở Mandalay, thành phố lớn thứ hai nước này.
Sự việc xảy ra khi biểu tình ở Myingyan biến thành bạo lực. Một bác sĩ cho biết một nạn nhân ở Mandalay bị bắn vào đầu, một người bị bắn vào ngực.
Theo một nhân chứng, ít nhất 10 người đã bị thương trong đụng độ với lực lượng an ninh.
Ngày 3/3, biểu tình cũng tiếp diễn khắp Yangon, thành phố lớn nhất Myanmar. Người biểu tình dùng lốp xe và dây thép gai để dựng rào chắn các con đường chính và cản cảnh sát.
Trước đó, ngày 28/2, có tới 18 người thiệt mạng và trên 30 người bị thương trong biểu tình.
Căng thẳng chính trị và biểu tình đường phố ở Myanmar bùng phát từ đầu tháng 2, sau khi quân đội bắt giữ Tổng thống Win Myint và Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi cùng nhiều quan chức cấp cao khác thuộc đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD). Quân đội cáo buộc đã có gian lận quy mô lớn trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 11/2020, mà theo đó NLD đã giành đa số ghế tại cả lưỡng viện Quốc hội. Tuy nhiên, Ủy ban Bầu cử liên bang Myanmar đã bác bỏ cáo buộc này.
Các nguồn tin ngoại giao ngày 2/3 cho biết Anh đã đề xuất Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc họp kín về tình hình tại Myanmar vào ngày 5/3 tới.
Trước những bất ổn và căng thẳng chính trị ở Myanmar, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã chia sẻ và bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ quốc gia thành viên này vượt qua thời điểm khó khăn này.
Ngày 2/3, các Bộ trưởng Ngoại giao của 10 nước thành viên ASEAN đã tổ chức hội nghị không chính thức để thảo luận về cuộc khủng hoảng chính trị tại Myanmar. Tham dự cuộc họp có tất cả các Bộ trưởng ngoại giao các nước ASEAN, trong đó có ông Wunna Maung Lwin - người được quân đội Myanmar chỉ định làm Bộ trưởng ngoại giao nước này. Cuộc họp do Brunei, quốc gia đang đảm nhận vị trí Chủ tịch luân phiên của ASEAN năm 2021, chủ trì. Hội nghị trực tuyến này đã kết thúc với việc ra tuyên bố Chủ tịch ASEAN.