Trước đó, cựu Chủ tịch Nissan Motor đã phải đối mặt với cáo buộc che giấu thu nhập cá nhân tại Nhật Bản thấp hơn so với con số thực tế 5 tỷ yên (46 triệu USD) trong 5 năm (tính đến tháng 3/2015). Theo hai tội danh mới, ông Ghosn bị cáo buộc tiếp tục hành vi sai trái này trong 3 năm sau đó, ngoài ra ông cũng bị cáo buộc "vi phạm lòng tin" khi từng chuyển các khoản thua lỗ cá nhân liên quan đến các hợp đồng giao dịch ngoại hối sang cho Nissan. Các công tố viên cũng cáo buộc cựu Chủ tịch Nissan Motors sử dụng quỹ của công ty để chi trả cho một đối tác Saudi Arabia liên quan đến các hợp đồng trên.
Tương tự, Nissan Motor và phụ tá thân cận của ông Ghosn là ông Greg Kelly cũng phải đối mặt với tội danh che giấu thu nhập của ông Ghosn.
Những cáo buộc mới đồng nghĩa với việc cựu Chủ tịch Nissan Motors khó có khả năng được tại ngoại do cáo buộc "vi phạm lòng tin" được coi là tội danh nghiêm trọng.
Ngay lập tức, nhóm luật sư bào chữa cho cựu Chủ tịch Ghosn cho hay sẽ tiến hành thủ tục xin tại ngoại cho thân chủ, song cho rằng nhiều khả năng ông này sẽ bị giam giữ cho đến phiên tòa tiếp theo.
Trước đó, Tòa án quận Tokyo (Nhật Bản) đã bác đơn kiến nghị từ các luật sư của cựu Chủ tịch Ghosn về việc chấm dứt lệnh tạm giam đối với ông này. Trong phiên tòa diễn ra vào ngày 8/1 tại Tokyo, ông Ghosn đã khẳng định mình vô tội và cho rằng các cáo buộc ông vi phạm luật tài chính là "vô căn cứ". Ông Ghosn cũng phản đối việc ông bị giam giữ kéo dài.
Ông Carlos Ghosn là người đứng đầu liên minh sản xuất ôtô gồm hãng Renault của Pháp và 2 hãng Nissan, Mitsubishi của Nhật Bản. Ông được xem là nhân vật quyền lực nhất nhì ngành xe hơi Nhật Bản khi từng giữ vai trò quan trọng giúp Nissan vượt qua giai đoạn khủng hoảng kinh tế trong thập niên 90 của thế kỷ trước, cũng như hỗ trợ Mitsubishi chống chọi với thời kỳ kinh doanh giảm sút sau khi hãng này bị cáo buộc làm giả số liệu về chỉ số tiêu thụ nhiên liệu.