Cường quốc không bị áp thuế đối ứng lên tiếng về cách làm của Mỹ

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Liên bang Nga, bà Maria Zakharova, đã phản ứng trước việc Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế mới lên hàng hóa từ nhiều quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU).

Chú thích ảnh
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Liên bang Nga, bà Maria Zakharova. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Bà Zakharova cho rằng các mức thuế mới của Mỹ là “cách làm ăn truyền thống” của Washington, dù động thái này vẫn gây “sốc” đối với nhiều quốc gia.

Theo đài RT của Liên bang Nga ngày 9/4, nhận định của bà Zakharova được đưa ra sau khi Mỹ triển khai một loạt biện pháp thuế quan mới do Tổng thống Trump công bố, nhắm vào nhiều quốc gia với mục tiêu cân bằng cán cân thương mại và thúc đẩy sản xuất trong nước.

Liên bang Nga không nằm trong danh sách chịu ảnh hưởng từ các biện pháp này. Trao đổi với Axios, người phát ngôn Nhà Trắng, Karoline Leavitt cho biết Liên bang Nga bị loại khỏi danh sách do các lệnh trừng phạt kinh tế đã “ngăn chặn mọi hoạt động thương mại có ý nghĩa”, khiến việc áp thêm thuế trở nên không cần thiết.

Vào ngày 6/4, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Nhà Trắng Kevin Hassett bổ sung thêm lý do Liên bang Nga không nằm trong danh sách chịu ảnh hưởng từ thuế quan đối ứng của Mỹ

Trong một cuộc phỏng vấn với ABC News, vị cố vấn kinh tế hàng đầu của Tổng thống Donald Trump, ông Hassett giải thích rằng vị nguyên thủ của Hoa Kỳ đang muốn tập trung vào các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine. Do đó, ông Trump "đã đưa ra quyết định không gộp chung hai vấn đề".

“Việc đưa một điều mới vào các cuộc đàm phán ngay giữa chừng là không phù hợp. Điều đó không đúng”, ông nói thêm.

Ông Hassett lập luận rằng việc áp dụng mức thuế quan mới trong thời gian diễn ra các cuộc đàm phán hòa bình có nguy cơ làm tiến trình ngoại giao này bị gián đoạn.

Vết trên kênh Telegram cá nhân vào ngày 9/4, bà Zakharova cho rằng: “Chỉ trong một ngày, thuế quan của Mỹ và các biện pháp đáp trả lại tăng vọt. Đây là một cuộc mặc cả nghiêm túc. Đối với Mỹ, đây là cách làm ăn truyền thống. Nhưng với nhiều nước, đó là một cú sốc”.

RT cho biết bài đăng của bà Zakharova đi kèm một video hài hước từ một buổi đấu giá của Mỹ, nơi các nhân viên đấu giá hô giá và chốt đơn với tốc độ chóng mặt.

Kể từ khi nhậm chức vào tháng 1/2025, ông Trump đã khởi động một chiến dịch áp thuế quy mô lớn. Tính đến ngày 9/4, thuế suất đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đã lên đến 104%, sau khi tăng từ 10% vào tháng 2, lên 20% trong tháng 3, và 54% vào đầu tháng 4.

Đáp lại việc Trung Quốc áp mức thuế trả đũa 34%, ông Trump tiếp tục bổ sung thêm 50% nữa, nâng tổng mức thuế lên 104%.

Về phần mình, Bắc Kinh đã tuyên bố sẽ “chiến đấu đến cùng” để đối phó với mức thuế mới nghiêm ngặt này đối với hàng xuất khẩu sang Mỹ – đối tác thương mại lớn nhất của họ.

Tại buỏi họp báo thường kỳ hôm 8/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm cho rằng: “Việc Mỹ lạm dụng các biện pháp thuế quan đã xâm phạm nghiêm trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia khác, vi phạm các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), phá hoại hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ và gây tác động tiêu cực đến sự ổn định của trật tự kinh tế toàn cầu. Đây là hành động điển hình của chủ nghĩa đơn phương, chủ nghĩa bảo hộ và hành vi bắt nạt kinh tế, điều mà cộng đồng quốc tế rộng rãi phản đối. Trung Quốc lấy làm tiếc và kiên quyết bác bỏ điều này”.

Ông Lâm Kiếm nhấn mạnh: “Chiến tranh thương mại và thuế quan sẽ không có người chiến thắng, và chủ nghĩa bảo hộ không có lối thoát. Người Trung Quốc chúng tôi không phải là kẻ gây rối, nhưng cũng sẽ không chùn bước khi bị gây rối. Đe dọa, uy hiếp và tống tiền không phải là cách đúng đắn để đối thoại với Trung Quốc. Trung Quốc sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để kiên quyết bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình. Nếu Mỹ quyết tâm không quan tâm đến lợi ích của chính nước Mỹ, của Trung Quốc và của phần còn lại của thế giới, và kiên quyết lao vào một cuộc chiến thuế quan và thương mại, thì Trung Quốc sẽ đáp trả đến cùng”.

Theo RT, các mức thuế đối ứng gần đây của Washington đối với từng quốc gia cụ thể bao gồm: 20% với hàng hóa từ Liên minh châu Âu (EU), 24% với hàng từ Nhật Bản, 25% từ Hàn Quốc, 26% từ Ấn Độ và 46% từ Việt Nam. Những biện pháp này được bổ sung thêm vào mức thuế cơ bản 10% áp dụng cho toàn bộ hàng nhập khẩu, có hiệu lực từ ngày 5/4. Các quan chức EU đã chỉ trích hành động của Mỹ là “một cú giáng mạnh vào nền kinh tế thế giới”.

Phát biểu tại Nhà Trắng vào ngày 9/4, ông Trump khẳng định rằng các mức thuế đang mang lại lợi ích cho nước Mỹ. Ông tTrump uyên bố rằng Mỹ đang thu về 2 tỷ USD mỗi ngày từ các biện pháp này và có hơn 70 quốc gia đang đàm phán để giành quyền tiếp cận thị trường Mỹ. Ông nói thêm rằng nước Mỹ sẽ “sớm trở nên rất giàu có trở lại”.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế cảnh báo rằng các mức thuế mới có thể khiến giá cả hàng hóa tại Mỹ tăng cao và gây áp lực lên thương mại toàn cầu. Lãnh đạo phe thiểu số Thượng viện, ông Chuck Schumer, cáo buộc ông Trump đang “chuẩn bị cho một cuộc suy thoái toàn quốc” và kêu gọi lãnh đạo phe đa số Thượng viện John Thune ưu tiên một dự luật yêu cầu Quốc hội phê duyệt trước khi áp dụng bất kỳ mức thuế mới nào trong tương lai. Ông Trump đã tuyên bố sẽ phủ quyết nếu dự luật đó được thông qua.

Thành Nam/Báo Tin tức
Bước đi có tính toán của Trung Quốc đặt ra câu hỏi đầy thách thức cho quân đội Mỹ
Bước đi có tính toán của Trung Quốc đặt ra câu hỏi đầy thách thức cho quân đội Mỹ

Chuyến bay thử nghiệm của chiến đấu cơ J-XDS dường như không còn là sự trùng hợp mà là một bước đi có tính toán, cho thấy Trung Quốc muốn phô diễn sức mạnh công nghệ trong thời điểm Mỹ đang lúng túng với các ưu tiên quốc phòng của chính mình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN