Cuộc sống cách ly giữa đại dịch COVID-19 ở Nam Cực

Tại vùng đất băng giá cằn cỗi và hoang vắng ở Nam Cực, ông Alejandro Valenzuela Pena đã quen với cảm giác cô lập. Tuy nhiên, giờ đây, sự cô lập này mang ý nghĩa mới khi đây là lục địa duy nhất mà virus SARS-CoV-2 chưa “đặt chân” đến.

Chú thích ảnh
Quang cảnh khu vực vịnh Fildes với các căn cứ không quân và hải quân của Chile, căn cứ Bellingshausen của Nga ở Nam Cực. Ảnh: Reuters

Theo hãng tin Reuters (Anh), cho đến thời điểm hiện tại, virus SARS-CoV-2 đã lây lan cho trên 2 triệu người trên toàn thế giới và khiến trên 126.000 người tử vong. Dịch bệnh cũng đã khiến “lục địa băng giá” rơi vào tình trạng phong toả, nhiều nhà nghiên cứu phải tự cách ly trong căn cứ và các chuyến thám hiểm của du khách đều bị huỷ bỏ.

“Chúng tôi đã được đào tạo để sống trong môi trường cô lập, nhưng hiện tại, với điều kiện đặc biệt này, chúng tôi được coi là cách ly ở nơi biệt lập”, ông Valenzuela, 41 tuổi, Thống đốc hải quân lãnh thổ Nam Cực của Chile, cho biết.

Trò chuyện qua điện thoại từ căn cứ quân sự Escudero tại Bahia Fildes, cực Tây Nam của đảo King George, ông Valenzuela cho biết thủy thủ đoàn hải quân gồm 100 người đang tự thích nghi.

Chú thích ảnh
Ngọn núi ở vịnh Fournier, Nam Cực. Ảnh: Reuters

“Căn cứ đóng cửa đúng giờ. Thuyền đã ngừng hoạt động từ đầu tháng 3 và các chuyến bay cũng bị đình chỉ đến cuối tháng này. Kể từ đó, chúng tôi đã bị cô lập, không có bất kỳ liên lạc nào”, ông nói.

Điều này cũng có nghĩa mọi hoạt động thường ngày giúp những người sống tại đây vượt qua nỗi cô đơn và cái giá lạnh đều phải tạm dừng. Các giải đấu bóng bàn và bóng rổ nội bộ đã bị huỷ bỏ.

“Chúng tôi đang vượt qua điều này một cách dễ dàng, an toàn khi biết rằng gia đình chúng tôi vẫn ổn và cho đến nay mọi thứ ở Nam Cực vẫn diễn ra tốt đẹp”, Velenzuela nói.

Du lịch Nam Cực đã phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây. Tuy nhiên, hoạt động này đã phải tạm dừng vài tuần trước khi một số tàu du lịch xuất hiện các ca nhiễm virus SARS-CoV-2, khiến chính phủ nhiều quốc gia đưa ra quy định hạn chế du lịch dưới hình thức này.

Hiện tại, trạm căn cứ của các nhà nghiên cứu và nhân viên quân sự trở nên vắng lặng giữa hàng nghìn tảng băng trôi và tuyết trắng.

Chú thích ảnh
Mặt trăng tỏa sáng trên những tảng băng gần vịnh Fournier, Nam Cực. Ảnh: Reuters

Trạm Argentina, nơi có khoảng 170 nhà khoa học và nhân viên quân sự ở lại Nam Cực, đã hạn chế khách du lịch đến các căn cứ. Họ chỉ đón người cung cấp các nhu yếu phẩm cần thiết. Nhân viên ở đây cũng được hướng dẫn phòng chống virus từ hôm 1/2.

“Argentina là một trong những quốc gia đầu tiên đưa ra nhiều biện pháp ngăn ngừa virus SARS-CoV-2”, ông Daniel Filmus, Quốc vụ khanh phụ trách vấn đề quần đảo Malvinas, Nam Cực và Nam Đại Tây Dương thuộc Bộ Ngoại giao Argentina, cho biết.

Tiến sĩ Alexandra Isern, Giám đốc Bộ phận Khoa học Nam Cực thuộc Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ, cho biết các biện pháp phòng dịch như rửa tay thường xuyên đã phổ biến tại các trạm căn cứ ở Nam Cực. Trong một không gian sống chật chội, dịch bệnh có thể lây lan nhanh chóng.

“Chúng tôi luôn duy trì vệ sinh công cộng và tuân thủ các quy định sức khoẻ để ngăn ngừa dịch bệnh”, ông nói và cho biết thêm rằng các trạm căn cứ của Mỹ đã được trang bị đầy đủ để quản lý các vấn đề liên quan đến dịch COVID-19.

Tuy nhiên, việc thúc đẩy giãn cách xã hội cũng đã khiến một số buổi giao lưu hữu nghị của các nhà nghiên cứu bị huỷ bỏ. Không có nhiều chuyến thăm giữa các đồng nghiệp tại trạm căn cứ của Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Uruguay trên đảo King George. Những bữa tiệc tối, sự kiện thể thao, trượt truyết cuối tuần đều bị hoãn lại. Cửa hàng lưu niệm cũng đã đóng cửa để tránh lây nhiễm chéo.

Chú thích ảnh
Khung cảnh các trạm nghiên cứu tại vịnh Fildes, Nam Cực. Ảnh: Reuters

Các quan chức cho rằng cuộc khủng hoảng virus SARS-CoV-2 có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến trình nghiên cứu khoa học của các quốc gia đang nghiên cứu về Nam Cực.

Bà Stephanie Short, Giám đốc Bộ phận Cơ sở hạ tầng và Hậu cần thuộc Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ (NFS) cho biết các chuyến bay của NFS đến Nam Cực chỉ hoạt động để đưa các nhân viên không cần thiết quay về trong mùa đông sắp tới. Họ cũng sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các cố vấn y tế trước khi triển khai kế hoạch trong tương lai.

Các hội nghị lớn trên toàn cầu về vấn đề Nam Cực cũng đã bị hủy bỏ vì nhiều quốc gia đã đóng cửa biên giới và cấm các cuộc tụ họp đông người, trong đó có một cuộc họp vào tháng Năm ở thủ đô Helsinki (Phần Lan) và một cuộc họp khác ở Hobart (Australia) đã được lên kế hoạch tổ chức vào tháng Bảy.

Hải Vân/Báo Tin tức
Châu Nam Cực – Lục địa duy nhất chưa có SARS-CoV-2
Châu Nam Cực – Lục địa duy nhất chưa có SARS-CoV-2

Tới nay, vẫn còn một mảnh đất mà chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2) chưa "đặt chân" đến. Đó là vùng Cực Nam của Trái Đất, một lục địa băng giá cằn cỗi, nơi cái lạnh và bóng tối của mùa đông thường kéo đến rất nhanh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN