Đây là cuộc họp thường niên cấp Đại sứ nhằm kiểm điểm và trao đổi các biện pháp thúc đẩy triển khai các dự án và hoạt động hợp tác ASEAN - Thụy Sĩ. Đại sứ Trần Đức Bình, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại ASEAN đã tham dự cuộc họp.
Tại cuộc họp, hai bên đã đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, đặc biệt là trong việc thực hiện Kế hoạch hành động đối tác đối thoại theo lĩnh vực ASEAN - Thụy Sĩ (CPA) giai đoạn 2017-2021. Trong giai đoạn 2018-2020, Thụy Sĩ đã tài trợ hơn 10.495.000 Franc Thụy Sĩ (hơn 10 triệu USD) để triển khai 34 dự án chung ASEAN - Thụy Sĩ.
Trong bối cảnh bùng phát dịch bệnh COVID-19, Thụy Sĩ đánh giá cao Việt Nam, nước Chủ tịch ASEAN 2020, đã thể hiện tốt vai trò điều phối, duy trì tốt các hoạt động hợp tác nội khối cũng như tăng cường hợp tác với các đối tác bên ngoài của ASEAN, tổ chức thành công nhiều Hội nghị quan trọng của ASEAN trong năm; đề cao các nỗ lực hợp tác, các sáng kiến và giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả của các nước ASEAN trong ứng phó với đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, cho biết đang xem xét khả năng đóng góp cho Quỹ ASEAN ứng phó COVID-19 khi chính thức được thành lập, đồng thời nhất trí cần tăng cường hợp tác, tạo thuận lợi thương mại và đầu tư, tăng cường chuỗi kết nối nhằm sớm phục hồi mọi mặt sau dịch bệnh.
Phía Thụy Sĩ khẳng định coi trọng quan hệ với ASEAN, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực, đồng thời mong muốn xây dựng quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn với ASEAN trên 3 cả trụ cột; hoan nghênh Tài liệu quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, ủng hộ gắn kết Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 với Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Liên hợp quốc đến 2030.
Thụy Sỹ cam kết tiếp tục hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng và thực hiện Tầm nhìn ASEAN, hỗ trợ ASEAN thực hiện các chương trình của Trung tâm điều phối ASEAN về ứng phó thảm họa và cứu trợ nhân đạo (AHA) và Hiệp định ASEAN về quản lý thiên tai và ứng phó khẩn cấp (AADMER).
Hai bên nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ, khẩn trương hoàn tất triển khai các dòng hành động còn lại của CPA 2017-2021, đồng thời phối hợp chuẩn bị xây dựng CPA cho giai đoạn tiếp theo 2022-2026, trong đó tập trung vào một số lĩnh vực ưu tiên như đầu tư, thương mại sinh học (bio-trade), thúc đẩy số hóa, đặc biệt là kinh tế số, hợp tác về an ninh mạng, quản lý dữ liệu, tăng cường kết nối, thực hiện Sáng kiến hội nhập IAI về thu hẹp khoảng cách phát triển, Sáng kiến mạng lưới thành phố thông minh (ASCN), hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME), thúc đẩy giao lưu, du lịch, hợp tác về giáo dục-đào tạo, phát triển nguồn nhân lực (TVET), các vấn đề về an ninh con người, môi trường, quản lý nguồn nước, quản lý thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu…
Hai bên cũng nhấn mạnh sự phối hợp chặt chẽ để tổ chức thành công Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Ngoại giao thường niên ASEAN - Thụy Sĩ và Hội nghị tham vấn trực tuyến Bộ trưởng Kinh tế ASEAN - Thụy Sĩ trong thời gian tới.