Cuộc chiến ở Dải Gaza làm kho vũ khí đồ sộ của Mỹ ở Israel rơi vào tầm ngắm

Vị trí chính xác của vũ khí Mỹ tại Israel được giữ bí mật, chỉ biết rằng ở Israel, có nhiều nhà kho được bảo vệ chặt chẽ và chứa vũ khí trị giá hàng tỷ USD thuộc sở hữu của chính phủ Mỹ.

Chú thích ảnh
Binh sĩ Israel tiến hành chiến dịch quân sự tại Dải Gaza ngày 25/12/2023. Ảnh: THX/TTXVN

Theo tờ The Guardian, từ lâu các nhà kho vũ khí này luôn là một bí mật và là một phần trong số lượng vũ khí dự trữ của Mỹ ở Israel nhưng ít được biết đến. Tuy nhiên, kho vũ khí này đang phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ khi chính quyền Mỹ ngày càng chịu nhiều áp lực vì hỗ trợ Israel bắn phá Gaza.

Kho dự trữ này lần đầu tiên được thành lập vào những năm 1980 để nhanh chóng cung cấp vũ khí cho lực lượng Mỹ nếu xảy ra bất kỳ cuộc xung đột nào ở Trung Đông. Tuy nhiên, dần dần, trong một số trường hợp nhất định, Israel đã được phép sử dụng vũ khí Mỹ trong các kho đó.

Hiện nay, Israel dường như đang nhận được đạn dược từ kho dự trữ của Mỹ với số lượng đáng kể để sử dụng trong cuộc chiến ở Gaza. Vấn đề là hầu như không có sự minh bạch khi rút vũ khí.

Các cựu quan chức Mỹ nắm rõ thông tin về những hỗ trợ an ninh mà Mỹ dành cho Israel đã nói về cách chuyển vũ khí trong các kho này cho Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF). Theo họ, cách này khiến vũ khí Mỹ không bị công chúng và quốc hội giám sát.

Cụ thể, một cựu quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc nói: “Về mặt chính thức, đó là thiết bị của Mỹ để Mỹ sử dụng, nhưng mặt khác, trong trường hợp khẩn cấp, ai có thể nói rằng chúng ta sẽ không đưa cho họ chìa khóa nhà kho?”

Từ khi xảy ra vụ tấn công của Hamas vào ngày 7/10, Israel đã thả hàng chục nghìn quả bom xuống Gaza và đã công khai nói rằng cần số lượng lớn đạn dược do Mỹ cung cấp.

Có nhiều lo ngại rằng Israel ném bom Gaza một cách bừa bãi. Khi số người thiệt mạng vượt 20.000 ở Gaza, Mỹ đang phải đối mặt với những câu hỏi về số lượng và chủng loại bom mà nước này đang cung cấp cho Israel cũng như tỷ lệ được cung cấp thông qua kho dự trữ bí mật.

Tại Mỹ, các nghị sĩ đã nêu quan ngại về các đề xuất của Nhà Trắng nhằm nới lỏng các quy định về các loại vũ khí trong kho dự trữ, như bỏ mức trần chi tiêu cho việc bổ sung vũ khí và giúp Lầu Năm Góc linh hoạt hơn trong việc lấy vũ khí ra khỏi kho.

Theo ông Josh Paul, người gần đây đã từ chức tại Bộ Ngoại giao Mỹ để phản đối Mỹ tiếp tục hỗ trợ vũ khí sát thương cho Israel, những thay đổi được đề xuất đối với kho dự trữ là một phần trong nỗ lực của chính quyền Tổng thống Joe Biden nhằm tìm ra những cách mới để cung cấp vũ khí cho Israel.

Nói về các cuộc thảo luận nội bộ của Mỹ vào tháng 10, ông nói: “Nhà Trắng đã cấp bách tìm kiếm mọi thẩm quyền hợp pháp có thể để đưa vũ khí cho Israel càng nhanh càng tốt”.

Lượng bom đạn dược dồi dào

Toàn bộ những gì có trong Kho dự trữ Chiến tranh cho Đồng minh - Israel (WRSA-I) không được tiết lộ công khai, mặc dù các cựu quan chức cho biết Lầu Năm Góc cung cấp cho Quốc hội Mỹ bản phân tích hàng năm về những gì có trong kho này.

Báo cáo có thể mang tính mật, nhưng đầu năm nay, xuất hiện một mô tả chi tiết khác thường về nội dung trong kho dự trữ ở Israel khi một cựu chỉ huy quân đội Mỹ nói về nhà kho WRSA-I trong một bài báo.

Ông cho biết kho dự trữ hiện tại chứa đầy đạn dược không thông minh, tức là những loại không có hệ thống dẫn đường phức tạp, trong đó có hàng nghìn quả bom sắt chỉ cần thả đơn giản từ máy bay.

Vào năm 2020, lượng bom đạn không thông minh nhưng dồi dào trong kho dự trữ ở Israel đã được Viện An ninh Quốc gia Do Thái của Mỹ nhắc tới, phàn nàn rằng WRSA-I đã trở nên lỗi thời vì có nhiều bom đạn không dẫn đường và thiếu đạn dược dẫn đường chính xác (PGM).

Tuy nhiên, trong cuộc oanh tạc trên không mới nhất vào Gaza, Israel đã phụ thuộc rất nhiều vào các loại bom đạn không điều khiển và có độ chính xác thấp kiểu này, khiến các chuyên gia vũ khí không tin rằng Israel đang cố gắng giảm thiểu thương vong cho dân thường.

Chú thích ảnh
Không quân Israel chia sẻ hình ảnh quả bom M117. Ảnh: Không quân Israel

Israel không phủ nhận mình đã sử dụng vũ khí không điều khiển - loại vũ khí có thể gây rủi ro đáng kể cho dân thường khi sử dụng ở các khu vực đông dân cư. Lực lượng không quân Israel liên tục chia sẻ hình ảnh trên mạng xã hội khi bắt đầu cuộc tấn công bằng bom không dẫn đường, ví dụ như M117 trên máy bay chiến đấu.

Theo đánh giá của tình báo Mỹ, dù không thể xác định tần suất sử dụng bom M117 ở Gaza hay cách thức triển khai các bom này, nhưng khoảng 40% đến 45% số đạn dược mà Israel sử dụng là loại không dẫn đường.

Theo một cựu quan chức cấp cao của Mỹ, xét loại vũ khí không đối đất, Mỹ sẽ cung cấp cho Israel bất cứ thứ gì họ cần, mặc dù Israel có vũ khí không dẫn đường được sản xuất trong nước.

Bộ dụng cụ do Mỹ cung cấp để giúp Israel chuyển bom không dẫn đường thành bom dẫn đường chính xác dường như đã được sử dụng trong các cuộc không kích vào trại tị nạn Jabalia ở phía Bắc Gaza.

Các nhà phân tích quốc phòng cho rằng có rất ít minh bạch về chủng loại và số lượng vũ khí mà Mỹ đang cung cấp cho Israel. Tuy nhiên, có một đợt rút vũ khí từ WRSA-I vào tháng 10 khi tờ Axios đưa tin rằng Mỹ sẽ cung cấp cho Israel đạn pháo 155 mm. Có rất nhiều các loại đạn không dẫn đường trong WRSA-I.

Theo ông Marc Garlasco, cựu điều tra viên tội ác chiến tranh của Liên hợp quốc, đạn pháo 155mm đặc biệt nguy hiểm vì mỗi quả đạn bắn ra 2.000 mảnh đạn gây sát thương và độ chính xác giảm theo khoảng cách, làm tăng khả năng dân thường và cơ sở hạ tầng dân sự bị trúng đạn.

Những hình ảnh do đội xử lý bom mìn ở Gaza công bố vào tháng trước cho thấy các mảnh đạn của đạn pháo 155mm được đưa ra khỏi các tòa nhà ở Gaza. Người ta không biết liệu chúng có nguồn gốc từ Mỹ hay từ kho dự trữ của Israel.

Bà Sarah Harrison, nhà phân tích của tổ chức Crisis Group, cho biết, mặc dù Israel duy trì WRSA-I và trả tiền để Mỹ đặt vũ khí ở đây, nhưng khả năng tiếp cận kho dự trữ này không phải là vô hạn.

Bà nói: “Chỉ có một kho dự trữ nữa như thế này là ở Hàn Quốc. Có rất ít kho kiểu này và có thể lấy vũ khí ra nhanh chóng. Nhưng kho dự trữ không cho phép Israel chỉ lấy vũ khí và lấy vũ khí miễn phí vì mỗi lần đưa thiết bị ra ngoài đều phải có thẩm quyền pháp lý”.

Chú thích ảnh
Hiện trường đổ nát sau vụ oanh tạc của Israel xuống trại tị nạn al-Maghazi ở Dải Gaza ngày 25/12/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Việc lấy vũ khí từ trong WRSA-I có thể khác với việc bán vũ khí thông thường giữa Mỹ và một quốc gia khác ở chỗ: thiết bị có thể được rút từ kho dự trữ trước rồi mới hoàn thành thủ tục sau.

Ông Josh Paul cho biết: “Chúng ta có một trường hợp bán hàng quân sự cho nước ngoài, có thể cần hoặc không cần thông báo cho Quốc hội, tùy thuộc vào những gì họ đã lấy và số lượng”.

Ông Paul lo ngại rằng quy trình này có thể vượt mặt các biện pháp kiểm soát của Bộ Ngoại giao Mỹ. Ông nói: “Không có đánh giá nào về nhân quyền, không có đánh giá về tính cân bằng khu vực, không có đánh giá chính sách chuyển giao vũ khí mà thông thường phải có. Về cơ bản, quy trình là hãy lấy những gì có thể và chúng ta sẽ giải quyết sau”.

Người phát ngôn của Lầu Năm Góc thừa nhận Mỹ đang tận dụng một số cách thức và nguồn lực để hỗ trợ an ninh cho Israel, trong đó có cả các kho dự trữ ở Israel và Mỹ.

Các chuyên gia kiểm soát vũ khí cho rằng tốc độ rút vũ khí nhanh và thiếu minh bạch khiến khó mà biết vũ khí nào được đưa ra khỏi WRSA-I, không rõ các cơ chế pháp lý nào được sử dụng để rút vũ khí và Quốc hội Mỹ biết được tới đâu về những hỗ trợ mà Mỹ đang cung cấp cho Israel thông qua kho dự trữ này.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Tương lai của Gaza: Kịch bản hậu chiến tranh của Israel với Hamas
Tương lai của Gaza: Kịch bản hậu chiến tranh của Israel với Hamas

Bất kể các kịch bản hậu chiến đối với Gaza ra sao, cần phải thừa nhận bối cảnh rộng lớn hơn của cuộc xung đột Israel-Palestine, bao gồm các vấn đề chiếm đóng, mở rộng khu định cư và phủ nhận quyền tự quyết của người Palestine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN