Tổng thống Barack Obama và các lãnh đạo quốc hội đang chạy đua với thời gian trong các cuộc đàm phán ngày 31/7 với hy vọng đạt được thoả thuận nâng mức trần nợ công, giúp nước Mỹ thoát khỏi cảnh vỡ nợ khi thời hạn chót (2/8) đang tới gần. Trong bối cảnh nước rút đó, nhiều thông tin cho thấy đàm phán đã có dấu hiệu tích cực.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner (trái) và lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell trong một cuộc họp báo ngày 30/7. |
Phát biểu với kênh truyền hình CNN (Mỹ), lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện, ông Mitch McConnell, tỏ ra lạc quan về triển vọng nước Mỹ tránh được thảm cảnh vỡ nợ. Ông cho biết ông đang tiến "rất gần" tới khả năng đạt được thỏa thuận nâng trần nợ công với đảng Dân chủ. Theo ông McConnell, các lãnh đạo Cộng hòa và Nhà Trắng đang đàm phán về một kế hoạch theo đó sẽ nâng trần nợ thêm 3.000 tỷ USD và cắt giảm một khoản chi tiêu tương đương trong vòng 10 năm tới. Gói biện pháp này sẽ không có việc tăng thuế và được thực hiện theo hai bước: Bước đầu sẽ lập tức tăng trần nợ công thêm 1.000 tỷ USD; bước thứ hai sẽ nâng mức trần nợ trong thời gian từ nay tới cuối năm. Ông McConnell hi vọng đảng Dân chủ sẽ ủng hộ kế hoạch này.
Cố vấn cấp cao của Nhà Trắng, ông David Plouffe, nhận định, các cuộc đàm phán ngày 31/7 có vai trò rất quan trọng. Ông nói: "Chúng ta phải giải quyết vấn đề trần nợ công và tôi tự tin rằng có một con đường phía trước".
Người dân đi lại dưới chiếc đồng hồ đếm nợ công của Mỹ. |
Trong một thông báo, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện, thượng nghị sĩ Dân chủ Harry Reid, cho biết các cuộc thương lượng tại Nhà Trắng vẫn đang diễn ra và hai bên mong muốn hướng tới một thỏa thuận nhằm tránh thảm họa vỡ nợ. Ông nhấn mạnh hiện vẫn còn nhiều yếu tố cần xem xét.
Thượng viện Mỹ đã lùi thời điểm bỏ phiếu về kế hoạch nâng mức trần nợ công và giảm thâm hụt ngân sách do thượng nghị sĩ Reid đệ trình để các nhà đàm phán "có nhiều thời gian nhất có thể".
Các nhà phân tích nhận định, dấu hiệu đảng Dân chủ và Cộng hòa sắp đạt được thỏa thuận về nợ công là một tin vui cho các thị trường tài chính.
Trước đó, ngày 29/7, Thượng viện Mỹ đã bác dự luật về nợ công do Chủ tịch Hạ viện, hạ nghị sĩ Cộng hòa John Boehner, đề xuất và đã được thông qua tại Hạ viện. Dự luật này đã được đảng Cộng hòa điều chỉnh so với trước đó để tìm kiếm sự ủng hộ của các thành viên bảo thủ trong đảng Cộng hoà.
Tính đến ngày 16/5 vừa qua, tổng nợ công của Mỹ đã chạm mức tối đa 14.294 tỷ USD, tương đương gần 100% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Bộ Tài chính Mỹ đã phải thực hiện các biện pháp đặc biệt để giúp chính quyền Mỹ vận hành bình thường đến ngày 2/8 tới. Sau thời hạn đó, nếu Hạ viện không ủng hộ phá ngưỡng trần nợ, Bộ Tài chính không thể phát hành thêm trái phiếu và khi đó chính phủ Mỹ sẽ lâm vào cảnh vỡ nợ.
Lãnh đạo các doanh nghiệp và tài chính cảnh báo vỡ nợ sẽ gây ra những dư chấn to lớn đối với nền kinh tế Mỹ vốn vẫn đang trong quá trình phục hồi mong manh sau cuộc suy thoái toàn cầu năm 2008. Tổng thống Barack Obama đã kêu gọi cả hai đảng cần có sự nhượng bộ lẫn nhau vì thời gian đang sắp hết, đồng thời khẳng định lại việc ông phản đối đưa ra một dự luật nâng trần nợ trong ngắn hạn.
Dương Tuyến - TTG