Cuba triển khai 9.000 quân nhân ngăn chặn virus Zika

Chủ tịch Cuba đã ra lệnh triển khai 9.000 quân nhân hỗ trợ công tác phòng ngừa dịch bệnh do virus Zika gây ra.

Lực lượng phun thuốc diệt muỗi ở La Habana, Cuba ngày 22/2. Ảnh: AP

Trong nỗ lực ngăn chặn virus Zika thâm nhập vào Cuba, ngày 22/2, Chủ tịch nước này Raul Castro đã ra lệnh triển khai 9.000 quân nhân hỗ trợ công tác phòng ngừa dịch bệnh do Zika gây ra, đồng thời kêu gọi toàn dân tham gia chiến dịch diệt muỗi Aedes aegypti – tác nhân truyền nhiễm chính loại virus này.

Theo phóng viên TTXVN tại La Habana, trong thông điệp quốc gia gửi đến người dân Cuba, Chủ tịch Castro nhấn mạnh mọi công dân nước này cần phải xem việc phòng ngừa virus Zika là trách nhiệm của mỗi cá nhân, cũng như phải ý thức tuân thủ các điều kiện vệ sinh nghiêm ngặt và chủ động có các biện pháp để chống lại loại virus này. Theo ông, dù hiện tại Cuba chưa phát hiện trường hợp nhiễm bệnh nào song Đảng và Chính phủ Cuba đã quyết định triển khai một chương trình hành động do Bộ Y tế điều phối, nhằm ngăn chặn dịch bệnh đang ảnh hưởng tới gần như toàn bộ khu vực Mỹ Latinh nói trên. Chủ tịch Castro cũng cho biết đã ra lệnh triển khai 9.000 quân nhân và lính dự bị cùng 200 cảnh sát quốc gia tham gia chiến dịch phòng ngừa virus Zika, tiến hành tẩy uế tất cả các môi trường có khả năng làm sinh sôi muỗi Aedes aegypti.

Brazil cân nhắc biện pháp triệt sản muỗi đực

Từ nhiều thập kỷ qua, Cuba vẫn tiến hành phun thuốc định kỳ cả trên diện rộng lẫn tại các hộ gia đình, và hiện tại đây cũng là biện pháp chủ yếu để diệt trừ loại muỗi truyền nhiễm trên. Bên cạnh virus Zika, muỗi Aedes cũng là tác nhân chính gây truyền nhiễm bệnh sốt xuất huyết và sốt Chikungunya.

Hiện virus Zika đã xuất hiện tại 28 quốc gia và vùng lãnh thổ tại châu Mỹ và vùng Caribe, trong đó Brazil là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 1,5 triệu trường hợp nhiễm bệnh. Nhằm đẩy lùi virus Zika, Chính phủ Brazil đang cân nhắc kế hoạch tiến hành triệt sản hàng triệu con muỗi đực bằng tia phóng xạ như gamma, từ đó ngăn chặn sự lây lan của loại virus này. Đây là đề xuất của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA), theo đó Brazil có thể áp dụng phương pháp Công nghệ triệt sản côn trùng (SIT) để giải quyết dịch Zika. Theo phương pháp được gọi là "kế hoạch hóa gia đình dành riêng cho muỗi", muỗi đực được nuôi trong phòng thí nghiệm sẽ bị chiếu tia phóng xạ khiến chúng vô sinh. Sau đó, muỗi đực được thả vào tự nhiên để giao phối với muỗi cái. Trứng muỗi sinh ra sẽ không thể nở thành bọ gậy nên số lượng loài muỗi trong tự nhiên sẽ sụt giảm. IAEA sẽ chịu chi phí vận chuyển thiết bị chiếu xạ đến thành phố Juazeiro thuộc bang Đông Bắc Bahia của Brazil nếu chính phủ nước này cho phép nhập khẩu.

Dịch virus Zika xuất hiện giữa năm ngoái tại Brazil và chỉ ít tháng sau, các nhà chức trách và nhà khoa học cho rằng đây là nguyên nhân khiến hàng trăm trẻ sơ sinh ở nước này bị mắc chứng bệnh teo não. Kể từ tháng 10/2015 tới nay, tại Brazil đã ghi nhận 508 trường hợp trẻ sơ sinh teo não và 5.280 trường hợp khác đang chờ kết quả xét nghiệm, và 3 trường hợp tử vong được các bác sĩ khẳng định là có liên quan tới virus Zika. Quy định mới của Chính phủ Brazil cũng yêu cầu tất cả các trường hợp phụ nữ mang thai nghi nhiễm virus Zika cũng như những trường hợp tử vong nghi có liên quan sẽ phải thông báo cho cơ quan quản lý chậm nhất trong vòng 24 tiếng.

Ngày 1/2 vừa qua, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ban bố tình trạng khẩn cấp do dịch bệnh Zika bùng phát, và thừa nhận có nhiều bằng chứng cho thấy sự liên quan chặt chẽ giữa virus Zika với bệnh teo não ở thai nhi và hội chứng rối loạn hệ thống miễn dịch Guillain Barré, có thể gây tử vong. Tuy nhiên, WHO cũng cho biết kết luận chính xác chỉ có thể được biết vào giữa năm nay.

Trong khi đó, các nhà khoa học từ Argentina nghi ngờ giả thuyết virus Zika là thủ phạm của chứng teo não. Họ cho rằng, Pyriproxyfen - một loại hóa chất độc hại dùng để diệt ấu trùng muỗi sử dụng trong nguồn nước tại Brazil - mới là nguyên nhân trực tiếp. Các nhà khoa học chỉ ra rằng, trong thời điểm dịch bệnh bùng phát mạnh nhất, không hề có ca bệnh nào cho thấy sự liên quan trực tiếp giữa virus Zika và chứng teo não. Những quốc gia Nam Mỹ khác như Colombia, dù xuất hiện nhiều ca bệnh Zika nhưng không có em nhỏ nào bị chứng teo não.

TTXVN/Tin Tức
Một phụ nữ Mexico nhiễm virus Zika sinh con khỏe mạnh
Một phụ nữ Mexico nhiễm virus Zika sinh con khỏe mạnh

Bộ Y tế Mexico cho biết một phụ nữ ở bang Chiapas, miền Nam nước này, bị nhiễm virus Zika nhưng vẫn sinh ra một bé trai khỏe mạnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN