Theo phóng viên TTXVN tại La Habana, trong cuộc họp cùng ngày với Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel, các nhà khoa học nhấn mạnh tầm quan trọng của việc triển khai tiêm liều tăng cường vaccine ngừa COVID-19 để kiểm soát dịch bệnh. Nhiều mô hình dự báo cùng chỉ ra rằng số ca lây nhiễm sẽ tiếp tục tăng lên trong những ngày tới, do đó cần phải siết chặt các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh.
Tiến sĩ khoa học Raúl Guinovart cho biết qua quan sát làn sóng lây nhiễm ở các quốc gia khác, đợt bùng phát đại dịch COVID-19 lần này ở Cuba cũng phải trải qua giai đoạn các ca lây nhiễm tăng lên nhanh chóng trước khi suy giảm. Ông Guinovart cảnh báo cần theo dõi sát tình hình dịch bệnh, lưu ý các biện pháp phòng ngừa và quan trọng nhất là tiếp tục triển khai tiêm chủng.
Cũng tại cuộc họp, Giám đốc Khoa học và công nghệ thuộc Bộ Y tế Ileana Morales đã trình bày bản cập nhật về chiến lược tiêm chủng quốc gia, theo đó hơn 4 triệu người dân Cuba, tương đương 50% dân số đủ điều kiện tiêm chủng, đã tiêm mũi tăng cường ngừa COVID-19. Bà Morales cũng cho biết ngành công nghiệp dược phẩm sinh học Cuba vẫn tiếp tục sản xuất các loại vaccine để đảm bảo chương trình tiêm chủng diễn ra thuận lợi.
Liên quan các thử nghiệm lâm sàng của Mambisa - thành quả của khoa học Cuba và là một trong 11 vaccine ngừa COVID-19 tiềm năng dạng xịt đang được nghiên cứu trên thế giới, Tiến sĩ khoa học Gerardo Guillén cho biết trong giai đoạn đầu thử nghiệm, hiệu giá kháng thể của các tình nguyện viên sử dụng vaccine Mambisa đã tăng gấp 15 lần.
Trước đó, Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ sinh học BioCubaFarma của Cuba - ông Eduardo Martínez tuyên bố các thử nghiệm lâm sàng đã chứng minh vaccine Mambisa có khả năng phản ứng miễn dịch niêm mạc cao chống lại virus SARS-CoV-2, do đó có thể ngăn ngừa hiệu quả sự lây truyền của virus và cung cấp một mức độ miễn dịch khử trùng nhất định.
Theo ông Martínez, các loại vaccine COVID-19 hiện có trên thế giới, bao gồm cả các chế phẩm của Cuba, đều rất hiệu quả trong việc ngăn ngừa các ca bệnh có triệu chứng, các ca COVID-19 thể nặng và các trường hợp tử vong, nhưng lại chưa đủ hiệu quả để ngăn ngừa virus SARS-CoV-2, do đó những người đã được tiêm chủng đầy đủ vẫn có nguy cơ bị nhiễm bệnh, và kết quả là không thể dập tắt được triệt để chuỗi lây nhiễm.
Điều này lý giải tại sao cộng đồng khoa học quốc tế đang nghiên cứu các phương pháp để chế tạo ra một loại vaccine cho phép miễn dịch khử trùng, một trong số đó là vaccine dạng xịt, tức là sử dụng đường niêm mạc để tạo ra phản ứng tức thì ngay khi virus xâm nhập vào cơ thể, nhanh chóng vô hiệu hóa mầm bệnh và triệt tiêu khả năng tái tạo.
Trong báo cáo mới nhất, Bộ Y tế Cuba cho biết gần 10 triệu người dân nước này, tương đương 87,4% dân số, đã được tiêm chủng đầy đủ ngừa COVID-19, trong khi hơn 10,5 triệu trên tổng số 11,3 triệu dân nước này đã được bảo vệ với ít nhất một liều vaccine, đưa Cuba trở thành quốc gia có tỷ lệ dân số được tiêm ngừa COVID-19 cao nhất khu vực Mỹ Latinh và đứng thứ hai trên thế giới, chỉ sau Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).
Theo số liệu từ trang web thống kê Our World in Data, Cuba đã tiêm tổng cộng 32.942.089 mũi vaccine ngừa COVID-19 cho người dân và đứng đầu thế giới về số liều sinh phẩm chống lại virus SARS-CoV-2 với tỷ lệ là 290,751/100 người. Chile đứng thứ hai trong danh sách nói trên với tỷ lệ tương ứng là 231,18, tiếp sau là UAE (227,16), Trung Quốc (198,28) và Brazil (155,57).
Cuba cũng được đánh giá là rất thành công trong việc chữa trị cho bệnh nhân mắc COVID-19, với tỷ lệ khoảng 99% được chữa khỏi bệnh tính tới thời điểm hiện nay.