Băng rôn tranh cử Tổng thống của các ứng cử viên Kim Moon-soo (trên) và Lee Jae-myung (dưới) tại Seoul, Hàn Quốc ngày 12/5/2025. Ảnh: Yonhap/TTXVN
Đây là kết quả khảo sát Ủy ban Bầu cử Quốc gia Hàn Quốc (NEC) công bố ngày 15/5, do Gallup Korea thực hiện từ ngày 2–3/5 với sự tham gia của 1.526 cử tri từ 18 tuổi trở lên trên toàn quốc. Cuộc khảo sát có sai số cộng hoặc trừ 2,5 điểm phần trăm với mức độ tin cậy 95%.
Kết quả cho thấy 86% số người được hỏi cho biết "chắc chắn sẽ bỏ phiếu", 10,8% cho biết họ sẽ "bỏ phiếu nếu có thể", trong khi chỉ 3% cho biết ít hoặc không có ý định bỏ phiếu. Tỷ lệ người được hỏi có ý định “chắc chắn bỏ phiếu” đã tăng 3 điểm phần trăm so với một cuộc khảo sát tương tự trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2022 (83%). Tỷ lệ cử tri thực tế đi bỏ phiếu cho cuộc bầu cử đó là 77,1%.
Xét theo độ tuổi, cử tri từ 70 tuổi trở lên cho thấy ý định bỏ phiếu cao nhất là 89,9%, tiếp theo là các nhóm 60 tuổi (88,9%), 50 tuổi (88,4%), 40 tuổi (86,6%), 30 tuổi (85,3%) và từ 18 đến 29 tuổi (75,3%) - cho thấy xu hướng nhiệt tình tham gia bầu cử giảm dần ở các nhóm tuổi trẻ hơn.
So với cuộc bầu cử năm 2022, ý định chắc chắc bỏ phiếu đã giảm nhẹ ở nhóm tuổi 60 và từ 70 tuổi trở lên, nhưng tăng ở tất cả các nhóm tuổi khác, đặc biệt là nhóm từ 18 - 29 tuổi (tăng 8,9 điểm phần trăm) và nhóm 40 tuổi (tăng 4,9 điểm phần trăm).
Có 91,9% người tham gia khảo sát cho biết họ “quan tâm đến cuộc bầu cử sắp tới”, tăng so với mức 89,9% trước cuộc bầu cử năm 2022.
Trong số những người có ý định chắc chắn bỏ phiếu, 38,6% cho biết sẽ bỏ phiếu sớm. Con số này thấp hơn mức 41,4% ghi nhận trước tổng tuyển cử năm ngoái và 45,2% trước cuộc bầu cử địa phương năm 2022, nhưng cao hơn mức 27,4% được ghi nhận trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2022.
Tỷ lệ bỏ phiếu sớm thực tế là 31,3% trong cuộc tổng tuyển cử năm 2024, 20,6% trong cuộc bầu cử địa phương năm 2022 và 36,9% trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2022. Lý do phổ biến nhất để chọn bỏ phiếu sớm là sự tiện lợi (38,6%), tiếp theo là “để giải quyết các cam kết khác vào Ngày bầu cử” (25%) và “không thể bỏ phiếu vào Ngày bầu cử do nghĩa vụ công việc hoặc đi lại” (14,7%).
Khi được hỏi những yếu tố nào là quan trọng nhất khi lựa chọn ứng cử viên, 31,8% chọn "năng lực và kinh nghiệm", 27,3% chọn "chính sách và lời cam kết", 22,9% chọn "đạo đức" và 12,9% chọn "đảng phái".
Về mức độ ảnh hưởng nhận thức từ cuộc bầu cử, 84,9% đồng ý rằng "tương lai của đất nước có thể thay đổi thông qua cuộc bầu cử này" và 73,1% đồng ý rằng "cuộc sống hàng ngày và chất lượng cuộc sống có thể thay đổi thông qua cuộc bầu cử này". Ngoài ra, 84,8% người được hỏi tin rằng "phiếu bầu của tôi có tác động đáng kể đến kết quả bầu cử".
Cuộc khảo sát được tiến hành bằng cách sử dụng các cuộc phỏng vấn qua điện thoại có hỗ trợ của máy tính, với 90% qua số di động ảo và 10% qua điện thoại cố định. Tỷ lệ phản hồi là 17%.