Cú sốc lớn với du lịch Ai Cập

Ngành công nghiệp không khói của Ai Cập đang bị một cú sốc lớn vì bất ổn chính trị, khiến nhiều du khách và các nhà đầu tư nước ngoài “ngoảnh mặt”.


Thiệt hại nặng nề


Tại Ai Cập nói chung và thủ đô Cairo nói riêng có rất nhiều tháp cổ và kim tự tháp gắn với huyền thoại về các vị pharaoh nổi tiếng, với bảo tàng xác ướp cùng những báu vật của họ, thu hút du khách tới khám phá. Tại đây, du khách có thể xem múa bụng, thăm khu đền Hồi giáo Islamic Cairo (di sản văn hóa thế giới từ thời Trung cổ, đến nay vẫn nguyên vẹn) và thưởng thức đặc sản Ai Cập trên những con thuyền lớn dọc sông Nile. Ở Luxor, nơi được mệnh danh là “Thung lũng của các nữ hoàng”, du khách có thể cảm nhận được bầu không khí Ai Cập cổ xưa, thuần túy với một quần thể kiến trúc độc đáo.

Các kim tự tháp cổ Ai Cập từng hấp dẫn rất nhiều khách du lịch nước ngoài. Ảnh Internet


Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất hiện nay đối với ngành du lịch Ai Cập là tình trạng bất ổn chính trị. Bạo loạn tăng vọt kể từ vụ đàn áp những người biểu tình ủng hộ Tổng thống bị phế truất Mohamed Morsi hồi tháng 8 vừa qua đã giáng một đòn nặng vào ngành du lịch Xứ sở kim tự tháp, vốn chiếm hơn 11% tổng sản phẩm quốc nội và gần 20% nguồn thu ngoại tệ của nước này.


Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Credit Agricole (Pháp), cuộc khủng hoảng chính trị tại Ai Cập đang làm nền kinh tế nước này thiệt hại 310 triệu USD/ngày do nhà máy đóng cửa và du khách nước ngoài hủy các chuyến du lịch, trong khi hàng chục nghìn du khách đã rời khỏi đất nước này vào đúng mùa cao điểm.


Các cuộc biểu tình quy mô lớn đã khiến du khách Mỹ - những người thích khám phá kim tự tháp, những lăng mộ và đền thờ của thung lũng sông Nile, e dè không muốn đến Ai Cập. Các khu du lịch tại Biển Đỏ, trong khi đó, cũng đang dần vắng khách châu Âu.


Đến Ai Cập thời điểm này, khách du lịch sẽ chỉ thấy những nhà hàng, quán bar đóng cửa sớm do lệnh giới nghiêm tại Cairo và nhiều địa phương khác. Chương trình văn hóa dân gian và các sự kiện văn hóa đã bị hủy bỏ, các bảo tàng cũng chỉ mở cửa vài giờ mỗi ngày. "Tất cả các ngành dịch vụ đều đóng cửa, từ cửa hàng đồ lưu niệm đến khách sạn, tuyến xe buýt, hãng hàng không…


Vẫn còn quá sớm để nói rằng tình trạng này còn diễn ra trong bao lâu. Nhưng chắc chắn một điều là nó sẽ gây thiệt hại nặng nề đối với nền kinh tế Ai Cập và cuộc sống của người dân cũng bị ảnh hưởng lớn", Torsten Schaefer thuộc Hiệp hội Du lịch Đức cho biết.


Chờ hồi sinh


Việc Mỹ và châu Âu khuyến cáo công dân không nên đến Ai Cập và nhiều công ty du lịch lớn của châu Âu đã hủy bỏ đặt phòng đến tháng 10 do tình trạng hỗn loạn tại Ai Cập đã ảnh hưởng đến đời sống của 1/8 dân số Xứ sở kim tự tháp, những người kiếm sống từ du lịch.


TUI, một trong những công ty du lịch lớn nhất của Đức, cho biết hãng đã hủy bỏ tất cả các chuyến đi tới Ai Cập cho đến ngày 15/9. Trong khi đó, Costa Crociere SpA , hãng du lịch lớn của Italy, đã hủy bỏ tất cả các tuyến du lịch tới biển Biển Đỏ trong mùa đông 2013 - 2014. Tại Pháp, Hiệp hội các công ty du lịch đã ngừng tour du lịch đến Cairo, Biển Đỏ và tất cả các thành phố khác của Ai Cập. Hiệp hội du lịch Nga thì thông báo khoảng 30% các tour du lịch trọn gói đặt trước đến Ai Cập đã bị hủy bỏ.


Tuy nhiên, ngành du lịch Ai Cập hy vọng sự tăng trưởng này sẽ xuất hiện trở lại khi tình hình chính trị ổn định. Năm ngoái, 11,5 triệu khách nước ngoài đã đến thăm Ai Cập, tăng 17% so với năm 2011. "Ai Cập là điểm đến hấp dẫn rất nhiều du khách muốn khám phá, vì thế nhu cầu du lịch sẽ bùng phát khi bạo loạn được dập tắt", Priscilla O'Reilly thuộc công ty du lịch mạo hiểm có trụ sở tại Mỹ cho biết.


Cùng chung nhận định này, Pamela Lassers, nhân viên hãng du lịch Abercrombie & Kent (Mỹ) nói rằng: Trong những năm qua “chúng tôi đã chứng kiến nhiều thăng trầm ở Trung Đông" và tin rằng cuối cùng Ai Cập "một lần nữa sẽ chào đón du khách đến khám phá những di sản thế giới của đất nước này".


C.T(Tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN