Ngày 17/3, Hãng thông tấn Nga Interfax đưa tin Chủ tịch Nghị viện Crimea (Crưm) Vladimir Konstantinov tuyên bố các đơn vị quân đội của Ukraine tại khu vực sẽ bị giải tán, song các quân nhân vẫn có thể lưu lại trên bán đảo này.Interfax dẫn lời ông Konstantinov nêu rõ: “Chúng tôi sẽ tiến hành quốc hữu hóa tất cả các đơn vị quân đội trên lãnh thổ Crimea”.
Trong động thái nỗ lực tăng cường lực lượng quân sự, Quốc hội Ukraine ngày 17/3 đã thông qua sắc lệnh tổng thống về việc huy động 40.000 quân dự bị.
Tàu hải quân Ukraine neo đậu tại cảng thuộc Sevastopol (Crimea) ngày 11/3. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Phát biểu trước quốc hội, Thư ký Hội đồng an ninh và quốc phòng Ukraine, ông Andriy Parubiy cho biết 20.000 quân dự bị sẽ được triển khai tham gia lực lượng vũ trang và số còn lại sẽ được phiên chế vào Lực lượng Vệ binh quốc gia mới được thành lập.
Trong một diễn biến khác, theo báo Đức "Tấm gương", các ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) ngày 17/3 đã thảo luận về khả năng áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga liên quan cuộc khủng hoảng ở Crimea, trong đó có thể áp đặt lệnh cấm đi lại và phong toả tài khoản. Tuy nhiên, hiện các nhà ngoại giao hàng đầu của EU vẫn còn bất đồng về danh sách quan chức chịu trừng phạt.
Báo trên dẫn lời các nhà ngoại giao EU cho biết trong cuộc gặp của các đại sứ EU hôm 16/3, họ vẫn chưa thống nhất được danh sách những nhân vật sẽ bị cấm đi lại và phong toả tài khoản. Danh sách cuối cùng sẽ do các ngoại trưởng EU tự quyết định.
EU hiện không chỉ bất đồng về số lượng các nhân vật bị trừng phạt mà còn chưa thống nhất được ngay cả danh tính cụ thể cũng như cấp bậc những người bị trừng phạt, từ chính trị, quân sự cho tới các doanh nhân.
Trong khi đó, Phó Đại sứ Nga tại Đức Oleg Krasnicki khẳng định Moskva không muốn đối đầu với Phương Tây. Theo ông, những biện pháp trừng phạt của EU nhằm vào Nga là phản tác dụng với việc tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Thay vào đó, EU, Mỹ và Nga phải ngồi vào bàn đàm phán và tìm kiếm một giải pháp ngoại giao.
TN(Theo Reuters)