Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 8 giờ sáng 14/8 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới 594.697.603 ca, trong đó có tổng cộng 6.453.474 người tử vong.
Trong vòng 1 tuần qua, thế giới ghi nhận 5.345.914 ca mắc mới (giảm 15% so với tuần trước đó). Số ca tử vong vì COVID-19 trong tuần là 14.829 (giảm 12% so với 1 tuần trước).
Tuần qua, Nhật Bản là quốc gia ghi nhận nhiều ca mắc COVID-19 nhất (1.443.569 ca), trong khi Mỹ là nước có số ca tử vong nhiều nhất thế giới (2.438 ca, giảm 27% so với tuần trước nữa).
Đại dịch sau 2 năm đến nay xuất hiện và đã lây lan ở 225 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 567 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 20 triệu ca và trên 45.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch.
Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á tiếp tục thuyên giảm, song có sự khác biệt lớn giữa các nước. Diễn biến dịch tại Indonesia, Thái Lan và Malaysia căng thẳng hơn so với các nước khác. Xét về tổng số ca mắc và tử vong từ đầu dịch tới nay, ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á vẫn là Indonesia do dịch bệnh kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng.
Trong vòng 7 ngày qua, tình hình dịch bệnh đặc biệt đáng lo ngại ở châu Á. Nhiều nước và vùng lãnh thổ ở đây đang đối mặt với nguy cơ làn sóng dịch mới, với số ca mắc mới và nhập viện tăng mạnh trở lại. Trước xu thế dịch nguy cơ tái bùng phát, nhiều quốc gia đang tăng cường tiêm các mũi vaccine số 4 và số 5, đồng thời duy trì các biện pháp phòng dịch khác như đeo khẩu trang.
Nhật Bản tuần thứ 3 liên tiếp có số ca mắc mới COVID-19 nhiều nhất thế giới
Các số liệu thống kê mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy Nhật Bản vẫn ghu nhận số ca mắc mới COVID-19 nhiều nhất thế giới trong tuần thứ 3 liên tiếp.
Cụ thể, trong tuần từ ngày 1-7/8, Nhật Bản ghi nhận 1.496.968 ca nhiễm mới, tăng 9% so với một tuần trước đó và chiếm hơn 20% trong tổng số ca nhiễm mới trên toàn cầu. Tổng số người tử vong vì dịch COVID-19 ở Nhật Bản là 1.002 người, tăng 53 người so với một tuần trước đó, cao thứ 4 trên thế giới sau Mỹ, Brazil và Italy.
Tổng số ca nhiễm mới trên thế giới trong giai đoạn này là 6.980.516 ca, tăng 3% so với tuần trước đó. WHO nhận định số ca nhiễm mới và tử vong thực tế vì dịch COVID-19 có thể cao hơn so với con số báo cáo bởi một số nước đã thay đổi chiến lược xét nghiệm. Bên cạnh đó, theo WHO, dòng phụ BA.5 của biến thể Omicron có thể sẽ tiếp tục là biến thể chủ đạo gây bệnh trên toàn cầu khi gây ra khoảng 70% trong tổng số ca nhiễm mới đã được phát hiện đến cuối tháng trước. BA.5 được cho là nguyên nhân dẫn tới làn sóng lây nhiễm thứ 7 hiện nay ở Nhật Bản.
Hàn Quốc ghi nhận số ca mắc COVID-19 thể nặng cao nhất trong 3 tháng
Số ca mắc mới COVID-19 ghi nhận ngày 12/8 tại Hàn Quốc đã giảm ngày thứ 2 liên tiếp, song số ca bệnh thể nặng ở mức cao nhất trong 3 tháng qua do một dòng phụ của biến thể Omicron dễ lây lan.
Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), nước này đã ghi nhận thêm 128.714 ca mắc mới COVID-19 (trong đó có 464 ca nhập cảnh), nâng tổng số ca bệnh lên 21.111.840 ca. Số ca mắc mới nghi nhận ngày 12/8 này giảm so với 137.241 ca ghi nhận ngày 11/8, song vẫn cao hơn so với 112.858 ca ghi nhận 1 tuần trước đó. Số ca bệnh thể nặng tăng từ 35 ca một ngày trước đó lên 453 ca, mức cao nhất kể từ ngày 24/5.
Hàn Quốc cũng ghi nhận thêm 58 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số lên 25.499 ca.
Tuy vậy, thông tin tích cực là Hàn Quốc ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 giảm trong ngày 13/8, tức ngày giảm thứ 3 liên tiếp. Tuy nhiên, đây vẫn là ngày thứ 5 con số này ở mức trên 100.000 ca/ngày.
Theo Cơ quan Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), nước này ghi nhận thêm 124.592 ca mắc COVID-19 trong ngày 13/8, giảm so với hơn 128.000 ca của ngày trước đó, nhưng vẫn cao hơn so với 110.632 ca của tuần trước.
Số ca mắc mới COVID-19 tiếp tục tăng ở Malaysia, Trung Quốc
Tình hình dịch COVID-19 đang có dấu hiệu diễn biến phức tạp ở Malaysia, Trung Quốc.
Bộ Y tế Malaysia thông báo nước này ghi nhận 4.896 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ tính đến 0h ngày 11/8, đưa tổng số ca mắc trên toàn quốc lên 4.719.394 ca. Trong số ca mắc mới có 2 ca nhập cảnh. Số ca tử vong vì COVID-19 cũng tăng thêm 12 ca, đưa tổng số lên 36.056 ca.
Ngoài ra, Malaysia có thêm 2.979 bệnh nhân COVID-19 hồi phục, nâng tổng số người được chữa khỏi và xuất viện lên 4.638.716 người. Hiện Malaysia còn 44.622 ca dương tính với COVID-19, trong đó 68 ca nặng phải chăm sóc đặc biệt và 37 ca cần được hỗ trợ thở. Cho đến nay, 86% dân số Malaysia đã tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19, 84,1% đã hoàn thành 2 mũi cơ bản, 49,6% đã tiêm mũi 3 và 1,2% đã tiêm mũi 4.
Ngày 11/8, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết Trung Quốc đại lục đã ghi nhận 614 ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng trong ngày 10/8, trong đó có 559 ca tại tỉnh Hải Nam (Hainan). Ngoài ra, có 1.379 ca mắc mới không triệu chứng.
Tổng cộng có 125 bệnh nhân COVID-19 đã xuất viện trong ngày 10/8, nâng tổng số bệnh nhân phục hồi tại Trung Quốc đại lục lên 224.112 người. Số ca tử vong do COVID-19 vẫn giữ nguyên ở mức 5.226 ca.
Thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) tiếp tục yêu cầu người dân xét nghiệm COVID-19 hằng tuần
Chính quyền Thượng Hải, thành phố đông dân nhất tại Trung Quốc, đã quyết định kéo dài thời gian áp dụng yêu cầu xét nghiệm COVID-19 hằng tuần và mở rộng chương trình xét nghiệm miễn phí đến cuối tháng 9.
Thông báo được chính quyền thành phố đưa ra ngày 13/8 nêu rõ những người dân không có kết quả xét nghiệm COVID-19 trong vòng 7 ngày sẽ được đưa vào nhóm "vàng", được yêu cầu hạn chế đến những địa điểm công cộng. Ngày 13/8, giới chức y tế Thượng Hải thông báo ghi nhận 1 ca mắc mới có triệu chứng và 3 ca không triệu chứng trong 24 giờ trước đó.
Hiện tỉnh Hải Nam ở miền Nam là vùng bùng phát dịch nghiêm trọng nhất tại Trung Quốc. Tỉnh này ngày 13/8 thông báo ghi nhận 594 ca bệnh có triệu chứng và 832 ca không có triệu chứng. Các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt và phong tỏa được áp dụng tại địa danh du lịch nổi tiếng này dự kiến sẽ kéo dài hết cuối tuần. Theo thống kê của Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC), cả nước ghi nhận tổng cộng 2.144 ca mắc mới COVID-19 trong ngày 12/8.
Thủ đô của Ấn Độ tái áp đặt quy định đeo khẩu trang để phòng chống dịch COVID-19
Thủ đô New Delhi của Ấn Độ sẽ tái áp đặt quy định đeo khẩu trang trong bối cảnh nước này đang đối mặt với số ca mắc COVID-19 tăng vọt trong 2 tuần qua.
Theo sắc lệnh của chính phủ, những người không đeo khẩu trang ở nơi công cộng tại thủ đô sẽ bị phạt 500 rupee (6 USD). Hiện nay, việc đeo khẩu trang thường không phổ biến ngay cả ở các trung tâm mua sắm và khu chợ đông đúc.
Ấn Độ đã chứng kiến số ca mắc COVID-19 tăng vọt trong thời gian gần đây. Trong 24 giờ qua, quốc gia Nam Á này đã ghi nhận 16.299 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca mắc lên 44,2 triệu người, trong khi số ca tử vong tăng 53 lên 526.879 người. Con số thực tế được cho là cao hơn nhiều lần. Riêng thủ đô New Delhi báo cáo 2.146 ca mắc mới và 8 ca tử vong trong 24 giờ qua, mức cao nhất trong số các bang và các vùng lãnh thổ liên bang của Ấn Độ.
Chính phủ Ấn Độ đang tập trung tăng tỷ lệ bao phủ mũi vaccine tăng cường như biện pháp phòng ngừa dịch hữu hiệu nhất. Các quan chức y tế Ấn Độ cho rằng số ca nhiễm mới gia tăng gần đây do người dân mất cảnh giác và không tuân theo các quy định về giãn cách xã hội. Chính quyền nhiều bang của Ấn Độ khuyến nghị người dân tuân theo quy định phòng chống dịch COVID-19 khi tham gia các sự kiện đông người.
Mỹ không còn khuyến nghị cách ly học sinh phơi nhiễm COVID-19
Trong hướng dẫn cập nhật công bố ngày 11/8, Trung tâm Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết cơ quan này không còn khuyến nghị thực hiện cách ly hoặc xét nghiệm tại các trường học hoặc nhà trẻ đối với những học sinh phơi nhiễm COVID-19.
CDC cũng cho biết cơ quan này không còn khuyến nghị những người chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19 cách ly sau khi phơi nhiễm vì khoảng 95% dân số Mỹ đã được tiêm phòng, hoặc đã mắc COVID-19, hoặc đã tiêm phòng và đã mắc bệnh.
Trong một tuyên bố, CDC nêu rõ: "Hướng dẫn này xác nhận rằng đại dịch vẫn chưa kết thúc, song cũng giúp chúng ta tiến tới một thời điểm mà dịch bệnh COVID-19 không còn gây gián đoạn nghiêm trọng cuộc sống hằng ngày của chúng ta".
CDC cho biết cơ quan này đã cập nhật khuyến cáo những người phơi nhiễm COVID-19 đeo khẩu trang chất lượng cao trong 10 ngày và xét nghiệm vào ngày thứ 5 sau khi phơi nhiễm, bất kể đã tiêm chủng hay chưa.
Phát biểu với báo giới, Tiến sĩ Massetti thuộc CDC nêu rõ cả những người đã từng mắc COVID-19 trước đó và những người đã tiêm chủng đều có khả năng phòng ngừa bệnh diễn tiến nặng ở một mức độ nào đó. Vì vậy, điều này quyết định cập nhật hướng dẫn của CDC không phân biệt các khuyến nghị dựa trên tình trạng tiêm chủng vào thời điểm này.
Hướng dẫn của CDC đối với trường học cũng dỡ bỏ khuyến nghị phân loại giữ trẻ em thành các nhóm để giảm khả năng phơi nhiễm. Mặc dù bỏ khuyến nghị xét nghiệm đối với các trường học, song CDC cho rằng các trường học có thể cân nhắc triển khai các biện pháp sàng lọc COVID-19 đối với các hoạt động có nguy cơ lây nhiễm cao như các môn thể thao có sự tiếp xúc gần hoặc vào những thời điểm quan trọng trong năm.
Australia đã trải qua giai đoạn đỉnh dịch COVID-19
Theo các chuyên gia lập mô hình bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Australia, nước này hiện đã trải qua giai đoạn “tồi tệ nhất” của đại dịch COVID-19 và các đợt lây nhiễm trong tương lai có thể sẽ chỉ xảy ra trên quy mô nhỏ hơn với tình trạng bệnh ít nghiêm trọng hơn.
Số liệu chính thức cho thấy số ca mắc mới COVID-19 ngày 9/8 ở Australia đã giảm gần 10.000 ca, xuống còn 26.746 ca trong tuần này so với 35.659 ca một tuần trước đó, trong khi số ca nhập viện liên quan đến COVID-19 cũng giảm gần 5.000 ca.
Chuyên gia lập mô hình hàng đầu của chính quyền bang New South Wales, James Wood cho rằng ít có khả năng Australia sẽ chứng kiến một làn sóng dịch bệnh nghiêm trọng khác trong năm nay. Theo chuyên gia này, tình huống có khả năng xảy ra nhất là có một biến thể khác phân nhánh ra khỏi biến thể Omicron và người dân sẽ có khả năng miễn dịch lai. Lúc đó dịch bệnh có thể bùng phát trở lại nhưng chỉ là các đợt sóng nhỏ hơn và ít ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể hơn.
Trong khi đó, một chuyên gia xây dựng mô hình các bệnh truyền nhiễm khác ở bang Victoria, ông Romain Ragonnet, cũng chia sẻ đánh giá trên nhưng cho rằng điều duy nhất mà ông lo ngại là sự xuất hiện của các biến thể mới.
Trước những lo ngại rằng khả năng né tránh miễn dịch vaccine của biến thể và biến thể phụ mới có thể dẫn đến những đợt dịch lớn bùng phát trở lại, đã có những bằng chứng mới về khả năng miễn dịch cao nhờ tiêm chủng cộng với sự lây nhiễm tự nhiên, giúp các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm ngày càng tin hơn vào khả năng người dân có thể tránh được các triệu chứng bệnh nặng trong thời gian tương đối dài.
Triều Tiên tuyên bố chiến thắng dịch COVID-19
Ngày 11/8, truyền thông nhà nước Triều Tiên đưa tin nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã tuyên bố chiến thắng trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 tại nước này. Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh Triều Tiên đã không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới nào trong suốt hơn 1 tuần qua.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn lời ông Kim Jong-un phát biểu trong kỳ họp của Quốc hội nước này khẳng định Triều Tiên đã chiến thắng trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 kể từ khi virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào lãnh thổ Triều Tiên, qua đó bảo vệ được sức khỏe và tính mạng của người dân.
Bên cạnh đó, ông Kim Jong-un cũng ra lệnh dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch ở cấp độ cao nhất, tuy nhiên cũng khẳng định Triều Tiên phải duy trì hàng rào chống dịch mạnh mẽ cho đến khi cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu này chấm dứt.
Hiện cơ quan phòng dịch của Triều Tiên vẫn tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp ngăn ngừa dịch lây lan, tăng cường sự liên thông, hỗ trợ và hợp tác giữa các ngành, lĩnh vực trong chiến dịch phòng dịch trên cả nước.
Ngày 12/5, Triều Tiên thông báo ca mắc COVID-19 đầu tiên và sau đó thực hiện phong tỏa toàn quốc. Số ca sốt được ghi nhận hàng ngày ở Triều Tiên đạt đỉnh vào ngày 15/5 với 392.920 ca, và đến ngày 29/7 thì không còn ghi nhận ca số nào.