Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Hàn Quốc (205.289 ca), Đức (169.454 ca) và Pháp (148.768 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Hàn Quốc (373 ca), Anh (347 ca) và Đức (336 ca).
Tính từ đầu đại dịch, Mỹ là quốc gia có tổng số ca mắc nhiều nhất thế giới với trên 82 triệu ca mắc COVID-19 và trên 1 triệu ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 43 triệu ca mắc và trên 521.000 ca tử vong. Đứng thứ ba là Brazil với trên 30 triệu ca mắc và trên 661.000 ca tử vong.
Australia ghi nhận các ca nhiễm biến thể Deltacron và Omicron tái tổ hợp
Các ca nhiễm biến thể Deltacron và Omicron tái tổ hợp đã được phát hiện ở bang New South Wales (NSW), Australia, trong khi các chuyên gia cho biết chưa có bằng chứng nào về việc các biến thể mới này của virus SARS-CoV-2 gây ra đại dịch COVID-19 tránh được vaccine hoặc gây bệnh nặng hơn.
Dữ liệu từ báo cáo COVID-19 hàng tuần của Bộ Y tế bang NSW cho thấy địa phương này đã ghi nhận hai ca được gọi là "tái tổ hợp", bao gồm một ca nhiễm Deltacron - kết hợp giữa hai biến thể Delta và Omicron - và một ca nhiễm kết hợp hai biến thể phụ BA.1 và BA.2 của Omicron .
Giới chức y tế Australia đang theo dõi các trường hợp tái tổ hợp xảy ra khi hai chủng virus riêng hợp nhất thành một chủng mới.
Theo Giáo sư Dominic Dwyer thuộc Bộ Y tế bang NSW, cần thực hiện thêm các xét nghiệm để xác định liệu phiên bản kết hợp của hai biến thể phụ BA.1 và BA.2 của Omicron được phát hiện ở bang NSW có phải là phiên bản XE đã được phát hiện ở Anh trong thời gian gần đây hay không, do có nhiều phiên bản tái tổ hợp khác đã được phát hiện trên khắp thế giới. Mặt khác, cũng cần có thêm thời gian để xem các phiên bản tái tổ hợp này có khả năng lây lan hay không hay chỉ xuất hiện một lần.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết biến thể XE có thể lây truyền nhiều hơn 10% so với Omicron.
Trong khi đó, Giáo sư William Rawlinson, một nhà virus học của Đại học NSW, cho biết những người bị nhiễm biến thể tái tổ hợp ở nước ngoài cho đến nay không có có các triệu chứng bệnh nghiêm trọng hơn.
Hiện biến thể phụ BA.2 mới của biến thể Omicron, hay còn gọi là biến thể “Omicron tàng hình", đang chiếm ưu thế ở bang NSW.
Báo cáo giám sát hàng tuần công bố hôm 2/4 cho biết 95% ca dương tính với COVID-19 được các phòng thí nghiệm bệnh lý của bang giải trình tự gien quyết là nhiễm BA.2.
CH Séc phát hiện ca nhiễm biến thể XE
Viện Y tế Công cộng CH Séc (SZÚ) thông báo việc thu giữ mẫu trong Phòng Thí nghiệm Tham chiếu Quốc gia (NRL) xác nhận sự xuất hiện của một biến thể XE, kết hợp của biến thể phụ BA.1 và BA.2 của Omicron dễ lây lan hơn 10% so với biến thể Omicron ban đầu.
Giám đốc NRL Helena Jiřincová cho biết một phụ nữ ở Praha đã đến xét nghiệm PCR một cách ngẫu nhiên, không do chỉ định của bác sĩ. Kết quả xét nghiệm cho thấy người này dương tính với biến thể XE.
Bà Helena Jiřincová nêu rõ: "Biến thể tái tổ hợp phát sinh khi một người bị nhiễm hai hoặc nhiều biến thể virus cùng một lúc, do đó truyền và trộn thông tin di truyền giữa các biến thể virus trong cơ thể vật chủ. Những đột biến như vậy đã xảy ra nhiều lần trong một đại dịch. Sự tái tổ hợp tương tự cũng xảy ra với các bệnh nhiễm virus khác, bao gồm cả bệnh cúm”.
Cho đến nay có khoảng 470 mẫu XE được xác nhận bằng giải trình tự toàn bộ gene từ 5 quốc gia trong cơ sở dữ liệu quốc tế, đặc biệt quan tâm đến việc điều tra chi tiết hơn về bộ gene của virus SARS-CoV-2. Phần lớn các mẫu đến từ Vương quốc Anh, 3 mẫu từ Mỹ và các mẫu từ Ireland, Đan Mạch và CH Séc.
Gần 50% trẻ em ở Hàn Quốc đã mắc COVID-19
Ngày 8/4, Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết đến nay, số ca mắc COVID-19 ở nhóm trẻ từ 0-9 tuổi là 1.846.489 ca, chiếm 49,9% dân số nhóm tuổi này. Số ca mắc ở thanh thiếu niên từ 10-19 tuổi là 1.991.775 ca, tương đương 42,4% dân số thuộc cùng nhóm tuổi.
KDCA cũng cho biết tỷ lệ mắc COVID-19 ở nhóm tuổi 20 là 32.195 ca/100.000 người, nhóm tuổi 30 là 32.453 ca/100.000 người, nhóm tuổi 40 là 28.070 ca, nhóm tuổi 50 là 20.709 ca, nhóm tuổi 60 là 20.379 ca, nhóm tuổi 70 và 80 lần lượt là 17.972 ca và 19.302 ca/100.000 người, xu hướng giảm dần theo độ tuổi.
Giới chức y tế Hàn Quốc giải thích trẻ nhỏ có tỷ lệ nhiễm bệnh cao do hệ miễn dịch yếu hơn so với các nhóm tuổi khác. Ngoài ra, đây là độ tuổi cần được chăm sóc nên gia đình và người thân thường xuyên tiếp xúc, mức độ tiếp xúc càng tăng khi trẻ đi nhà trẻ, mẫu giáo.
Làn sóng lây nhiễm COVID-19 ở Hàn Quốc đang có chiều hướng giảm mạnh và giới chức nước này đang cân nhắc hạ cấp độ dịch bệnh để quản lý theo mức độ thông thường.
KDCA cho biết số ca mắc mới COVID-19 ở Hàn Quốc trong ngày 8/4 là khoảng 200.000 ca, đánh dấu ngày thứ tư liên tiếp ở mức này trong bối cảnh chính quyền nới lỏng thêm nhiều quy định về giãn cách trong phòng dịch. Theo đó, Hàn Quốc ghi nhận 205.333 ca mắc mới, trong đó có 31 ca nhập cảnh, nâng tổng số ca mắc kể từ đầu dịch lên 14.983.694 ca.
Cơ quan y tế Hàn Quốc cũng thông báo thêm 373 ca tử vong do COVID-19 trong ngày, nâng tổng số ca tử vong vì dịch bệnh lên 18.754 ca. Tỷ lệ tử vong là 0,13%. Số bệnh nhân nặng hiện đang điều trị là 1.093 người.
Thái Lan chưa bỏ yêu cầu xét nghiệm RT-PCR đối với khách nước ngoài
Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 của Chính phủ Thái Lan (CCSA) đã lùi thời hạn đưa ra quyết định ngừng yêu cầu du khách nước ngoài nhập cảnh phải có xét nghiệm COVID-19 bằng phương pháp RT-PCR cho tới sau kỳ nghỉ Tết cổ truyền Songkran từ 13-15/4.
CCSA triệu tập cuộc họp ngày 8/4 chủ yếu nhằm xem xét đề xuất của Bộ Y tế Thái Lan, trong đó nhắc lại đề nghị của các nhà điều hành du lịch và khách sạn về việc chấm dứt xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR đối với du khách nước ngoài nhằm khôi phục ngành du lịch đang chịu ảnh hưởng nặng nề do đại dịch. CCSA cho biết việc nới lỏng hơn nữa các hạn chế để hỗ trợ ngành "công nghiệp không khói" đang gặp khó khăn sẽ phụ thuộc vào đánh giá về tình hình COVID-19 sau kỳ nghỉ lễ Songkran kéo dài vào tuần tới.
Phát biểu sau cuộc họp do Thủ tướng Prayut Chan-o-cha chủ trì, người phát ngôn CCSA, ông Taweesilp Wisanuyothin, nêu rõ trung tâm này đã nhất trí trên nguyên tắc cần triển khai các biện pháp thân thiện hơn nhằm thu hút khách du lịch, nhưng chưa thông qua tại cuộc họp ngày 8/4 các biện pháp dự kiến sẽ được áp dụng vào tháng 5 tới.
Theo ông Taweesilp, Thủ tướng Prayut muốn đánh giá tình hình lây nhiễm sau kỳ nghỉ Songkran. Ngoài ra, tỷ lệ lây nhiễm trong du khách nhập cảnh Thái Lan từ đầu tháng này cũng là một yếu tố sẽ được cân nhắc.
Kể từ ngày 1/4 vừa qua, du khách nước ngoài đến Thái Lan bằng đường hàng không đã được miễn xét nghiệm RT-PCR trước khi khởi hành, nhưng vẫn phải thực hiện xét nghiệm bằng phương pháp này sau khi nhập cảnh. CCSA cho biết khoảng 470.000 lượt khách nước ngoài đã đến Thái Lan trong quý đầu tiên của năm nay, vượt qua tổng số 420.000 lượt của năm ngoái.
Người phát ngôn CCSA thừa nhận các biện pháp hiện nay không cho phép Thái Lan cạnh tranh với những nước khác cũng đang dựa vào chi tiêu của du khách nước ngoài. Ông Taweesilp cho biết cuộc họp toàn thể tiếp theo của CCSA sau kỳ nghỉ Songkran sẽ quyết định thời điểm dỡ bỏ thêm những hạn chế. Những thay đổi dự kiến được lên kế hoạch cho tháng tới bao gồm đơn giản hóa các thủ tục đăng ký thẻ nhập cảnh Thái Lan (Thailand Pass), thời gian cách ly ngắn hơn và giảm yêu cầu hạn mức chi trả bảo hiểm y tế.
Về tình hình dịch COVID-19 ở Thái Lan, số liệu cập nhật sáng 8/4 cho thấy trong 24 giờ qua, quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận thêm 25.140 ca mắc mới và 89 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số các ca mắc từ đầu dịch tới nay lên 3.833.048 ca, trong đó có 25.877 ca tử vong.
Trước đó, Bộ Y tế Thái Lan dự báo số ca mắc mới COVID-19 hằng ngày có thể lên tới 50.000 vào ngày 19/4, bốn ngày sau lễ Songkran, nếu các các biện pháp phòng dịch bổ sung không được thực hiện.
Ấn Độ tiêm mũi tăng cường cho toàn bộ dân số trưởng thành
Ngày 8/4, Chính phủ Ấn Độ thông báo sẽ tiêm mũi tăng cường cho toàn bộ người dân trên 18 tuổi, khoảng 9 tháng sau khi họ tiêm mũi 2 vaccine ngừa COVID-19.
Thông báo của chính phủ nêu rõ việc tiêm mũi tăng cường sẽ được triển khai từ ngày 10/4 và được thực hiện qua các trung tâm tiêm chủng tư nhân. Cho đến nay, mới chỉ có các nhân viên tuyến đầu và những người trên 60 tuổi mới được tiêm mũi tăng cường tại Ấn Độ.
Thượng Hải (Trung Quốc) nâng cấp hạ tầng cơ sở y tế chống dịch COVID-19
Ngày 8/4, giới chức thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) khẳng định chính quyền đang và sẽ tiếp tục xây dựng thêm các bệnh viện dã chiến nhằm tăng cường năng lực điều trị COVID-19 cho bệnh nhân trong bối cảnh làn sóng dịch do biến thể Omicron lan rộng tại đây.
Theo đó, 4 bệnh viện dã chiến cấp thành phố, trong đó có 3 bệnh viện tại quận Phố Đông, đã được đưa vào sử dụng trong ngày 8/4. Với tổng diện tích 500.000 m2, 4 bệnh viện dã chiến trên có khả năng cung cấp 38.000 giường bệnh. Một bệnh viện dã chiến đang được hoàn thiện tại Trung tâm hội nghị và triển lãm quốc gia sẽ bắt đầu hoạt động vào ngày 9/4. Được xây dựng trên diện tích gần 600.000 m2 với công suất 50.000 giường, đây sẽ là cơ sở y tế dã chiến lớn nhất tại Thượng Hải.
Theo công ty viễn thông China Telecom chi nhánh Thượng Hải, bệnh viện dã chiến tại Trung tâm hội nghị và triển lãm quốc gia sẽ được trang bị mạng 4G, 5G, dịch vụ băng thông rộng cáp quang và WiFi, qua đó cho phép các robot khử trùng và giao hàng hoạt động hỗ trợ nhân viên y tế. Hiện các bệnh viện dã chiến tại Thượng Hải có tổng công suất là 21.000 giường bệnh và thành phố đang xây dựng thêm nhiều bệnh viện khác với công suất 20.000 giường bệnh.
Ngày 7/4, Thượng Hải ghi nhận 824 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 20.398 ca mắc không triệu chứng.
Đức lo ngại làn sóng lây nhiễm mới
Tại Đức, Bộ trưởng Y tế Karl Lauterbach cho rằng dự thảo yêu cầu tiêm phòng COVID-19 cho người lớn tuổi không thông qua được có nguy cơ dẫn đến làn sóng lây nhiễm mới vào mùa Thu và nước này khó có khả năng nới lỏng thêm các biện pháp hạn chế.
Trả lời phỏng vấn, Bộ trưởng Lauterbach nhấn mạnh ông sẽ tiếp tục nỗ lực để ban hành quy định tiêm phòng bắt buộc. Tuyên bố này được đưa ra một ngày sau khi Quốc hội Đức đã bác đề xuất bắt buộc những người trên 60 tuổi phải tiêm vaccine ngừa COVID-19. Đây có thể coi là một thất bại đối với Thủ tướng Olaf Scholz - người ủng hộ mạnh mẽ dự luật này - và Bộ trưởng Y tế Lauterbach.
Trước cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội, Bộ trưởng Lauterbach đã kêu gọi liên đảng CDU/CSU ủng hộ để cuộc chiến chống đại dịch đạt kết quả tốt hơn. Theo ông, quy định tiêm chủng bắt buộc sẽ giúp tăng tốc chiến dịch tiêm chủng đang khá chậm chạp hiện nay. Bộ trưởng cũng bác bỏ quan điểm rằng tiêm chủng bắt buộc là không cần thiết vì biến thể Omicron ít nguy hiểm hơn. Ông khẳng định biến thể Omicron gây bệnh nhẹ hơn vì nhiều người đã được tiêm chủng, trong khi thực tế vẫn có "200 đến 300 người tử vong mỗi ngày". Tiêm chủng bắt buộc sẽ ngăn ngừa 90% trường hợp tử vong.
WHO: Hơn 2/3 dân số châu Phi có thể đã mắc COVID-19
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố ngày 7/4, hơn 2/3 dân số ở châu Phi có thể đã mắc COVID-19, cao hơn khoảng 97 lần so với con số công bố chính thức.
Các xét nghiệm thực hiện tại phòng thí nghiệm đã phát hiện 11,5 triệu ca mắc COVID-19 và 252.000 ca tử vong trên toàn lục địa Đen. Theo báo cáo, tính đến tháng 9/2021, khoảng 800 triệu người tại châu lục này có thể đã mắc COVID-19.
Giám đốc WHO khu vực châu Phi, bà Matshidiso Moeti cho biết nghiên cứu này vẫn đang cần được giới chuyên gia đánh giá, cho thấy con số mắc COVID-19 được các nước công bố chính thức có thể chỉ là một phần rất nhỏ trong quy mô lây nhiễm thực tế. Bà cho biết nghiên cứu cho thấy số ca mắc COVID-19 thực sự tại châu Phi có thể cao hơn tới 97 lần so với con số công bố. Điều này cho thấy hơn 2/3 dân số châu Phi đã mắc COVID-19.
Báo cáo của WHO đã phân tích hơn 150 nghiên cứu đăng tải từ tháng 1/2020 đến tháng 10/2021. Kết quả cho thấy số ca mắc đã tăng từ chỉ 3% vào tháng 6/2020 lên tới 65% đến tháng 9/2021. Bà Moeti nói: "Điều này cho thấy đến tháng 9/2021, số ca mắc COVID-19 thực sự là 800 triệu người chứ không phải 8,2 triệu người như đã được công bố".
Do việc tiếp cận các cơ sở xét nghiệm tại châu Phi bị hạn chế, nên nhiều ca nhiễm không được phát hiện bởi các xét nghiệm chủ yếu được thực hiện ở bệnh viện đối với các bệnh nhân có biểu hiện triệu chứng và những du khách cần có kết quả xét nghiệm PCR âm tính.
Theo bà Moeti, việc đưa ra con số chính xác về số ca mắc ở châu lục này là khó khăn bởi 67% người dân châu lục này mắc bệnh mà không có biểu hiện triệu chứng.
WHO hồi năm ngoái cảnh báo rằng cứ 7 ca mắc COVID-19 ở châu Phi thì có 6 ca không phát hiện được. Phần lớn số ca mắc được ghi nhận ở Nam Phi, với hơn 3,7 triệu ca. Thậm chí, số ca tử vong do COVID-19 mà Nam Phi công bố được cho là thấp hơn nhiều so với số ca tử vong thực sự. Theo dữ liệu mới nhất của Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Nam Phi, số ca tử vong thực sự ở Nam Phi có thể là 303.969 ca từ ngày 3/5/2020 đến ngày 2/4/2022, tăng gấp ba so với con số công bố là 100.075 ca từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này.