Chính sách 'zero COVID-19' của Trung Quốc đánh đổi 'cái giá không rẻ'

Làn sóng lây nhiễm mới dịch COVID-19 lan rộng ở Thượng Hải, khiến thành phố này phải thực hiện các quy định phong tỏa xã hội, đang dần làm tắc nghẽn chuỗi cung ứng của Trung Quốc. Sự đình trệ mọi hoạt động của cuộc sống tại Thượng Hải đang ảnh hưởng đến một trong những cảng container bận rộn nhất thế giới.

Chú thích ảnh
Chốt chặn được dựng trên một tuyến đường ở Thượng Hải, Trung Quốc khi lệnh phong tỏa phòng chống dịch COVID-19 được siết chặt, ngày 28/3/2022. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Chính phủ Trung Quốc đã quyết tâm không từ bỏ chính sách "zero COVID-19" nghiêm ngặt của mình nhằm bảo vệ hệ thống y tế công trước đại dịch COVID-19, song nền kinh tế Trung Quốc đang phải trả một cái giá "không rẻ" cho điều này. 

Thượng Hải, một trung tâm tài chính lớn của Trung Quốc, nơi có các công ty đa quốc gia và bến cảng hàng hóa bận rộn bậc nhất thế giới, đã bị phong tỏa gần như hoàn toàn trong một tuần sau khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh mẽ do biến thể Omicron và vẫn chưa thông báo khi nào các hạn chế sẽ được dỡ bỏ. Điều đó đã buộc nhiều công ty phải tạm dừng sản xuất và làm chậm các dự án mới.

Bettina Schoen-Behanzin, một quan chức của Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc, ước tính khối lượng vận chuyển hàng hóa tại cảng Thượng Hải đã giảm khoảng 40% so với tuần trước.

Bà Schoen-Behanzin lưu ý mặc dù cảng Thượng Hải đang hoạt động như bình thường về mặt kỹ thuật, song công tác hậu cần vẫn phải đối mặt với những thách thức từ tình trạng thiếu hụt tài xế xe tải. Theo bà Schoen-Behanzin, người dân Thượng Hải đang đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nguồn cung hàng hóa, lệnh phong tỏa liên tục và nỗi lo bị đưa đến các trung tâm cách ly.

Tình trạng thiếu hụt hàng hóa đang bắt đầu đeo bám nền kinh tế tiêu dùng rộng lớn của Trung Quốc, nơi các nền tảng mua sắm trực tuyến như Taobao phải đối mặt với sự chậm trễ trong việc giao hàng, đặc biệt là hàng hóa nhập khẩu.

Tác động của tình trạng này tới các nước bên ngoài Trung Quốc có thể sớm được cảm nhận nếu lệnh phong tỏa vẫn tiếp diễn. Cảng container tại Thượng Hải có quy mô lớn nhất thế giới, điểm quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu và là cửa ngõ quan trọng cho ngoại thương của Trung Quốc. Cảng này xử lý khoảng 17% tổng lượng hàng hóa của Trung Quốc và đạt khối lượng vận chuyển 47 triệu TEU vào năm 2021.

Các nhà sản xuất Trung Quốc cho biết, việc phong tỏa xã hội, bất kể linh hoạt hoặc vì mục đích cụ thể nào, đều gây áp lực lên công việc kinh doanh của họ.

Jason Lee, người sáng lập của nhà sản xuất xe lăn Megalicht Tech, có nhà máy ở khu Puxi của Thượng Hải, đã phải đình chỉ sản xuất. Một nhà xuất khẩu quần áo có trụ sở tại Thượng Hải cho biết vấn đề khó khăn lớn nhất là không thể gửi mẫu cho khách hàng.

Trong khi đó, các chuyên gia cho biết, đợt bùng phát COVID-19 mới hiện đang tiếp tục diễn biến phức tạp, nhưng có thể sớm đạt đỉnh. Các nhà kinh tế của tập đoàn tài chính Nomura (Nhật Bản) ước tính rằng, 23 thành phố đóng góp 22% GDP của Trung Quốc đã ngừng hoạt động toàn bộ hoặc một phần. Chi phí của chính sách zero COVID-19 sẽ tăng lên đáng kể khi nguồn lợi giảm sút, đặc biệt là khi xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi các đợt phong tỏa đang diễn ra.

Nhà kinh tế trưởng Lu Ting của Nomura lưu ý, điều đó sẽ thách thức mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 5,5% của Trung Quốc trong năm 2022.

Trong khi đó, theo nhà kinh tế Trung Quốc thuộc Cơ quan Tình báo Kinh tế (EIU) Xu Tianchen, gián đoạn chuỗi cung ứng ngắn hạn sẽ tác động đến nền kinh tế Trung Quốc nói chung. Ông nói: "Cũng sẽ có những tác động ở những nơi khác bởi có sự liên kết giữa thành phố Thượng Hải và các vùng khác của Trung Quốc, nhất là trung tâm chế tạo vùng đồng bằng sông Dương Tử".

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 4/4/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Ở cấp địa phương, Thượng Hải, vốn nổi tiếng là "điểm đến" của các tập đoàn thời trang nổi tiếng thế giới như Gucci và Louis Vuittons, đã ghi nhận chi tiêu tiêu dùng giảm. Theo ông Xu Tianchen, hoạt động kinh doanh của các nhà bán lẻ, khách sạn và nhà hàng bị ảnh hưởng do lệnh phong tỏa có thể khiến GDP hàng năm của Thượng Hải trực tiếp giảm 3,7%.  

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Trung Quốc tại công ty NatWest Markets, Peiqian Liu, các dữ liệu về chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) công bố cuối tuần trước cho thấy cả ngành chế tạo và dịch vụ của Trung Quốc trong tháng Ba đã bị ảnh hưởng nặng nề, dù chưa tính tới tác động từ lệnh phong tỏa tại Thượng Hải. Bà dự báo, tác động này sẽ gây thêm áp lực cho tăng trưởng GDP trong quý I và II năm nay của Trung Quốc.

Chuyên gia Peiqian Liu cho biết Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra một loạt chính sách nới lỏng về tài khóa và tiền tệ nhằm ổn định đà tăng trưởng trong nước cũng như đảm bảo chuỗi cung ứng nhằm giảm thiểu tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu về ngắn hạn. Trong khi đó, ở Thượng Hải, một số công ty đã quyết định đóng cửa trong thời gian phong tỏa, trong khi những công ty khác trong các ngành như dịch vụ tài chính và sản xuất ô tô lại áp dụng biện pháp cho nhân viên ở và làm việc ngay tại văn phòng hoặc nhà máy.

Tuy nhiên, ông Xu Tianchen cho rằng những biện pháp trên không thể duy trì lâu dài. Ông nói: "Có lo ngại cho rằng nếu các lệnh phong tỏa bị kéo dài và tình trạng gián đoạn giao thông vận tải và chuỗi cung ứng tiếp diễn, các doanh nghiệp sẽ không thể tiếp cận nguồn cung".

Trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tiếp tục gia tăng, các nhà kinh tế dự báo nền kinh tế Trung Quốc sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn nữa nếu có thêm các đợt phong tỏa, trong đó các doanh nghiệp nhỏ sẽ chịu nhiều tác động nhất.

Hiện tại, các doanh nghiệp đang thích nghi để tồn tại và ứng phó với các hạn chế. Gao Yongkang, Tổng giám đốc của công ty Qifeng Technology tại thành phố Tuyền Châu, miền Đông Trung Quốc, cho biết: “Hoạt động kinh doanh chủ chốt của chúng tôi đã giảm hơn 50%”.

Công ty này đã không thể vận chuyển nguyên phụ liệu dệt may thường xuyên cho khách hàng bởi các hạn chế liên quan tới đại dịch COVID-19 và thay vào đó đã xoay chiều để cung cấp thị trường đồ bảo hộ y tế đang tăng trưởng mạnh mẽ. Trong khi đó, những khách hàng không thể tiếp cận các nhà cung cấp ban đầu của họ đang tìm kiếm những nguồn cung mới.

Chia sẻ với các ngành đang gặp khó khăn, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trong tuần này đã công bố việc tạm hoãn đóng phí bảo hiểm cho các lĩnh vực như phục vụ ăn uống, bán lẻ và hàng không dân dụng. Tuy nhiên, các nhóm ngành công nghiệp cho biết, việc phong tỏa hoàn toàn tại các thành phố lớn như Thượng Hải là không bền vững, đặc biệt với bối cảnh biến thể Omicron chỉ gây triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng.

Eric Zheng, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải đặt câu hỏi: Liệu chính sách zero-COVID có còn hiệu quả trong tình hình hiện tại không. Đó thực sự là một câu hỏi lớn, đặc biệt khi một quốc gia đang phải cố gắng cân bằng nhiệm vụ "kép" là phòng chống dịch bệnh và duy trì tăng trưởng kinh tế.

Minh Trang/TTXVN ( Theo AFP)
‘Zero-Covid’ tại Trung Quốc thời Omicron tạo nguy cơ lớn hơn với chuỗi cung
‘Zero-Covid’ tại Trung Quốc thời Omicron tạo nguy cơ lớn hơn với chuỗi cung

Chính sách "Zero-Covid" (Không COVID) của Trung Quốc gây thách thức với các nhà sản xuất và chuỗi cung tứng toàn cầu, khi các lệnh phong tỏa, hạn chế nhằm chặn Omicron đang tạo ra những đứt gãy mạnh hơn so với các làn sóng trước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN