Toàn thế giới đã ghi nhận trên 496,9 triệu ca mắc COVID-19

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h00 ngày 8/4 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 496.914.359 ca mắc COVID-19, trong đó có 6.196.711 ca tử vong. Số bệnh nhân đã bình phục là 432.549.459 người, trong khi vẫn còn 54.468 bệnh nhân đang phải điều trị tích cực.

Chú thích ảnh
Hành khách tới làm thủ tục tại sân bay Narita, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Mỹ vẫn là nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, đến nay ghi nhận 81.988.278 ca mắc và 1.011.096 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai về số ca nhiễm (trên 43 triệu ca), trong khi Brazil đứng thứ hai về số ca tử vong (661.035 ca). 

Châu Âu là khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất với trên 182,9 triệu ca mắc, trong đó có trên 1,7 triệu ca tử vong. Châu Á đứng thứ hai với trên 142,9 triệu ca mắc và trên 1,4 triệu ca tử vong. Khu vực Bắc Mỹ đã ghi nhận trên 96,9 triệu ca mắc và trên 1,4 triệu ca tử vong, trong khi các con số này ở Nam Mỹ hiện là trên 56,3 triệu ca mắc và trên 1,2 triệu ca tử vong.

Kể từ ngày 8/4, Nhật Bản bắt đầu dỡ bỏ lệnh cấm nhập cảnh đối với những người nước ngoài chưa có tư cách cư trú đến từ 106 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây là một phần trong nỗ lực của Chính phủ Nhật Bản nhằm nới lỏng các biện pháp kiểm soát biên giới và bình thường hóa các hoạt động kinh tế - xã hội.

Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết trong số 106 quốc gia và vùng lãnh thổ trên, châu Á có Bangladesh, Bhutan, Campuchia, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Maldives, Mông Cổ, Myanmar, Nepal, Pakistan, Philippines, Sri Lanka, Thái Lan và Timor Leste. Như vậy, cho tới thời điểm này, gần như tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á không còn nằm trong danh sách từ chối cấp phép nhập cảnh của Nhật Bản, ngoại trừ Afghanistan, Iraq, Liban và Palestine.

Cũng từ ngày 8/4, Nhật Bản tạm dừng các biện pháp miễn thị thực cho công dân đến từ 14 quốc gia và vùng lãnh thổ, gồm Albania, Bolivia, Brazil, Canada, Chile, Ecuador, Mauritius, Montenegro, Maroc, Bắc Macedonia, Panama, Serbia, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ. Tuy nhiên, nước này vẫn tiếp tục đình chỉ hiệu lực của các thị thực đã cấp cho các công dân của 106 quốc gia và vùng lãnh thổ trên trước ngày 2/12/2021, ngoại trừ các nhà ngoại giao, vợ/chồng và con cái của công dân Nhật Bản và những người vĩnh trú cùng với một số trường hợp ngoại lệ khác. Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng chưa dỡ bỏ lệnh cấm nhập cảnh cho những người nước ngoài đến từ 106 quốc gia/vùng lãnh thổ trên tới nước này với mục đích du lịch.

Trong khi đó, Chính phủ Ấn Độ thông báo sẽ triển khai tiêm mũi tăng cường cho toàn bộ người dân trên 18 tuổi, khoảng 9 tháng sau khi họ tiêm mũi thứ 2 của vaccine ngừa COVID-19. Cụ thể, việc tiêm mũi tăng cường sẽ được triển khai từ ngày 10/4 và được thực hiện qua các trung tâm tiêm chủng tư nhân. Cho đến nay, mới chỉ có các nhân viên tuyến đầu và những người trên 60 tuổi mới được tiêm mũi tăng cường tại Ấn Độ.

Chính quyền Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) cũng đã bắt đầu triển khai tiêm mũi vaccine thứ tư ngừa COVID-19 cho người trên 60 tuổi -  theo khuyến nghị của giới chuyên gia. Từ ngày 8/4, những người trên 60 tuổi đã tiêm mũi vaccine thứ 3 ít nhất 3 tháng có thể tiêm mũi thứ 4 tại các trung tâm tiêm chủng. Chính quyền Hong Kong đưa ra quyết định trên trong bối cảnh 90% trường hợp tử vong trong làn sóng dịch thứ 5 ở đặc khu này là người trên 60 tuổi và hầu hết chưa tiêm vaccine. 

Theo Cục trưởng Cục Y tế và vệ sinh thực phẩm Hong Kong - bà Trần Triệu Thủy, hiện chưa cần triển khai tiêm mũi thứ 4 cho toàn dân, nhưng ít nhất phải tiêm mũi thứ 3. Bà cũng dẫn các số liệu thống kê cho biết mũi tiêm thứ 3 có tác dụng rõ rệt trong việc ngăn ngừa bệnh trở nặng sau khi lây nhiễm và tỷ lệ tử vong ở những người đã tiêm 3 hoặc 2 mũi vaccine thấp hơn nhiều so với không tiêm vaccine. Trong số những bệnh nhân COVID-19 ở thể nặng và nguy kịch tại Hong Kong, có tới 59% số trường hợp là người không tiêm vaccine, 23% là người đã tiêm 1 mũi, 15% tiêm 2 mũi và chỉ 3% tiêm mũi thứ 3.

Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết hơn 2/3 dân số ở châu Phi có thể đã mắc COVID-19, cao hơn khoảng 97 lần so với con số công bố chính thức. Các xét nghiệm thực hiện tại phòng thí nghiệm đã phát hiện 11,5 triệu ca mắc COVID-19 và 252.000 ca tử vong trên toàn châu lục này.

Do việc tiếp cận các cơ sở xét nghiệm tại châu Phi bị hạn chế, nên nhiều ca nhiễm không được phát hiện. Các xét nghiệm chủ yếu được thực hiện ở bệnh viện đối với các bệnh nhân có biểu hiện triệu chứng và những du khách cần có kết quả xét nghiệm PCR âm tính, trong khi đó có tới 67% người dân châu Phi mắc bệnh mà không có biểu hiện triệu chứng.

Thanh Phương (TTXVN)
Gần 50% số trẻ em ở Hàn Quốc đã mắc COVID-19
Gần 50% số trẻ em ở Hàn Quốc đã mắc COVID-19

Ngày 8/4, Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết đến nay, số ca mắc COVID-19 ở nhóm trẻ từ 0-9 tuổi là 1.846.489 ca, chiếm 49,9% dân số nhóm tuổi này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN