Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Hàn Quốc (219.241 ca), Đức (198.457 ca) và Nga (97.455 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Nga (784 ca), Mỹ (589 ca) và Indonesia (376 ca).
Tính từ đầu đại dịch, Mỹ là quốc gia có tổng số ca mắc nhiều nhất thế giới với trên 80,7 triệu ca mắc COVID-19 và trên 978.000 ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 42,9 triệu ca mắc và trên 514.000 ca tử vong. Đứng thứ ba là Brazil với trên 28,8 triệu ca mắc và trên 650.000 ca tử vong.
Trong bối cảnh biến thể Omicron lan rộng, một nhóm nhà nghiên cứu của Anh mới đây đã xem xét tỷ lệ tử vong của người nhiễm Omicron và người nhiễm Delta. Nghiên cứu được tổng hợp từ dữ liệu của 1.035.163 bệnh nhân COVID-19 tại Anh giai đoạn từ 1/12/2021 đến 31/12/2021 cho thấy nguy cơ tử vong ở người nhiễm Omicron thấp hơn người nhiễm Delta từ 67 đến 78%.
Ngoài ra, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng nguy cơ tử vong ở người mắc COVID-19 nói chung ở nhóm người trong độ tuổi từ 18 đến 69 tuổi cũng thấp hơn so với nhóm tuổi từ 70 trở lên. Nguy cơ tử vong do COVID-19 cũng giảm rõ rệt ở nam giới so với nữ giới.
Các nhà nghiên cứu đưa ra kết luận nguy cơ nhập viện và tử vong ở bệnh nhân COVID-19 do nhiễm Omicron thấp hơn so với Delta. Đây cũng là nghiên cứu đầu tiên đánh giá các trường hợp tử vong do COVID-19 được chứng nhận để xác định chính xác các ca tử vong liên quan đến COVID-19.
Hàn Quốc ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 cao kỷ lục
Ngày 2/3, Hàn Quốc thông báo ghi nhận 219.241 ca mắc COVID-19 mới trong 24 giờ qua - mức cao chưa từng thấy kể từ khi đại dịch COVID-19 tấn công nước này vào đầu năm 2020. Đây cũng là ngày đầu tiên, số ca mắc mới trong một ngày tại Hàn Quốc vượt 200.000 ca.
Theo quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), số ca mắc mới tại Hàn Quốc trong ngày 2/3 đã tăng vọt so với tổng số ca 138.993 ghi nhận ngày trước đó. Khu vực thủ đô Seoul chiếm số đông các ca nhiễm mới do sự lây lan của biến thể Omicron, với 46.932 ca. Tỉnh Gyeonggi là địa phương của Hàn Quốc có số ca nhiễm mới cao nhất, 68.622 ca.
Số ca nhiễm mới tại Australia có xu hướng tăng nhanh
Bang New South Wales của Australia ngày 2/3 ghi nhận số người mắc COVID-19 trong ngày vượt 10.000 ca, sau hơn hai tuần luôn giữ ở mức thấp hơn.
Thông báo của cơ quan y tế bang New South Wales cho biết, trong 24 giờ qua, địa phương đông dân nhất Australia có 10.650 ca nhiễm bệnh COVID-19, cao hơn 1.776 ca so với ngày hôm trước và gần gấp 2 lần so với ngày 28/2. Hiện 1.072 người nhiễm virus SAR-CoV-2 đang được điều trị tại các bệnh viện ở bang và 45 người trong số đó đang được chăm sóc đặc biệt.
Cùng ngày, số ca nhiễm SARS-CoV-2 tại thủ đô Canberra cũng ghi nhận con số kỷ lục mới, tính từ giữa tháng 1/2022, với 1.053 người/ngày. Trong khi đó, bang Victoria có 7.126 ca nhiễm mới và 28 ca tử vong.
Vào tối 2/3, Thủ tướng Australia Scott Morrison thông báo ông có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19. Ông Morrison cho biết sẽ thực hiện cách ly tại nhà riêng ở thành phố Sydney theo quy định hiện hành. Trong thời gian cách ly, Thủ tướng Australia vẫn sẽ làm việc trực tuyến để xử lý các công việc của đất nước.
Australia chính thức mở cửa biên giới quốc tế cho mọi du khách kể từ ngày 21/2. Trong vòng một tuần sau khi mở cửa biên giới, số ca nhiễm bệnh COVID-19 của nước này vẫn tiếp tục ghi nhận mức sụt giảm kéo dài vài tuần qua, tại hầu hết các địa phương trong cả nước.
Tính đến hết ngày 28/2, đã có 93,59% người dân Australia hoàn thành chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cơ bản và 52,72% người tiêm liều vaccine tăng cường.
"Omicron tàng hình” hiện là biến thể nổi trội ở Anh
Theo Cơ quan An ninh y tế Vương quốc Anh (UKHSA), dòng phụ của biến thể Omicron (BA.2) là nguyên nhân gây ra 52% các trường hợp mắc COVID-19 ở Anh.
Các chuyên gia y tế cho biết đột biến virus SARS-CoV-2 mới được gọi là “Omicron tàng hình” hiện là biến thể nổi trội ở Anh. Đầu tháng trước, BA.2 chỉ chiếm 19% số trường hợp nhiễm ở Anh.
Theo UKHSA, BA.2 dễ lây lan hơn biến thể Omicron dòng chính. Một nghiên cứu của Nhật Bản cho thấy biến thể này có thể gây ra bệnh nặng hơn ở những động vật không có khả năng miễn dịch. Cũng có những lo ngại rằng biến thể BA.2 có thể né tránh vaccine và hệ miễn dịch của con người. Nhưng không có bằng chứng cho thấy BA.2 đang gây ra bệnh nghiêm trọng hơn ở người.
Theo dữ liệu mới nhất của Chính phủ Anh, nước này có 91,5% dân số trên 12 tuổi đã tiêm ít một mũi vaccine, 85,2% đã tiêm ít nhất hai mũi và 66,4% đã tiêm liều thứ ba hoặc tiêm nhắc lại.
Tổng thống Joe Biden thông báo khởi động sáng kiến mới chống dịch COVID-19
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 1/3 thông báo chính quyền của ông sẽ khởi động một sáng kiến mới, theo đó cho phép người dân Mỹ nhận thuốc điều trị miễn phí sau khi có xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
Sáng kiến mang tên "Xét nghiệm để điều trị", được ông Biden đưa ra trong Thông điệp Liên bang 2022 trình bày trước hai viện Quốc hội Mỹ sáng 2/3 (giờ Việt Nam). Ông Biden cho biết Mỹ đã đặt mua thêm thuốc kháng virus nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới và hãng Pfizer sẽ cung cấp cho Mỹ 1 triệu viên thuốc điều trị trong tháng 3 và sẽ gấp đôi con số đó vào tháng 4. Ông nhấn mạnh rằng thuốc viên điều trị của hãng Pfizer giúp giảm 90% nguy cơ nhập viện.
Tổng thống Biden ghi nhận tiến bộ mà nước Mỹ đã đạt được trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, song kêu gọi người Mỹ nên chuẩn bị sẵn sàng trước nguy cơ xuất hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Ông nói: "Tôi không thể bảo đảm rằng không xuất hiện biến thể mới, nhưng tôi cam kết sẽ làm mọi cách trong khả năng để sẵn sàng cho tình huống mới". Ông cũng cho biết Mỹ có thể triển khai các loại vaccine mới trong vòng 100 ngày thay vì vài tháng hay nhiều năm.
Trước đó, Nhà Trắng ra tuyên bố cho biết chính quyền Tổng thống Biden sẽ thông báo một kế hoạch quốc gia sẵn sàng ứng phó với COVID-19, trong đó vạch ra cách thức "thoát khỏi đại dịch một cách an toàn và trở lại cuộc sống bình thường hơn". Nhà Trắng cũng cho biết từ ngày 1/3 sẽ dỡ bỏ yêu cầu đeo khẩu trang với những người đã tiêm đủ mũi vaccine cơ bản trong khuôn viên Nhà Trắng. Nhà Trắng cũng khuyến nghị các cơ quan liên bang có thể dỡ bỏ các yêu cầu này đối với nhân viên và khách đến các tòa nhà liên bang trên cả nước.
Indonesia đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vaccine
Người phát ngôn Bộ Y tế Indonesia Siti Nadia Tarmizi ngày 2/3 cho biết quốc gia Đông Nam Á đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 trong bối cảnh có tới 18 triệu liều vaccine sắp hết hạn sử dụng tính đến cuối tháng 2/2022.
Bà Tarmizi cho hay: “Với việc xác định có khoảng 18 triệu liều vaccine sắp hết hạn sử dụng, chúng tôi đã nỗ lực đẩy nhanh tiêm chủng bằng cách hợp tác với Quân đội và Cảnh sát trong chiến dịch ‘Serbuan’ (Tấn công)”.
Theo bà Tarmizi, chiến dịch “Serbuan” đã được triển khai trong suốt tháng 2. Chính phủ Indonesia cũng đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng cho người cao tuổi và người dân nói chung bằng cách rút ngắn thời gian giữa các mũi tiêm. Cụ thể, khoảng cách giữa liều vaccine thứ hai và mũi tiêm tăng cường đã được rút ngắn từ 6 tháng xuống còn 3 tháng. Ngoài ra, Chính phủ Indonesia cũng thẩm tra nguồn dự trữ vaccine tại các địa phương nhằm phát hiện những lô sắp hết hạn sử dụng.
Bà Tarmizi - người cũng đang giữ chức Tổng cục trưởng Y tế công cộng - dẫn kết quả của một nghiên cứu gần đây do Cơ quan giám sát thực phẩm và dược phẩm Indonesia (BPOM) tiến hành cho thấy một số loại vaccine hết hạn sử dụng có thể được gia hạn, trong đó có vaccine AstraZeneca.
Lào tăng cường chuẩn bị để đối phó với biến thể Omicron
Bộ Y tế Lào tiếp tục cảnh báo người dân về sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron, đồng thời cho biết các bệnh viện công của nước này đã sẵn sàng để đối phó với sự bùng phát phát có thể xảy ra trên diện rộng của biến thể này.
Bộ Y tế Lào cho biết ít nhất 108 quốc gia trên thế giới đã phát hiện biến thể Omicron trong khi hơn 33 tỉnh của Thái Lan đã ghi nhận sự xuất hiện của biến chủng dễ lây lan này. Hiện giới chức y tế trên cả nước Lào đang tăng cường các biện pháp ứng phó với COVID-19 trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của Omicron và đảm bảo rằng mọi người đều được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe đầy đủ.
Các bệnh viện được chỉ định của thủ đô Viêng Chăn và các tỉnh của Lào đã thành lập các đội y tế khẩn cấp và chuẩn bị đầy đủ cho kịch bản xấu nhất về sự bùng phát của Omicron. Chính quyền địa phương cũng đang trang bị các thiết bị y tế cần thiết cho các bệnh viện tuyến huyện và tỉnh để chăm sóc những người bị nghi ngờ hoặc được xác nhận nhiễm Omicron.
Về tình hình COVID – 19 tại Lào, Bộ Y tế cho biết trong 24 giờ qua, nước này tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới ở mức thấp với 273 ca và không có trường hợp nào tử vong. Tính tới nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 143.240 ca mắc COVID – 19, trong đó có 623 người tử vong.
Ấn Độ dần trở lại nhịp sống bình thường
Gần 2 năm kể từ khi Ấn Độ bước vào phong tỏa trên quy mô lớn nhất thế giới nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, nhiều khu vực tại quốc gia Nam Á này đang dần trở lại nhịp sống bình thường khi tỷ lệ lây nhiễm giảm.
Số liệu của Bộ Y tế Ấn Độ cho thấy ngày 2/3 nước này ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 ở mức dưới 10.000 ca/ngày trong 3 ngày liên tiếp. Lần gần đây nhất Ấn Độ ghi nhận mức này là vào cuối tháng 12/2021, trước khi biến thể Omicron lây lan mạnh. Tuần trước, giới chức bang Maharashtra thông báo các trường học tại Mumbai - thành phố lớn nhất bang - sẽ mở cửa trở lại hoàn toàn trong bối cảnh số ca mắc giảm.
Ông Mouli Natchu, Giáo sư về các bệnh truyền nhiễm tại Viện nghiên cứu St John ở thành phố Bengaluru, lưu ý về mức độ bệnh ở người trưởng thành cũng như trẻ em nhiễm biến thể Omicron tại Ấn Độ. Theo chuyên gia này, những người trưởng thành đã được tiêm vaccine và trẻ em, kể cả trẻ chưa được tiêm vaccine, nhiễm Omicron đều có triệu chứng nhẹ hơn đáng kể.
Ấn Độ đã tiêm đầy đủ vaccine ngừa COVID-19 cho hơn 765 triệu người trong số 940 triệu người trưởng thành và khoảng 28 triệu thanh thiếu niên từ 15-18 tuổi, nhưng chưa bắt đầu tiêm vaccine cho trẻ dưới 15 tuổi.
Tại bang Gujarat, các khu chợ đã hoạt động trở lại sau một thời gian dài đóng cửa. Thực khách đổ xô đến chợ đêm Manek Chowk nổi tiếng ở thành phố Ahmedabad để thưởng thức các món ăn sau khi nhà chức trách dỡ bỏ lệnh giới nghiêm tại đây vào tuần trước
Tương tự, những khu vực khác trên khắp Ấn Độ cũng có dấu hiệu dần trở lại nhịp sống bình thường. Các đường phố đông đúc khi người dân trở lại làm việc, trong khi các rạp chiếu phim ghi nhận số lượng khách tăng vọt. Tại thành phố Gurugram gần thủ đô New Delhi, các nhà hàng và quán chơi game cũng chật kín người.
Chuyên gia Rijo John tại Cao đẳng Khoa học xã hội Rajagiri ở Kochi bày tỏ hy vọng người dân sẽ duy trì giãn cách xã hội và đeo khẩu trang "hết mức có thể". Ông John nhận định: “Hoàn toàn không có lý do gì để trói buộc nền kinh tế dưới bất kỳ hình thức phong tỏa hoặc hạn chế nào”.