Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 26/3 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 479.282.904 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 6.137.456 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 1.434.957 và 4.001 ca tử vong mới.
Số bệnh nhân bình phục đã đạt 413.763.232 người, 59.382.216 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 59.490 ca nguy kịch.
Trong 24 giờ qua, Hàn Quốc dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 339.396 ca; Đức đứng thứ hai với 276.746 ca; tiếp theo là Pháp (143.571 ca). Nga đứng đầu về số ca tử vong mới, với 398 người chết trong ngày; tiếp theo là Hàn Quốc 392 ca và Mỹ với 374 ca.
Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 81.579.680 người, trong đó có 1.002.719 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai thế giới, ghi nhận tổng cộng 43.016.372 ca nhiễm, bao gồm 516.785 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 29.802.257 ca bệnh và 658.566 ca tử vong.
Châu Âu là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với gần 175 triệu ca nhiễm, tiếp đến là châu Á với trên 135,7 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ ghi nhận gần 96,3 triệu ca nhiễm, Nam Mỹ là trên 55,91 triệu ca, tiếp đến là châu Phi 11,7 triệu ca và châu Đại Dương trên 5 triệu ca nhiễm.
Nguy cơ xuất hiện của biến thể nguy hiểm hơn Omicron
Giám đốc y tế vùng England của Anh, Giáo sư Chris Whitty cảnh báo thế giới có thể hứng chịu làn sóng dịch COVID-19 mới trong 2 năm tới do sự xuất hiện của một biến thể gây hậu quả khó lường hơn cả Omicron. Ông khẳng định còn cả chặng đường dài cho đến khi thế giới có thể thoát khỏi đại dịch COVID-19 và đây sẽ là dịch bệnh lưu hành và có mối đe dọa đối với sinh mạng tương tự dịch cúm.
Tại hội nghị sức khỏe cộng đồng của Hiệp hội chính quyền địa phương vùng England, ông Whitty cho rằng còn quá sớm để nghĩ rằng đại dịch COVID-19 đã đạt đến trạng thái ổn định và ông kêu gọi thế giới cần phải thận trọng với đại dịch này. Ông cũng cho rằng những hậu quả liên quan đến Omicron không hề nhẹ, như nhiều chuyên gia đã nhận định trước đó. Ông nhấn mạnh thế giới có thể thấy được đại dịch kết thúc bởi một biến thể gây hậu họa nghiêm trọng hơn Omicron.
Trên thực tế, thế giới đã ghi nhận thêm nhiều biến thể của virus SARS-CoV-2. Mới đây nhất, Tổ chức Y tế thế giới xác nhận sự tồn tại của biến thể lai giữa Omicron và Delta. Tuần trước, Israel cũng đã phát hiện biến thể mới lai giữa hai biến thể phụ của Omicron BA.1 và BA.2. May mắn, một số nghiên cứu đang được tiến hành cho thấy không có sự lây lan nghiêm trọng nào được ghi nhận.
Kết quả giải trình tự gien trong tháng trước được đăng trên hệ thống dữ liệu GISAID cho thấy Omicron đang là biến thể trội nhất, chiếm 99,8% mẫu bệnh phẩm được giải trình tự gene. Trong đó, dòng phụ của Omicron là BA.2 chiếm tỷ lệ nhiều nhất, với 85,96%.
"Omicron tàng hình" có thể nguy hiểm hơn với trẻ em
Một nghiên cứu mới về mức độ nghiêm trọng của biến thể BA.2 đối với trẻ em ở Hong Kong (Trung Quốc) cho thấy biến thể này nguy hiểm với trẻ em hơn các biến thể khác hoặc so với virus cúm thông thường và virus parainfluenza gây các bệnh về đường hô hấp. Tuy nhiên, xét về số liệu tuyệt đối, nghiên cứu trên chỉ thấy một số lượng nhỏ ca tử vong hoặc ca nặng.
Nghiên cứu trên chỉ mang tính sơ bộ bước đầu vì chưa được công bố chính thức trên một tạp chí khoa học. Tuy nhiên, Tiến sĩ Beth Thielen, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm ở trẻ em tại Đại học Minnesota ở thành phố Minneapolis (Mỹ), cho rằng nghiên cứu này đem lại một cái nhìn quan trọng về sự nguy hiểm của biến thể BA.2 đối với một nhóm người dễ bị tổn thương. Nghiên cứu cũng nhấn mạnh cần sớm có vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em và cần có thêm nhiều thuốc điều trị cho nhóm tuổi này.
Tháng 2/2022, giữa lúc làn sóng lây lan biến thể Omicron lên đỉnh điểm tại Hong Kong, hầu hết do biến thể BA.2 gây ra, có 1.147 em phải nhập viện, trong đó 4 em tử vong. Trẻ tử vong là các bé 11 tháng tuổi, 3 tuổi, 4 tuổi và 9 tuổi. Trước đó, các bé này đều có sức khỏe tốt và bé 9 tuổi mắc chứng loạn dưỡng cơ. Chưa bé nào được tiêm vaccine. 2 bé tử vong vì viêm não hoặc phù não. Đây là những trẻ em đầu tiên tử vong vì COVID-19 tại Hong Kong kể từ khi dịch bùng phát.
Khi so sánh tỷ lệ tử vong, các nhà nghiên cứu của Đại học Hong Kong phát hiện rằng tỷ lệ tử vong ở trẻ nhập viện vì BA.2 cao gấp 7 lần trẻ nhập viện vì cúm thông thường, gấp 6 lần trẻ nhập viện vì nhiễm virus parainfluenza. Tỷ lệ tử vong trên tổng số ca nhiễm là 0,35% đối với BA.2, 0,05% đối với cúm thông thường và 0,04% đối với parainfluenza (vốn gây ho có đờm).
Đức khuyến cáo mở rộng diện tiêm mũi thứ 4
Bộ trưởng Y tế liên bang Đức Karl Lauterbach cho biết ông đã đề nghị Ủy ban Tiêm chủng thường trực (STIKO) thuộc Viện Robert Koch (RKI) đưa ra các khuyến nghị mới đối với những người có thể tiêm mũi thứ 4, trong bối cảnh số ca nhiễm mới đang ở mức cao kỷ lục tại Đức.
Bộ trưởng Lauterbach nhấn mạnh Đức phải chủ động phòng ngừa với mũi tiêm thứ 4 khi hiện có tới 90% số người được STIKO khuyến nghị tiêm mũi thứ 4 (là những người trên 70 tuổi, người có bệnh nền,...) vẫn chưa thực hiện việc này. Ông cho biết đã đề nghị STIKO sửa đổi và mở rộng khuyến nghị đối với việc tiêm mũi tăng cường thứ hai này, khẳng định rằng việc tiêm mũi thứ 4 sẽ tạo ra sự khác biệt chỉ sau một tuần. Ông cũng kêu gọi tất cả những người chưa tiêm nên tiến hành tiêm chủng để ngăn ngừa nguy cơ bệnh trở nặng và có thể phải đánh đổi bằng tính mạng của mình.
Tỷ lệ mắc COVID-19 trong 7 ngày tại Đức lên mức cao kỷ lục mới, với giá trị hiện ở mức 1756,4. Số ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua là 296.498 ca và 288 ca tử vong. Hiện số ca mắc dòng phụ BA.2 của biến thể Omicron chiếm tới 72% số ca mắc COVID-19 ở Đức.
Hong Kong khôi phục các dịch vụ; ca mắc mới thấp nhất trong 1 tháng
Ngày 25/3, Đặc khu Hành chính Hong Kong (Trung Quốc) ghi nhận 10.405 ca mắc mới COVID-19, mức thấp nhất trong vòng một tháng.
Từ ngày 1/4, chính quyền đặc khu sẽ dần khôi phục các dịch vụ công, mục tiêu là khôi phục hoạt động bình thường vào ngày 21/4. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của các quy định về phòng chống dịch, một số dịch vụ không khẩn cấp hoặc không thiết yếu có thể chưa được nối lại sau đó. Cũng từ ngày 1/4, các cơ quan chính quyền tại Hong Kong sẽ trở lại hoạt động bình thường sau thời gian thực hiện yêu cầu làm việc giãn cách, tất cả nhân viên phải hoàn thành 2 mũi tiêm vaccine ngừa COVID-19 trước ngày này.
Chính quyền đặc khu trước đó cũng thông báo các trường học sẽ nối lại các lớp học trực tiếp sớm nhất vào ngày 19/4, trước hết là các trường quốc tế, tiểu học và mẫu giáo. Nếu tỷ lệ tiêm vaccine trong trường học đạt 90%, các lớp có thể giảng dạy trực tiếp cả ngày. Từ ngày 21/4, Hong Kong cũng sẽ dỡ bỏ lệnh cấm ăn uống trong nhà hàng sau 18h, mở cửa trở lại hầu hết các địa điểm công cộng và cơ sở thể thao...
Các biến thể khác nhau gây triệu chứng COVID kéo dài khác nhau
Các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có thể gây ra những triệu chứng COVID kéo dài (Long COVID) khác với các chủng virus trước đó. Đây là kết luận trong một nghiên cứu được công bố ngày 24/3 tại Đại hội Vi sinh lâm sàng và Bệnh truyền nhiễm châu Âu, diễn ra ở Lisbon, Bồ Đào Nga.
Từ tháng 6/2020 đến tháng 6/2021, những triệu chứng COVID-19 kéo dài phổ biến nhất ở người mắc bệnh này là khó thở và mệt mỏi mãn tính; tiếp theo là các vấn đề về giấc ngủ và thị lực cũng như hiện tượng sương mù não. Theo các nhà khoa học, vào thời điểm biến thể Alpha là biến thể chủ đạo, các triệu chứng đau nhức cơ, mất ngủ, lo lắng và trầm cảm cũng rất phổ biến.
Trong khi đó, với chủng virus gốc, xuất hiện đầu tiên tại Vũ Hán (Trung Quốc) vào cuối năm 2019, các triệu chứng mất khứu giác, khó nuốt và mất thính giác phổ biến hơn.
Nghiên cứu cho thấy có tới một nửa số bệnh nhân hồi phục sau đợt mắc COVID-19 ban đầu bị di chứng cấp tính hậu COVID, hay còn gọi là COVID-19 kéo dài. Hiện tượng này xảy ra ở mọi nhóm đối tượng bất kể tuổi tác, sức khỏe tổng thể và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Căn cứ dữ liệu sẵn có, các triệu chứng COVID-19 kéo dài dường như gây ảnh hưởng lâu dài đến chức năng não, tim và phổi.
Lào bắt đầu triển khai tiêm liều vaccine ngừa COVID-19 thứ 4
Bộ Y tế Lào ngày 24/3 cho biết nước này đã bắt đầu triển khai tiêm liều vaccine thứ 4 ngừa COVID-19 cho các nhóm ưu tiên và người từ 18 tuổi trở lên. Đây là liều sẽ được tiêm cho những người đã tiêm mũi thứ ba (mũi tăng cường) trước đó đủ 3 tháng trở lên. Các nhóm ưu tiên sẽ được xếp lần lượt theo thứ tự gồm: nhân viên tuyến đầu, những người trên 60 tuổi và những người có bệnh nền.
Thông báo cũng cho biết, hai loại vaccine cho mũi nhắc lại (mũi 3 và mũi 4 ) là vaccine của AstraZeneca và của Pfizer. Bộ Y tế Lào đặt mục tiêu sẽ hoàn thành các mũi tiêm nhắc lại cho người dân trong tháng 3 và tháng 4, trước khi vaccine quá hạn.
Những người đã bị nhiễm COVID-19 có thể được tiêm dưới mũi thứ nhất, thứ hai hoặc mũi tăng cường (mũi 3) sau khi khỏi bệnh 2 tháng tùy thuộc vào lịch tiêm của từng người.
Anh hối thúc người cao tuổi tiêm mũi 4
Giới chức y tế Anh đang hối thúc những người trên 75 tuổi tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 thứ 4 sau khi các số liệu mới nhất cho thấy số người nhập viện do COVID-19 tăng.
Theo Báo cáo Giám sát cúm và COVID hàng tuần của Cơ quan An ninh Y tế Anh (UKHSA), số người lớn tuổi nhập viện mắc COVID-19 hiện còn cao hơn giai đoạn đỉnh của làn sóng dịch bệnh liên quan đến biến thể Omicron. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 thứ 4 cho người trên 75 tuổi. Số liệu mới nhất cho thấy tỷ lệ nhập viện trong nhóm người trên 85 tuổi tại vùng England trong tuần lễ kết thúc vào ngày 20/3 là 178,29 trên 100.000 người, cao hơn so với con số 158,43 vào đầu năm nay. Tỷ lệ những người nhập viện trong độ tuổi từ 75-84 là 74,34 trên 100.000 người, trong khi con số này vào đầu tháng 1 là 70,3. Mặc dù tỷ lệ nhập viện của những bệnh nhân trẻ hơn cũng đang tăng, song vẫn thấp hơn mức được ghi nhận trong làn sóng dịch bệnh do biến thể Omicron.
Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid cho biết 60% bệnh nhân mắc COVID-19 trong bệnh viện đang nhập viện để điều trị các triệu chứng khác và vô tình nhiễm virus. Hiện có một số quan ngại về xu hướng tăng số bệnh nhân trên 75 tuổi mắc COVID-19 phải nhập viện để điều trị tích cực.
Omicron tồn tại lâu hơn trên da và nhiều bề mặt so với các biến thể trước
Các chuyên gia y tế đều cho rằng virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 chủ yếu lây truyền qua không khí. Trong 2 nghiên cứu gần đây, nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng biến thể Omicron tồn tại lâu hơn trên bề mặt và trên da người so với các biến thể khác.
Trong nghiên cứu thứ nhất, các nhà khoa học thử nghiệm trên các mẫu da người cũng như thử nghiệm bề mặt khác là nhựa. Theo đó, thời gian virus tồn tại được tính cho đến khi virus không thể tồn tại trong các mẫu được đặt trên các bề mặt. Trên bề mặt nhựa, chủng virus ban đầu của SARS-CoV-2 được phát hiện tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) tồn tại 56 giờ. Các biến thể sau đó của virus gồm Alpha, Beta, Gamma và Delta lần lượt tồn tại trong khoảng 191, 157, 59 và 114 giờ, còn biến thể Omicron là 193,5 giờ. Trên da người, chủng virus ban đầu tồn tại 8,6 giờ, trong khi các biến thể trên tồn tại từ 11-19,6 giờ và Omicron là 21,1 giờ.
Trong nghiên cứu thứ hai, các tác giả so sánh thời gian chủng virus gốc của SARS-CoV-2 và biến thể Omicron trên các bề mặt nhẵn với bề mặt có lỗ rỗng, như thép không gỉ, tấm nhựa polypropylene (PP), thủy tinh, giấy ăn và giấy in. Kết quả là nhìn chung, Omicron tồn tại lâu hơn so với chủng virus gốc trên tất cả các bề mặt này. Sau 2 ngày, đa số chủng virus ban đầu của SARS-CoV-2 biến mất khỏi thép không gỉ và tấm nhựa PP. Sau 4 ngày, virus chỉ tồn tại trên bề mặt thủy tinh. Trong khi đó, các nhà nghiên cứu vẫn phát hiện biến thể Omicron trên những bề mặt này sau 7 ngày.