COVID-19 tới 6h sáng 25/7: Indonesia ca lây nhiễm và tử vong mới cao nhất thế giới

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm trên 450.000 ca nhiễm và 7.268 ca tử vong. Indonesia vượt qua tất cả các điểm nóng khác trở thành nước có số ca lây nhiễm và tử vong mới cao nhất thế giới.

Chú thích ảnh
Chuyển bệnh nhân COVID-19 tới phòng điều trị khẩn tại bệnh viện ở Creteil, gần Paris, Pháp ngày 22/7/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 25/7 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 194.475.682 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 4.167.011 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 458.107 và 7.268 ca tử vong mới.

Số bệnh nhân bình phục đã đạt 176.414.094 người, 13.894.577 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 82.859 ca nguy kịch.

Trong 24 giờ qua, Indonesia đã vượt qua các điểm nóng khác như Ấn Độ, Brazil, Nga trở thành quốc gia có số ca nhiễm mới và tử vong mới cao nhất thế giới. Cụ thể, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Indonesia (45.416 ca) Ấn Độ (40.284 ca) và Brazil (38.091 ca); Indonesia cũng dẫn đầu về số ca tử vong mới (1.415 ca), tiếp theo là Brazil (1.028 ca) và Nga (799 ca).

Tuy thứ tự các nước có ca lây nhiễm và tử vong mới đã đổi vị trí, nhưng Mỹ, Ấn Độ và Brazil vẫn là 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Số ca nhiễm tại Mỹ hiện là 35.311.651 người, trong đó có 626.692 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 31.371.486  ca nhiễm, bao gồm 420.585 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 19.670,.534 ca bệnh và 549.448 ca tử vong.   

Chú thích ảnh
 Nhân viên cấp cứu nghỉ tạm trên ghế băng sau một ngày bận rộn vì vận chuyển bệnh nhân COVID-19 tại Guwahati, Ấn Độ ngày 25/6/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Châu Âu: Biến thể Delta đã lây lan trên 70% lục địa

Cơ quan khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) ngày 23/7 công bố thông tin cho biết biến thể Delta của virus corona hiện lây lan tới phần lớn các quốc gia châu Âu.

Dựa trên dữ liệu thu thập từ ngày 28/6 - 11/7, hai cơ quan trên cho biết biến thể Delta hiện đã có mặt ở 19/28 nước châu Âu với tỷ lệ 68,3% trong các mẫu dương tính. Trong khi đó, biến thể Alpha chỉ chiếm 22,3% các xét nghiệm dương tính.

Trước tình hình này, WHO châu Âu và ECDC cùng kêu gọi các quốc gia trong khu vực "tăng cường nỗ lực" để ngăn chặn sự lây lan của các biến thể COVID-19. WHO khuyến nghị các chính phủ cần tăng cường khả năng tiếp cận xét nghiệm miễn phí, đẩy nhanh truy vết để phá vỡ các chuỗi lây nhiễm, đảm bảo tiêm phòng cho những người có nguy cơ cao nhất và khuyến khích cách ly với các trường hợp tiếp xúc hoặc đã được xác nhận dương tính với COVID-19.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Arenes de Ceret, Pháp ngày 18/7/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

 Nga: Lây nhiễm tại Moskva có thể đã đạt đỉnh

Nga hiện đứng đầu với hơn 6,1 triệu ca nhiễm và 153.095 ca tử vong. Trong ngày 24/7, nước ngày ghi nhận thêm gần 24.000 ca nhiễm mới, và 799 ca tử vong mới. Tuy nhiên, các nhà chức trách cho rằng số ca nhiễm, đặc biệt tại thủ đô Moskva, có thể đã đạt đỉnh.

Sau Nga là Pháp, nước cũng đã ghi nhận tới hơn 5,9 triệu ca nhiễm và hơn 111.000 ca tử vong. Anh có số ca nhiễm ít hơn của Pháp (hơn 5,6 triệu ca) nhưng có nhiều ca tử vong hơn, hiện là 129.044 ca. Trong top 10 châu lục còn có Italy và Tây Ban Nha (đều đã hơn 4,2 triệu ca nhiễm), Đức (hơn 3,7 triệu ca), Ba Lan và Ukraine (hơn 2,2 triệu ca), Hà Lan và CH Séc (hơn 1,6 triệu ca).

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Moscow, Nga ngày 7/7/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 24/7, Italy ghi nhận 5.140 ca nhiễm mới và 5 ca tử vong. Tổng ca bệnh ở nước này đã vượt 4,3 triệu người, trong đó có gần 128.000 người chết.

Tại Anh, Bộ trưởng Y tế Sajid Javid cùng ngày thông báo đã hồi phục hoàn toàn sau khi mắc COVID-19 trong tuần trước.

Mỹ Latinh-Caribe: Tổng ca mốc vượt mốc 40 triệu 

Ngày 24/7, tổng số ca mắc COVID-19 tại khu vực Mỹ Latinh và Caribe đã vượt qua mốc 40 triệu ca. 
Cụ thể, theo thống kê do hãng tin AFP của Pháp tổng hợp từ các báo cáo chính thức, đến 9h sáng 24/7 (giờ Việt Nam), khu vực Mỹ Latinh và Caribe ghi nhận tổng số 40.073.507 ca COVID-19 kể từ khi phát ca đầu tiên hồi năm ngoái. Trong khi đó, số ca tử vong vì dịch bệnh tại khu vực trên là 1.353.335 người. 

Cũng theo thống kê của AFP, tuần qua, biến thể Delta đã lây lan nhanh và gây ra một làn sóng các ca mắc mới trên thế giới, nâng tổng số bệnh nhân trên toàn cầu lên hơn 192,94 triệu ca, trong đó có hơn 4,14 người đã tử vong.

Hiện Brazil đang là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất trong khu vực Mỹ Latinh. Ngày 23/7, nước này ghi nhận thêm 108.732 ca mắc mới, nâng tổng số ca COVID-19 lên là 19.632.443 ca. Đây là mức ghi nhận trong ngày cao thứ hai kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại Brazil, chủ yếu do bang Rio Grande do Sul báo cáo bổ sung khoảng 64.056 ca chưa được thống kê đầy đủ trước đó. Theo Bộ Y tế Brazil, tổng số ca tử vong vì COVID-19 của nước này cũng tăng lên mức 548.340 ca, cao hơn 1.324 ca so với một ngày trước đó. Tình hình dịch bệnh tại Brazil có phần cải thiện từ tuần cuối tháng 6, khi số bệnh nhân nhập viện ít dần giúp các bệnh viện được giảm tải sau thời gian tiếp nhận số lượng lớn bệnh nhân hồi tháng 3, tháng 4 và đầu tháng 6. 

Chú thích ảnh
 Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Colombo, Sri Lanka, ngày 23/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Đứng thứ 2 và thứ 3 khu vực là Argentina và Colombia với tổng số ca mắc lần lượt là hơn 4,8 và hơn 4,7 triệu ca trong khi tổng số ca tử vong lần lượt là hơn 103.000 và hơn 118.000 ca. Giới chuyên gia chỉ những khó khăn chính cản trở các nỗ lực phòng chống dịch bệnh tại Mỹ Latinh và Caribe gồm thách thức từ các biến thể lây lan nhanh, tỷ lệ tiêm phòng ở mức thấp, các thành phố đông đúc dân cư, hệ thống y tế yếu kém và tỷ lệ người bị bệnh nền như béo phì cao hơn trung bình toàn thế giới.

Hiện biến thể Delta đang khiến dịch COVID-19 gia tăng trở lại trên thế giới, khiến số ca lây nhiễm ở châu Âu tăng 26% trong khi ở Mỹ tăng tới 60%. Theo dự báo mới nhất của ECDC công bố hôm 23/7, số ca mắc mới ở châu Âu sẽ tiếp tục tăng và có thể cao hơn gấp đôi trong 4 tuần tới, đặc biệt ở những người trẻ tuổi. Hiện ECDC đang đặc biệt quan tâm tới tình hình dịch bệnh ở Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Malta và Síp.

Chú thích ảnh
Điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện Farhat Hached ở thành phố Sousse, Tunisia ngày 21/7/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

AstraZeneca đẩy mạnh nguồn cung vaccine cho Đông Nam Á

Ngày 24/7, Giám đốc điều hành hãng dược AstraZeneca Plc (Anh) chi nhánh Thái Lan James Teague thông báo công ty này đang tìm kiếm chuỗi cung ứng toàn cầu của mình để tăng cường các nguồn cung vaccine COVID-19 cho Thái Lan và khu vực Đông Nam Á, trong bối cảnh xuất hiện thông tin đồn đoán về sự thiếu hụt sản lượng ở địa phương.

Thông báo trên được đưa ra sau khi các bức thư bị rò rỉ vào tuần trước cho thấy AstraZeneca Plc đã đề nghị cung cấp 5-6 triệu liều vaccine mỗi tháng cho Thái Lan, trái ngược với khẳng định của giới chức Thái Lan rằng chính phủ có thể tiếp nhận 10 triệu liều một tháng và 61 triệu liều vào cuối năm 2021.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Selangor, Malaysia ngày 21/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Ông Teague nêu rõ AstraZeneca đang rà soát hơn 20 chuỗi cung ứng trong mạng lưới sản xuất trên toàn thế giới của mình để tìm kiếm vaccine bổ sung cho khu vực Đông Nam Á, bao gồm cả Thái Lan. Ông còn hy vọng hãng này sẽ nhập nhiều lô vaccine bổ sung trong những tháng tới. Theo ông, đến nay AstraZeneca đã giao 9 triệu liều vaccine cho Thái Lan và sẽ cung cấp thêm 2,3 triệu vào tuần tới. 

Dữ liệu của Chính phủ Thái Lan cho thấy, hiện nước này mới thực hiện tiêm đủ 2 mũi vaccine COVID-19 cho 5,56% trong hơn 66 triệu dân số nước này, trong khi 18,62% dân số đã tiêm ít nhất một mũi.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại Tây Hebron, Khu Bờ Tây ngày 30/5/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

AstraZeneca trước đó cho biết số lượng vaccine cung cấp cho Thái Lan và khu vực Đông Nam Á sẽ đến từ một nhà máy của đối tác Thái Lan Siam Bioscience, thuộc sở hữu của Nhà vua Thái Lan. Hiện Siam Bioscience chưa đưa ra bình luận gì về thông tin thiếu sản lượng vaccine và thời gian chuyển giao.

Siam Bioscience đang đối mặt áp lực càng gia tăng khi Chính phủ Thái Lan cân nhắc hạn chế xuất khẩu vaccine để tăng nguồn cung trong nước trong bối cảnh một số quốc gia láng giềng đang ứng phó với dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
 Du khách đeo khẩu trang và mặt nạ phòng dịch COVID -19 tại sân bay quốc tế Incheon, phía Tây Seoul, Hàn Quốc ngày 19/7/2021. Ảnh: YONHAP/TTXVN

Malaysia: Ca nhiễm mới  cao chưa từng thấy

Bộ Y tế Malaysia đã ghi nhận 15.902 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong ngày 24/7, mức cao nhất theo ngày kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại nước này. Con số trên đã đưa tổng số ca nhiễm lên 996.393 ca. Cùng ngày, nước này ghi nhận 184 ca tử vong, mức cao thử hai, chỉ sau 199 ca được ghi nhận hôm 21/7.

Theo trang Straits Times (Singapore), ngay lây nhiễm kỷ lục 24/7 xảy ra khi Malaysia gần qua ba tháng phong toả nhằm kiềm chế đại dịch. Nước này được dự đoán chỉ còn một ngày nữa là vượt ngưỡng 1 triệu ca bệnh kể từ dịch bắt đầu, trong đó đại đa số các ca nhiễm và tử vong được ghi nhận ở làn sóng thứ ba hiên đang càn quét.

Trong khi đó, có nhiều báo cáo về tình trạng buông lỏng tuân thủ các hạn chế phòng dịch, trong bối cảnh phong toả kéo dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế.

Chú thích ảnh
Nhân viên phun khử khuẩn nhằm ngăn dịch COVID-19 lây lan tại Kuala Lumpur, Malaysia ngày 23/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Hầu như toàn bộ Malaysia đã ngừng hoạt động kể từ ngày 12/5 năm nay, với phần lớn các doanh nghiệp hiện đã đóng cửa trong tháng thứ ba liên tiếp. Tuy nhiên, các ca lây nhiễm và tử vong hàng ngày tiếp tục tăng lên trong thời gian phong toả, mà lý do chủ yếu được giới chức cho là do biến thể Delta.

Malaysia hiện đang nằm giữa giai đoạn một và giai đoạn hai của kế hoạch rút khỏi đại dịch theo 4 giai đoạn, bao gồm việc đóng cửa ở các mức độ khác nhau. Giai đoạn ba, chứng kiến ​​sự mở cửa dần dần của nền kinh tế, sẽ không nằm trong kế hoạch cho đến cuối tháng 8.

Malaysia đang dựa vào việc tăng cường tiêm chủng - một trong những cách nhanh nhất trên thế giới - để phục hồi sau đại dịch.  Nước này đã tiêm hơn nửa triệu liều vaccine trong ngày 22/7, một kỷ lục mới. Khoảng 16,1% dân số Malaysia đã được tiêm chủng đầy đủ, với toàn bộ dân số trưởng thành dự kiến ​​sẽ được tiêm phòng COVID-19 vào cuối tháng 10.

Indonesia: Đối mặt khủng hoảng ôxy y tế khi ca nhiễm và tử vong cao nhất thế giới

Tại Indonesia, đảo Bali đã rơi vào tình trạng cạn kiệt khí ôxy cho bệnh nhân COVID-19 do số ca nhiễm tăng mạnh. Người đứng đầu cơ quan y tế Bali, ông Ketut Suarjaya cho biết: "Chúng tôi đã hết khí ôxy từ ngày 14/7 và tình hình đang ngày càng tồi tệ hơn vì số ca nhiễm mới tăng cao. Đây thực sự là một cuộc khủng hoảng khí ôxy tại Bali". Ông cho biết Bali cần 113.3 tấn ôxy trong khi các bệnh viện chỉ có 40,5 tấn.

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng chờ bơm oxy y tế phục vụ điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại thành phố Surabaya, Đông Java, Indonesia, ngày 15/7/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Bali, điểm du lịch nổi tiếng với những bãi biển và đền đài, cùng với đảo lớn chính Java và 15 khu vực khác đang áp dụng các biện pháp phòng dịch chặt chẽ, dự kiến sẽ hết hiệu lực ngày 25/7. Chính phủ Indonesia đang thảo luận khả năng gia hạn các biện pháp này.

Tình trạng thiếu khí ôxy cũng đang xảy ra tại Java. Chính phủ Indonesia đã bắt đầu nhập khẩu ôxy từ các nước như Mỹ và Trung Quốc.

Indonesia, nước đông dân thứ 4 thế giới, đã ghi nhận hơn 3 triệu ca nhiễm và 80.598 ca tử vong. Sự lây lan của dịch, do biến thể Delta, không có dấu hiệu thuyên giảm. Theo tổ chức nghiên cứu Our World in Data, Indonesia có tỷ lệ tử vong cao hơn mức trung bình toàn cầu.

Chú thích ảnh
Các tín đồ Hồi giáo cầu nguyện bên ngoài một đền thờ ở Aceh, Indonesia để kỷ niệm lễ hiến sinh Eid al-Adha, ngày 20/7/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Campuchia: Thủ đô Phnom Penh gia hạn lệnh cấm 

Chính quyền thủ đô của Campuchia đã quyết định kéo dài lệnh tạm dừng hoạt động thêm 14 ngày đối với các hoạt động có rủi ro lây nhiễm dịch COVID-19 ở mức cao.

Chính quyền Phnom Penh cho biết vì yêu cầu khẩn cấp phòng chống dịch COVID-19 lây lan nên từ 0h ngày 24/7 đến ngày 6/8, các trường học tiếp tục đóng cửa; quán karaoke, massage, sàn nhảy, vườn bia, sòng bạc, khu nghỉ dưỡng, bảo tàng, công viên giải trí, rạp chiếu phim, nhà hát, phòng gym và trung tâm thể thao vẫn phải tạm ngừng hoạt động.

Bên cạnh các loại hình kinh doanh trên, chính quyền có thể sẽ quyết định tạm ngừng một số hoạt động khác tùy theo diễn biến dịch COVID-19 trên địa bàn và phù hợp với yêu cầu phòng chống dịch.
Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh số ca mắc mới tại Campuchia vẫn tăng mỗi ngày hơn 800 ca trong vài tuần trở lại đây và thủ đô Phnom Penh liên tục cảnh báo dịch tại nhiều ngôi chùa và các cơ sở dịch vụ, nhà hàng cho dù đa số người dân ở đây đã tiêm phòng COVID-19.

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: THX/TTXVN

Trước đó, tại buổi lễ đón nhận lô vaccine viện trợ đợt đầu từ Nhật Bản (332.000 liều AstraZeneca) tối 23/7 tại Sân bay Quốc tế Phnom Penh, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen khẳng định mục tiêu của nước này là tiêm phòng COVID-19 cho khoảng 80% dân số (Campuchia có khoảng 16 triệu dân). 

Theo ông Hun Sen, với 10 triệu người trưởng thành được tiêm phòng trong chiến dịch quốc gia dự kiến kết thúc vào tháng 10/2021 và 2 triệu thanh thiếu niên từ 12-17 tuổi sẽ được tiêm phòng bắt đầu từ ngày 1/8 tới, tỷ lệ tiêm phòng của Campuchia sẽ đạt 75%. Nếu 13 triệu người được tiêm phòng, tỷ lệ này sẽ tăng lên 81,5% và Campuchia sẽ tìm mọi cách để tiêm phòng cho mọi người dân Campuchia trong độ tuổi được phép tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Lào: Ca nhiễm mới tăng cao kỷ lục

Cùng ngày, Bộ Y tế Lào cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 278 ca mắc COVID-19 mới đều là người nhập cảnh được cách ly ngay. Như vậy, số ca nhiễm mới được ghi nhận tại Lào tiếp tục tăng cao nhất từ trước tới nay.

Chú thích ảnh
Người dân đăng ký tiêm vaccine phòng COVID-19 tại thủ đô Viêng Chăn, Lào ngày 17/6/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Lo ngại nguy cơ xâm nhập của biến chủng Delta thông qua người nhập cảnh bất hợp pháp, Bộ Y tế Lào tiếp tục kêu gọi người lao động nước này ở Thái Lan nên trở về nước bằng đường chính ngạch để được kiểm tra y tế và cách ly theo qui định tránh lây nhiễm dịch bệnh cho người thân cũng như cộng đồng. Đến nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 4.620 ca nhiễm và 5 ca tử vong.
 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Singapore. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Thu Hằng/Báo Tin tức
Lầu Năm Góc tìm giải pháp an toàn cho vali hạt nhân
Lầu Năm Góc tìm giải pháp an toàn cho vali hạt nhân

Dưới thời cựu Tổng thống Trump, vali hạt nhân của nước Mỹ đã nhiều lần rơi vào tình huống mất an toàn, trong đó nghiêm trọng nhất là vụ suýt lọt vào tay nhóm bạo loạn Điện Capitol ngày 6/1 năm nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN