Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6h sáng 24/8 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 23.568.734 ca, trong đó có 812.064 người thiệt mạng.
Các nước cũng ghi nhận 16.066.470 bệnh nhân đã bình phục, số ca nguy kịch hiện là 61.683 và 6.589.273 ca đang điều trị tích cực.
Trong vòng 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Ấn Độ (61.749 ca), Mỹ (31.103 ca) và Brazil (23.085 ca); Ấn Độ cũng dẫn đầu về số ca tử vong mới (với 846 ca), tiếp theo là Brazil (467 ca) và Mỹ (394 ca).
Mỹ: Tranh cãi về vaccine ngừa COVID-19
Tại Mỹ, Tổng thống Donald Trump đã cáo buộc Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) tìm cách gây trì trệ việc thử nghiệm vaccine phòng COVID-19 cho đến sau cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11 tới.
Tổng thống Trump đưa ra bình luận trên sau khi hãng tin Reuters cho biết Giám đốc Trung tâm Đánh giá và Nghiên cứu Sinh học của FDA Peter Marks tuyên bố sẽ từ chức nếu Chính quyền của Tổng thống Trump phê duyệt một loại vaccine COVID-19 trước khi vaccine đó được chứng minh là an toàn và hiệu quả. Các nhà khoa học, quan chức y tế và các nhà lập pháp đang quan ngại rằng chính quyền của Tổng thống Trump sẽ gây áp lực để FDA cấp phép một loại vaccine COVID-19 trước cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11, ngay cả khi dữ liệu từ các thử nghiệm lâm sàng không ủng hộ việc vaccine được sử dụng rộng rãi.
Tại khu vực Mỹ Latinh, số ca nhiễm mới tại Brazil đang trên đà giảm nhưng vẫn ở mức rất cao, với 23.085 ca trong 24 giờ qua. Nước này đã ghi nhận tổng cộng 3.605.783 ca nhiễm, bao gồm 114.744 ca tử vong. Peru, Mexico và Colombia là ba quốc gia xếp thứ 6, 7 và 8 trong những nước dẫn đầu về số ca COVID-19, với con số nhiễm mới hàng ngày vẫn ở 6.000-9.000 ca.
Nga lên kế hoạch sản xuất hàng triệu liều vaccine mỗi tháng
Hãng thông tấn RIA dẫn lời Bộ trưởng Công nghiệp Nga Denis Manturov ngày 23/8 cho biết nước này dự kiến sản xuất từ 1,5-2 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 tiềm năng mỗi tháng vào cuối năm nay, sau đó tăng dần lên 6 triệu liều mỗi tháng. Dự kiến trong tuần này, Nga sẽ bắt đầu thử nghiệm trên diện rộng vaccine ngừa COVID-19 có tên Sputnik V, do Viện Gameleya tại thủ đô Moskva phát triển.
Anh kêu gọi mở cửa lại trường học; Pháp có ca nhiễm mới cao nhất thời hậu phong toả
Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 23/8 kêu gọi việc đưa trẻ em trở lại lớp học trong tuần tới là "quan trọng sống còn". Phát biểu của ông được đưa r a sau khi nhóm các cố vấn y tế quốc gia hàng đầu đã đưa ra một tuyên bố chung cho rằng trẻ em cần trở lại trường sau kỳ nghỉ hè, nhấn mạnh việc bỏ lỡ giáo dục còn gây ra những mối đe dọa lớn hơn dịch bệnh COVID-19. Các chuyên gia nhận định có rất ít trẻ em hay thanh thiếu niên sẽ chịu tác động lâu dài từ COVID-19 chỉ vì đến trường. Nhưng ngược lại, các bằng chứng cho thấy thiếu học hành sẽ làm tăng bất bình đẳng, giảm các cơ hội và làm trầm trọng thêm các vấn đề tinh thần lẫn thể chất.
Trong khi đó Pháp đã ghi nhận 4.897 ca nhiễm mới trong ngày 23/8, mức cao nhất trong ngày kể từ khi dỡ bỏ lệnh phong toả. Tổng số ca COVID-19 tịa nước này đến hiện tại là 242.899, bao gồm 30.513 ca tử vong.
Ukraine: Cựu Thủ tướng Yulia Tymoshenko mắc COVID-19
Cựu Thủ tướng Ukraine Yulia Tymoshenko đã được thông báo có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Người phát ngôn đảng Fatherland của bà Tymoshenko cho biết: "Tình trạng của bà được đánh giá là khá nghiêm trọng. Nhiệt độ cơ thể có lúc đã lên tới 39 độ C". Mặc dù vậy, người phát ngôn trên không đưa ra thêm thông tin chi tiết. Bà Tymoshenko, 59 tuổi, từng là Thủ tướng Ukraine 2 lần trong giai đoạn từ 2005-2010.
Theo số liệu cập nhật của Đại học Johns Hopkins, số ca mắc COVID-19 tại Ukraine đã tăng mạnh trong tuần này. Tính đến 6h ngày 24/8, quốc gia Đông Âu này đã ghi nhận tổng cộng 104.958 ca mắc, trong đó có 2.271 ca tử vong.
Đức: Tổ chức hoà nhạc để nghiên cứu SARS-CoV-2
Tại Đức, Đại học Halle đã tổ chức một loạt buổi biểu diễn ca nhạc với mục đích thí nghiệm với 2.000 tình nguyện viên để xác định về sự lây lan của virus. Tim Bendzko, một ca nhạc sĩ nổi tiếng ở Đức, đã đồng ý tiến hành 3 buổi trình diễn trong ngày ở thành phố Leipzip, miền Đông nước này. Khán giả tham dự là các tình nguyện viên trẻ tuổi, sức khỏe tốt. Khi đến nhà hát, họ được kiểm tra thân nhiệt và tất cả đều được đeo khẩu trang bảo hộ y tế tiêu chuẩn cao FFP2 cùng một thiết bị điện tử để truy dấu di chuyển trong không gian này.
Sử dụng các hóa chất sát khuẩn huỳnh quang, các nhà nghiên cứu sẽ có thể thấy được những bề mặt mà khán giả tiếp xúc nhiều nhất và thậm chí có thể theo dõi được lộ tuyến của giọt bắn nhỏ mà khán giả thở ra - yếu tố mà giới chuyên gia tin rằng đóng một vai trò lớn trong sự lây nhiễm. Mục đích cuối cùng của thí nghiệm này là nhằm xác định liệu các buổi biểu diễn âm nhạc cũng như các sự kiện lớn có thể được tổ chức lại trong khi tránh được những nguy cơ lây lan dịch bệnh hay không.
Italy loại bỏ khả năng áp đặt lại phong tỏa
Ngày 23/8, Bộ trưởng Y tế Italy Roberto Speranza nói rằng chính phủ nước này sẽ không xem xét một lần nữa phong tỏa toàn quốc nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh COVID-19, bất chấp số ca nhiễm mới đang tăng nhanh chóng trong tháng qua.
Italy, một trong những quốc gia châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19 với hơn 35.000 ca tử vong. Theo Bộ trưởng Speranza, hệ thống y tế quốc gia Italy đã mạnh mẽ hơn và cũng đã nâng được gấp đôi số giường trong các khu điều trị đặc biệt (ICU). Số ca nhiễm mới ở Italy vẫn còn tương đối thấp hơn so với con số này ở Tây Ban Nha và Pháp, trong khi số ca tử vong mỗi cũng thấp.
Ấn Độ: Số ca nhiễm vượt 3 triệu người
Ngày 23/8, Bộ Y tế Ấn Độ cho biết số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở nước này đã chính thức vượt con số 3 triệu người. Cụ thể đến 6h sáng 24/8, Ấn Độ có thêm 61.749 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 3.105.185 ca. Số ca tử vong vì COVID-19 cũng tăng thêm 846 ca, nâng tổng số ca tử vong lên 57.692 ca. Đã có 2.336.796 ca bình phục và xuất viện, trong khi vẫn còn 710.697 ca đang được điều trị.
Trong vài tuần gần đây, Chính phủ Ấn Độ đã tập trung đẩy mạnh việc mở rộng xét nghiệm COVID-19. Tính đến ngày 21/8, tổng cộng đã có gần 34,5 triệu xét nghiệm được tiến hành.
Trung Quốc thử vaccine phòng COVID-19 cho những nhóm nguy cơ cao
Trung Quốc đã bắt đầu đưa vaccine phòng COVID-19 thử nghiệm vào sử dụng cho những nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh từ hồi tháng 7 vừa qua. Mục đích của chương trình này là để tăng cường miễn dịch cho các nhóm có nguy cơ đặc biệt như các nhân viên y tế, những người làm việc trong ngành thực phẩm, giao thông và dịch vụ.
Giới chức có thể cân nhắc điều chỉnh quy mô các chương trình sử dụng vaccine khẩn cấp để ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch trong mùa Thu và mùa Đông tới.
Hồi tuần trước, Chủ tịch Tập đoàn dược quốc gia Trung Quốc (Sinopharm) Liu Jingzhen cho biết loại vaccine phòng COVID-19 tiềm năng của hãng này sẽ có giá không quá 1.000 NDT (144 USD) cho 2 liều. Nhưng ông Zheng cho biết giá thực tế chắc chắn sẽ thấp hơn mức giá dự tính.
Philippines: Gần 3.000 ca tử vong
Bộ Y tế Philippines ngày 23/8 xác nhận 2.378 ca mắc COVID-19 mới. Đây là ngày có số ca mới thấp nhất trong gần 4 tuần qua. Tuy nhiên với tổng cộng gần 190.000 ca nhiễm, Philippines vẫn là nước có số ca nhiễm cao nhất Đông Nam Á. Trong khi đó, số ca tử vong do COVID-19 ở nước này tăng thêm 32 ca lên tổng số 2.998 ca.
Tuần trước, Tổng thống Philippines Duterte đã ra lệnh nới lỏng lệnh phong toả phòng dịch ở khu vực vùng Thủ đô Manila trong bối cảnh chính phủ của ông cam kết một cách tiếp cận mới trong chống dịch COVID-19, bao gồm tăng cường xét nghiệm. Ông Duterte cũng nhấn mạnh cần thiết phải mở cửa lại nền kinh tế để cứu các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang vật lộn để tồn tại.
Trước đại dịch, Philippines là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á, nhưng đã rơi vào thời kỳ suy thoái đầu tiên trong vòng 29 năm qua, với mức giảm kỷ lục trong quý 2/2020 do các biện pháp phong tỏa phòng chống dịch.
Thái Lan: Du khách quốc tế có thể phải đeo vòng định vị GPS
Theo Bộ trưởng Giao thông Thái Lan Saksayam Chidchob, nước này có thể cho phép những du khách quốc tế đầu tiên quay trở lại nước này từ đầu tháng 10/2020. Du khách từ những quốc gia có số ca nhiễm hạn chế có thể sẽ được yêu cầu đeo vòng tay định vị GPS cũng như cần cách ly tại khách sạn trong 14 ngày đầu tiên.
Thái Lan đã đóng cửa biên giới từ cuối tháng 3/2020. Trong khi chưa mở cửa lại biên giới, chính phủ đang nỗ lực thúc đẩy du lịch nội địa với chiến dịch giảm giá khách sạn lên tới 40%. Bộ Tài chính nước này dự đoán GDP của Thái Lan sẽ suy giảm 8,5% trong năm nay, mức giảm cao kỷ lục trong lịch sử.
Mặc dù dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề tới kinh tế, Thái Lan đã kiểm soát được sự lây lan của virus, không có ca lây nhiễm cộng đồng nào trong gần 3 tháng qua. Đến nay nước này ghi nhận 3.395 ca nhiễm và 58 ca tử vong.
Trong khi đó, Malaysia thông báo thêm 10 ca mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 9.267 ca. Trong số các ca mới nhiễm có 8 ca là nhập cảnh và 2 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Cũng có thêm 10 ca bình phục và xuất viện, nâng tổng số ca khỏi bệnh lên 8.959 ca, chiếm 96,7% số ca nhiễm.
Tại Indonesia, số liệu từ Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 nước này cho thấy đã ghi nhận thêm 2.037 ca mới, nâng tổng số ca lên 153.535 ca. Ngoài ra, Indonesia cũng thông báo có thêm 86 ca tử vong, nâng tổng số lên 6.680 ca, cao nhất tại khu vực Đông Nam Á.
Tại Singapore, giới chức nước này ngày 23/8 ghi nhận 87 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca COVID-19 lên 56.353 người. Trước đó một chùm lây nhiễm mới lại được phát hiện tại khu ký túc xá công nhân lớn nhất Singapore, khoảng 1 tháng sau khi nơi đây được công bố là "sạch" virus SARS-CoV-2. Hiện Singapore có khoảng 13.700 lao động nhập cư vẫn đang trong thời gian cách ly.
“Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người”
Link tải về ứng dụng Bluezone: trên
Android; trên
iOS
Xem hướng dẫn cài Bluezone
tại đây