Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 8/10 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 36.346.499 ca, trong đó có 1.059.193 người thiệt mạng.
Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 26.839.470 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch giảm còn 66.764 ca và 7.774.774 ca đang điều trị tích cực.
Ngày 7/10, thế giới có tới 148 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 95 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua tăng nhẹ. Dịch đang chuyển tâm từ Mỹ, Ấn Độ và Brazil sang diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước.
Trong vòng 1 ngày qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới là Ấn Độ (78.809 ca), Mỹ (39.706 ca) và Brazil (29.741 ca); trong khi đó Ấn Độ (với 963 ca), Mỹ (744 ca), Brazil (657 ca) và Mexico (với 471 ca) ghi nhận số ca tử vong cao nhất.
Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, tiềm ẩn nguy cơ lớn. Diễn biến dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi một số quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới. Châu Âu lại đối mặt với đợt bùng phát dịch mới khi số ca bệnh tăng mại trở lại ở các nước thành viên.
Mỹ vẫn là quốc gia chịu tác động mạnh nhất với 7.767.336 ca mắc và 216.596 ca tử vong. Đứng thứ hai là Ấn Độ với trên 6,8 triệu ca mắc và trên 105.000 ca tử vong. Tiếp đến là Brazil với 5 triệu ca mắc và trên 148.000 ca tử vong.
Theo trang worldometers.info, châu Á hiện có tổng cộng 11.330.747 ca nhiễm và 205.558 ca tử vong do COVID-19. Trong khi châu Âu đã vượt 6 triệu ca bệnh.
Tại Iran, quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất ở Trung Đông, Bộ Y tế cho biết trong 24 giờ qua, nước này đã có thêm 239 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong tại đây lên 27.658 ca. Số ca nhiễm tại Iran đã tăng thêm 4.019 ca lên 483.844 ca.
Cùng ngày, Hàn Quốc đã ghi nhận số ca mắc mới tăng trở lại mức trên 100 ca, sau khi ghi nhận mức tăng dưới 100 ca trong 6 ngày liên tiếp. Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), nước này có thêm 114 ca mắc, trong đó 94 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc lên 24.353 ca. Số ca tử vong đã tăng thêm 3 ca lên 425 ca. Giới chức y tế cảnh báo số ca mắc tại Hàn Quốc có nguy cơ gia tăng sau kỳ nghỉ lễ Trung Thu (Chuseok) kéo dài từ ngày 30/9 đến ngày 4/10 vừa qua.
Tại châu Âu, tình hình dịch bệnh đang ngày càng trở nên phức tạp khi nhiều quốc gia có số ca nhiễm mới cao nhất theo ngày, như Ukraine, Séc, Bulgaria, Ba Lan, Hà Lan.
Trong bối cảnh số ca nhiễm có xu hướng tăng trở lại, Chính phủ Italy đã thông qua sắc lệnh mới, theo đó bắt buộc người dân phải luôn đeo khẩu trang khi đi ra ngoài, ngoại trừ một số trường hợp như đang chơi hoặc thi đấu thể thao.
Sắc lệnh mới, có hiệu lực từ ngày 8/10 và kéo dài trong 30 ngày. Thủ tướng Italy Giuseppe Conte đã đề xuất lên Quốc hội để tiếp tục gia hạn tình trạng khẩn cấp cho đến cuối tháng 1/2021.
Ngày 7/10, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết chính phủ sẽ áp đặt các quy định mới để kiểm soát đại dịch COVID-19 ở nước này. Tuyên bố được đưa ra trong thời điểm Pháp ghi nhận số ca mắc mới cao kỷ lục trong những ngày qua.
Trả lời phỏng vấn truyền hình, Tổng thống Macron nói: "Cần phải có những quy định mới cho những khu vực, nơi dịch bệnh diễn biến quá nhanh. Chúng ta cần phải có trách nhiệm với nhau. Chúng ta cần phải chăm sóc người cao tuổi. Hiện lực lượng y bác sĩ của chúng ta đang chịu áp lực rất lớn".
Thông tin trên được đưa ra trong thời điểm Pháp ghi nhận 18.746 ca mới mắc COVID-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc bệnh ở nước này lên 653.509 ca. Dự kiến, Bộ trưởng Y tế Olivier Veran, cùng với Bộ trưởng Tài chính Bruno Le Maire, sẽ tổ chức một cuộc họp báo đánh giá tình hình và công bố chi tiết những quy định mới trong ngày 8/10.
Chính phủ Đức và chính quyền các bang ở nước này ngày 7/10 đã nhất trí siết chặt các biện pháp kiểm soát nguồn lây nhiễm nhằm kiềm chế xu hướng gia tăng số ca lây nhiễm ở mức cao hiện nay.
Chánh Văn phòng Thủ tướng Đức Helge Braun đã họp trực tuyến với đại diện 16 bang và nhất trí rằng tình trạng lây nhiễm đang gia tăng mạnh ở Đức khi thời tiết lạnh giá bắt đầu. Để đảm bảo việc ngăn chặn chuỗi lây nhiễm và truy vết tiếp xúc cũng như không để xảy ra tình trạng quá tải cho hệ thống y tế, các bang đã nhất trí thực thi nhất quán kế hoạch phòng chống lây nhiễm thông qua các quyết định phòng ngừa đã được thông qua trước đó. Trong số này có việc áp đặt các biện pháp hạn chế ngặt nghèo đối với những khu vực bị coi là điểm nóng của dịch khi số trường hợp nhiễm mới vượt 50 ca/100.000 dân trong vòng 7 ngày.
Đức ngày 7/10 cũng đã bổ sung thêm toàn bộ lãnh thổ Gruzia, Jordan, Romania và Tunisia vào danh sách các nước/khu vực có nguy cơ cao đối với COVID-19. Ngoài ra, nhiều khu vực tại các nước như Hà Lan, Bulgaria, Croatia, Litva, Slovakia, Slovenia và Hungary cũng đã được bổ sung vào danh sách.
Giới chức Đức thông báo tới hết ngày 7/10 nước này đã ghi nhận tổng cộng 3.439 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, mức cao nhất ghi nhận trong ngày kể từ ngày 17/4. Số trường hợp tử vong cũng tăng 20 ca, lên 9.568 người.
Tại Bỉ, nhà chức trách có kế hoạch siết chặt các biện pháp phòng dịch vào cuối tuần này, theo đó cấm mọi hoạt động tụ tập có trên 4 người tham gia. Bỉ hiện là một trong những quốc gia có tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên tổng số dân cao nhất trên thế giới, với hơn 10.000 ca tử vong trên 11 triệu dân, và số ca mắc COVID-19 trung bình mỗi ngày hiện ở mức trên 2.300 ca.
Đáng chú ý, người đứng đầu Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) Filippo Grandi ngày 7/10 thông báo ông có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 sau khi trực tiếp tham dự hai ngày họp đầu tiên của Hội đồng chấp hành của cơ quan này. Ông Grandi cho biết ông sẽ tiếp tục tham gia hội nghị này từ nhà vì phải cách ly sau khi có xét nghiệm mắc COVID-19.
Theo báo cáo mới của ngân hàng UBS (Thụy Sĩ) và hãng kiểm toán PwC, tổng giá trị tài sản của giới tỷ phú thế giới đã tăng lên mức cao kỷ lục trong đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 nhờ cổ phiếu tăng giá và lợi nhuận trong lĩnh vực công nghệ và chăm sóc y tế.
Báo cáo thống kê tài sản của hơn 2.000 tỷ phú, chiếm khoảng 98% tổng giá trị tài sản của các tỷ phú thế giới, theo đó tổng giá trị tài sản của số tỷ phủ này đã tăng hơn 25% trong những tháng đầu bùng phát đại dịch COVID-19, đến tháng 7 vừa qua đạt 10.200 tỷ USD, phá vỡ kỷ lục 8.900 tỷ USD ghi nhận cuối năm 2019.
Trong thời gian từ ngày 7/4 đến 31/7 năm nay, tài sản của các tỷ phú thuộc các ngành công nghiệp được UBS/PwC thống kê đã tăng ở mức hai con số, đặc biệt là các tỷ phú thuộc các lĩnh vực công nghệ và chăm sóc sức khỏe... có tổng giá trị tài sản tăng từ 36-44%.
Đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy xu hướng phát triển của các doanh nghiệp công nghệ, chăm sóc sức khỏe cũng như những người có tư duy đổi mới, đưa những tỷ phú của những lĩnh vực này vượt lên trên những tỷ phú trong các lĩnh vực khác.
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 5/10, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 9.278 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong vượt mốc 18.170 người.
Trong 24 giờ qua, khối ASEAN có 3 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia và Myanmar. Philippines vẫn dẫn đầu các nước thành viên hiệp hội về tổng số ca mắc bệnh.
Indonesia là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này trong ngày ghi nhận số ca bệnh mới và số ca tử vong mới cao nhất khu vực. Indonesia cũng dẫn đầu khu vực về tổng số bệnh nhân tử vong do đại dịch và bỏ xa các quốc gia khác.
Singapore trong ngày ghi nhận một số ca bệnh mới song đã nhiều tháng nay không phát sinh ca tử vong mới nào vì COVID-19. Trong khi đó, Malaysia tình hình đáng quan ngại hơn, nguy cơ làn sóng dịch mới đang hiện hữu khi ghi nhận trên 400 ca bệnh phát sinh.
Myanmar tình hình đang xấu đi nhanh chóng do nhiều ngày liền ghi nhận số ca mắc và tử vong đều tăng nhanh. Tình hình tại quốc gia thành viên này hiện rất đáng quan ngại với 1.400 ca bệnh mới và 39 người tử vong vì virus SARS-CoV-2 trong 1 ngày qua.
Malaysia cũng đang lo ngại về làn sóng dịch mới, khi nước này ghi nhận hàng trăm ca COVID-19 trong mấy ngày qua và xu thế này đang gia tăng.
Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 18.172 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 197 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 743.808 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 593.106 trường hợp.
Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch mới đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới. Trong 24 giờ qua, ASEAN có tới 7 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới.
Cùng ngày, Brunei, Timor-Leste, Campuchia và Lào là những nước ASEAN không có thêm ca bệnh COVID-19 nào trong ngày 7/10.