COVID-19 tới 6 giờ sáng 29/9: Thế giới trên 33,5 triệu ca bệnh; Châu Âu siết chặt phòng dịch trở lại

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 281.563 trường hợp mắc COVID-19 và 200.915 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu tăng lên trên 33,5 triệu người.

Chú thích ảnh
 Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Carson, bang California, Mỹ ngày 4/7/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 29/9 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 33.511.232 ca, trong đó có 1.005.465 người thiệt mạng.

Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 24. 841.158 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch giảm còn  65.316 ca và 7.664.609 ca đang điều trị tích cực.

Ngày 28/9, thế giới có tới 133 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 84 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua giảm nhẹ, nhất là ở các tâm dịch Mỹ, Ấn Độ và Brazil.  

Chú thích ảnh
 Nhân viên y tế làm nhiệm vụ tại một điểm xét nghiệm COVID-19 ở British Columbia, Canada ngày 24/9/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Trong vòng 1 ngày qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới là Ấn Độ (69.671 ca), Mỹ (29.083 ca) và Brazil (13.155 ca); trong khi đó Ấn Độ (với 777 ca), Brazil (282 ca), Mỹ (263 ca) và Iran (với 190 ca) ghi nhận số ca tử vong cao nhất.  

Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, tiềm ẩn nguy cơ lớn. Diễn biến dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi một số quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới. Châu Âu lại đối mặt với đợt bùng phát dịch mới khi số ca bệnh tăng mại trở lại ở các nước thành viên.

Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19 với 7.350.426 ca mắc và 209.716 ca tử vong, tiếp đến là Ấn Độ với 6.143.019 ca mắc và 96.351 ca tử vong. Brazil đứng thứ 3 thế giới về số ca mắc (4.745.464 ca), trong đó có 142.058 ca tử vong.

Chú thích ảnh
 Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Kolkata, Ấn Độ ngày 25/9/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Tại châu Á, Ấn Độ thông báo tổng số bệnh nhân COVID-19 tại nước này đã lên tới hơn 6 triệu người trong khi dịch bệnh vẫn tiếp tục lây lan mạnh. Theo Bộ Y tế Ấn Độ, trong 24 giờ qua, số ca bệnh và tử vong mới tại quốc gia Nam Á này có giảm nhẹ so với những ngày trước.

Tỷ lệ tử vong do COVID-19 ở Ấn Độ là 1,6%. Ấn Độ hiện là nước có số ca mắc COVID-19 cao thứ hai thế giới, sau Mỹ đã có hơn 7 triệu ca. Từ cuối tháng 8 đến nay, Ấn Độ liên tục ghi nhận 80.000 đến 90.000 ca nhiễm mới mỗi ngày - mức lây nhiễm cao nhất thế giới.

Chú thích ảnh
 Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Incheon, Hàn Quốc ngày 17/9/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Hàn Quốc đã bắt đầu thực thi kế hoạch siết chặt giãn cách xã hội nhằm kiểm soát dịch bệnh hiệu quả hơn trong các kỳ nghỉ sắp tới. Giai đoạn từ ngày 28/9-11/10 là giai đoạn đặc biệt tăng cường các biện pháp khống chế dịch bệnh, do có nhiều người sẽ đi lại trong dịp lễ Trung thu (kéo dài từ ngày 30/9 đến ngày 4/10).

Giới chức y tế kêu gọi người dân ở nhà trong các kỳ nghỉ lễ này. Để kiểm soát dịch tốt hơn, chính quyền đã công bố các quy định giãn cách cấp độ 2. Hàn Quốc ngày 28/9 ghi nhận thêm 50 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 23.661 ca. Đây là số ca nhiễm mới theo ngày thấp nhất ở Hàn Quốc kể từ ngày 11/8 vừa qua. Số ca tử vong tăng thêm 5 ca lên 406 ca. Tỷ lệ tử vong là 1,72%.

Chú thích ảnh
 Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho học sinh tại trường học ở Hàm Đan, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc, ngày 17/8/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

Cùng ngày, chính quyền thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc kêu gọi các nhà nhập khẩu tránh nhập thực phẩm đông lạnh từ những quốc gia đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng dịch COVID-19, sau khi phát hiện một số hải sản nhập khẩu dương tính với virus SARS-CoV-2.

Trong tháng 9 này, Trung Quốc đã đình chỉ nhập khẩu sản phẩm của một số nhà sản xuất hải sản tại Brazil, Indonesia và Nga trong một tuần hoặc lâu hơn.

Tại Australia, bang Victoria lần đầu tiên ghi nhận số ca nhiễm mới virus ở mức một con số. Cụ thể, trong 24 giờ qua, bang này chỉ ghi nhận thêm 5 ca mắc COVID-19 và 3 trường hợp tử vong, thấp hơn rất nhiều so với mức 700 vào đầu tháng 8.

Tín hiệu tích cực này là cơ sở để chính quyền địa phương dỡ bỏ một số biện pháp nghiêm ngặt nhất, trong đó có lệnh giới nghiêm ban đêm, nhằm khống chế sự lây lan của dịch bệnh tại thủ phủ Melbourne - tâm dịch của Australia trong làn sóng lây nhiễm thứ 2.

Cùng ngày, bang New South Wales - bang đông dân nhất Australia và bang Queensland cũng ghi nhận ngày thứ hai liên tiếp không có ca lây nhiễm trong cộng đồng trong hơn 3 tháng qua. Để khống chế sự lây lan của dịch bệnh, chính quyền thành phố Sydney đã quyết định cung cấp miễn phí hơn 20.000 khẩu trang có thể tái sử dụng cho những đối tượng dễ bị tổn thương nhất.

Chú thích ảnh
  Người dân tuân thủ các biện pháp an toàn để tránh nguy cơ bị lây nhiễm COVID-19. Ảnh: Trần Hiếu - PV TTXVN tại Nga

Tại châu Âu, số ca nhiễm virus theo ngày ở Nga đã tăng lên mức cao nhất kể từ hôm 16/6 khi giới chức nước này xác nhận thêm 8.135 ca mắc mới COVID-19.

Theo đó, tổng số ca mắc COVID-19 ở quốc gia này hiện lên đến 1.159.573 ca. Nga ghi nhận thêm 61 bệnh nhân nhiễm virus không qua khỏi, nâng tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại nước này lên 20.385 ca.  

Trong cuộc họp mở rộng của Đoàn Chủ tịch Hội đồng Nhà nước ngày 28/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố cuộc chiến chống virus corona vẫn tiếp diễn, và người dân không được mất cảnh giác, ngược lại, cần thể hiện trách nhiệm tối đa đối với bản thân và tất cả những người xung quanh.

Ông Putin nói: "Tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa rằng cuộc chiến chống đại dịch còn lâu mới kết thúc, nó vẫn tiếp tục diễn ra, không thể buông lỏng, mất cảnh giác". Nguyên thủ quốc gia Nga đồng thời yêu cầu người dân nước này làm theo tất cả các khuyến nghị của bác sĩ vì "điều này là cần thiết cho sự an toàn và bảo vệ sức khỏe".

 

Chú thích ảnh
  Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Praha, CH Séc. Ảnh: AFP/TTXVN

CH Séc thông báo có thêm 15 ca tử vong và 1.305 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 trong ngày 27/9. Tính đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại quốc gia 10,7 triệu dân này đã lên tới 64.597 ca, trong đó có 606 ca tử vong và 31.874 ca đã bình phục.

Theo số liệu của Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC), Séc hiện là điểm nóng dịch COVID-19 lớn thứ hai tại châu lục này, chỉ sau Tây Ban Nha, nếu tính theo tỷ lệ số ca nhiễm SARS-CoV-2 trên tổng số dân trong hai tuần qua.

Trong khi đó, Đức ghi nhận thêm 1.192 ca nhiễm mới và 3 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc và tử vong vì COVID-19 tại đây lên lần lượt là 286.420 ca và 9.460 ca. Thủ tướng Angela Merkel cảnh báo số ca mắc COVID-19 tại Đức có thể ở mức 19.200 ca/ngày nếu chiều hướng dịch bệnh hiện nay tiếp diễn.

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Đức nhấn mạnh vẫn phải tiếp tục duy trì hoạt động của nền kinh tế đầu tàu châu Âu. Do đó, bà kêu gọi giới chức Đức "phải nhanh chóng kiểm soát số ca lây nhiễm" đi đôi với việc "phải đặt ra các ưu tiên bao gồm duy trì hoạt động kinh tế, tiếp tục mở cửa trường học và các trường mẫu giáo".

Chú thích ảnh
 Người dân di chuyển trên đường phố tại Bonn, Đức, ngày 24/7/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Thủ đô Madrid của Tây Ban Nha đã mở rộng các vùng phong tỏa để ngăn chặn dịch bệnh. Kể từ 0h ngày 28/9, biện pháp hạn chế đi lại được mở rộng tới các khu vực có khoảng 167.000 người sinh sống.

Người dân chỉ được ra khỏi khu dân cư để đi làm, đi học và khám chữa bệnh nhưng không bị hạn chế trong nhà và vẫn được đi lại tự do trong khu dân cư. Như vậy, cùng với 850.000 người đang thực hiện các biện pháp hạn chế từ tuần trước, tới nay tổng số người dân tại Madrid chịu quy định hạn chế mới là hơn 1 triệu người, trên tổng số 6,6 triệu dân trên toàn khu vực. Tới nay quốc gia này ghi nhận hơn 700.000 ca bệnh, cao nhất tại EU, trong đó có hơn 31.000 ca tử vong.

Chú thích ảnh
Trong ảnh: Nhân viên y tế Ai Cập kiểm tra thân nhiệt du khách nhập cảnh tại sân bay quốc tế Luxor. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Trung Đông và châu Phi, Ai Cập đã quyết định mở cửa khẩu Rafah kết nối với Dải Gaza trong 3 ngày liên tiếp. Những bệnh nhân cần điều trị y tế, sinh viên, người mang hộ chiếu nước ngoài và Ai Cập, tùy thuộc vào việc họ đã thực hiện các xét nghiệm virus hay chưa, sẽ được phép đi qua cửa khẩu.

Trong khi đó, Jordan đã nối lại hoạt động tại cửa khẩu gần biên giới với Syria sau hơn 1 tháng phải đóng cửa do áp dụng các quy định mới nhằm ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm COVID-19 từ các tài xế xe tải vào vương quốc này.

Israel đã quyết định tạm dừng hoạt động kỷ niệm Ngày Chuộc lỗi (Yom Kippur), ngày lễ linh thiêng nhất của đạo Do Thái, trong bối cảnh chính quyền áp lệnh phong tỏa trên toàn quốc nhằm kiểm soát dịch. Theo lịch Do Thái, Ngày Chuộc lỗi bắt đầu vào tối 27/9 và kết thúc vào tối 28/9.

Kenya cũng thông báo gia hạn lệnh giới nghiêm để ngăn chặn dịch bệnh lây lan thêm 60 ngày. Tuy nhiên, lệnh giới nghiêm sẽ được rút ngắn chỉ có hiệu lực trong 2 giờ và kết thúc vào 23h hằng ngày. Tổng thống Uhuru Kenyatta nhận định dịch bệnh tại quốc gia này đã được kiểm soát và quyết định dỡ bỏ biện pháo cấm bán đồ uống có cồn tại các nhà hàng và quán bar.

Chú thích ảnh
 Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Vancouver, Canada, ngày 22/9/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Tại châu Mỹ, tình hình dịch bệnh COVID-19 đang có dấu hiệu xấu đi ở một số bang của Mỹ khi số ca dương tính với virus tăng nhanh trở lại. Theo dữ liệu phân tích tổng hợp từ Dự án truy vết COVID-19 của nước này, số ca dương tính tại nhiều bang Trung Tây của Mỹ đã tăng 25%, trong khi số ca phải nhập viện điều trị cũng tăng tại khu vực này.

Tại một số khu vực quanh New York, số ca dương tính với virus đang tăng ở mức báo động. Thực tế này làm dấy lên lo ngại làn sóng dịch bệnh thứ hai đe dọa New York, mặc dù chính quyền bang này này nỗ lực duy trì tỷ lệ nhiễm mới tại địa phương này dưới 1% trong suốt 1 tháng qua.

Ngày 28/9, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố kế hoạch phân phối 100 triệu bộ kiểm tra nhanh  virus SARS-CoV-2 cho các bang trong tuần này, đồng thời, kêu gọi  mạnh mẽ thống đốc các bang sử dụng chúng để mở cửa trở lại các trường học.

Chú thích ảnh
 Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện tại Toronto, Canada, ngày 17/9/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Phát biểu trong một cuộc họp báo diễn ra tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump nhấn mạnh thời gian đầu, việc  xét nghiệm virus SARS-CoV-2 phải được thực hiện ở các phòng thí nghiệm lớn với các thiết bị đắt đỏ, còn hiện tại mọi thứ đã khác. Các bộ kiểm tra của hãng Abbott rẻ hơn và nhanh hơn so với các bộ kiểm tra trong phòng thí nghiệm bởi có thể đưa ra kết quả trong khoảng 15 phút. Bộ kiểm tra này đã  đã được sử dụng rộng rãi tại các viện dưỡng lão. Với các xét nghiệm này, chính quyền Tổng thống Trump nỗ lực thúc đẩy các trường học tại Mỹ mở cửa trở lại và được duy trì.

Thông báo từ Nhà Trắng được đưa ra trong bối cảnh  các chuyên gia cảnh báo về sự gia tăng các trường hợp nhiễm mới COVID-19 vào mùa Thu và mùa Đông khi thời tiết lạnh khiến người dân ở trong nhà và làm tăng khả năng lây lan của virus này.

Chú thích ảnh
 Đo thân nhiệt cho khách thăm quan phòng lây nhiễm COVID-19 tại một ngôi đền ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 28/9, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 7.634 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 16.360 người.

Trong 24 giờ qua, khối ASEAN có 3 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia và Myanmar. Philippines hiện có tổng số ca mắc bệnh cao nhất trong số các nước thành viên hiệp hội, song số ca tử vong tiếp tục xu thế giảm trong những ngày gần đây.

Indonesia hiện là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này trong ngày ghi nhận số ca bệnh mới và số ca tử vong mới cao nhất khu vực. Indonesia cũng dẫn đầu khu vực về tổng số bệnh nhân tử vong do đại dịch và bỏ xa các quốc gia khác.

Chú thích ảnh
 Công dân Thái Lan chờ đợi tại một điểm kiểm tra hải quan ở Sungai Kolok, tỉnh Narathiwat, biên giới Thái Lan - Malaysia, ngày 18/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Singapore tiếp tục kiểm soát khá tốt tình hình và đã nhiều tuần nay không phát sinh ca tử vong mới nào vì COVID-19. Trong khi Malaysia tình hình đáng quan ngại hơn, nguy cơ làn sóng dịch mới đang hiện hữu khi nước này ghi nhận trên 110 ca bệnh trong ngày 28/9.

Myanmar mấy ngày qua có số ca mắc mới bất ngờ tăng đột biến và hiện đối mặt với nguy cơ dịch leo thang nhanh chóng. Tình hình tại quốc gia thành viên này hiện rất đáng quan ngại khi ghi nhận tới trên 897 ca bệnh mới và 30 người tử vong vì virus SARS-CoV-2 trong 1 ngày qua. Myanmar trở thành là ổ dịch mới tại Đông Nam Á.

Chú thích ảnh
 Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Yangon, Myanmar, ngày 26/9/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 16.368 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 154 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 671.484 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 525.724 trường hợp.

Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch mới đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới. Trong 24 giờ qua, ASEAN có 7 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới.

Trong khi đó, Brunei, Campuchia, Timor-Leste và Lào là những nước ASEAN không có thêm ca bệnh COVID-19 nào trong ngày 28/9. Tình hình dịch bệnh tại một số nước ASEAN, tạo điều kiện cho việc xúc tiến quá trình mở cửa trở lại và khôi phục hoạt động kinh tế xã hội.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
Dịch COVID-19 tại ASEAN hết 28/9: Thái Lan gia hạn tình trạng khẩn cấp; Myanmar thành ổ dịch mới
Dịch COVID-19 tại ASEAN hết 28/9: Thái Lan gia hạn tình trạng khẩn cấp; Myanmar thành ổ dịch mới

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 28/9, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 7.634 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 16.360 người.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN