Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 21/9 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 31.453.465 ca, trong đó có 968.251 người thiệt mạng.
Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 23.010.986 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch giảm còn 61.568 ca và 7.417.863 ca đang điều trị tích cực.
Ngày 21/9, thế giới có tới 130 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 83 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua giảm nhẹ.
Trong vòng 1 ngày qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới là Ấn Độ (88.965 ca), Mỹ (32.373 ca) và Brazil (13.439 ca); trong khi đó Ấn Độ (với 1.056 ca), Brazil (377 ca), Mỹ (280 ca) và Mexico (235 ca) ghi nhận số ca tử vong cao nhất. Ấn Độ đang nổi lên thành tâm dịch mới của thế giới.
Dù vậy, dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, tiềm ẩn nguy cơ lớn. Diễn biến dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi một số quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới.
Mỹ vẫn là nước chịu tác động mạnh nhất của dịch COVID-19 với trên 7 triệu ca nhiễm và trên 204.000 ca tử vong. Tuy nhiên, trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh mới và tử vong tại Mỹ đang giảm đáng kể và 24 giờ qua nước này chỉ ghi nhận có 280 bệnh nhân thiệt mạng vì virus SARS-CoV-2. Tiếp sau Mỹ là Ấn Độ với 5.60.105 ca nhiễm và 88.965 ca tử vong; Brazil với 4.558.068 ca nhiễm và 137.272 ca tử vong.
Tại châu Á, Ấn Độ thông báo mở cửa trở lại ngôi đền Taj Mahal tại thành phố Agra nhằm thu hút khách du lịch bất chấp dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.
Theo đó, các biện pháp giãn cách xã hội vẫn được áp dụng trong khi số du khách đến thăm đền Taj Mahal bị hạn chế ở mức 5.000 lượt người/ngày, chỉ bằng 25% so với thời điểm bình thường. Du khách cũng buộc phải mua vé vào cửa trực tuyến và được đo thân nhiệt khi đến địa điểm này.
Tình hình dịch bệnh tại Ấn Độ chưa có dấu hiệu lắng dịu khi số ca mắc mới và số ca tử vong hằng ngày vẫn ở mức cao, lần lượt là trung bình 100.000 ca và 1.000 ca. Tính đến thời điểm sáng 22/9, Ấn Độ đã ghi nhận hơn 5.560.105 triệu người mắc bệnh và 88.965 ca tử vong.
New Zealand sẽ dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp hạn chế trên cả nước, trừ Auckland -thành phố đông dân nhất nước này. Theo đó, mức cảnh báo tại thành phố Auckland sẽ hạ xuống cấp 2 từ ngày 24/9 tới.
Với mức này, các sự kiện được phép diễn ra với số người tham gia không quá 100 người. Trong khi đó, những thành phố còn lại sẽ chuyển xuống mức cảnh báo cấp 1 từ đêm 21/9. Tính đến nay, tổng số người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại New Zealand là 1.815 người.
Bang Victoria của Australia ngày 21/9 ghi nhận 11 ca nhiễm mới - mức thấp nhất trong 3 tháng qua. Dù vậy, chính quyền bang này khẳng định không có kế hoạch nới lỏng các biện pháp hạn chế trước kế hoạch đã đề ra.
Bang Victoria dự kiến sẽ nới lỏng các biện pháp hạn chế từ ngày 28/9 nếu số ca mắc trung bình trong 2 tuần qua dưới con số 50. Hiện số ca nhiễm trung bình trong 2 tuần qua tại thành phố Melbourne - tâm dịch tại bang Victoria, là 35.
Australia đặt mục tiêu gỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp hạn chế tại bang Victoria vào cuối tháng 10 nếu số ca nhiễm mới bình quân trong 2 tuần dưới 5 ca/ngày.
Tính đến sáng 21/9, Hàn Quốc ghi nhận tổng cộng 23.045 ca mắc bệnh, tăng 70 ca so với số liệu một ngày trước, bao gồm 55 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 15 ca có yếu tố ngoại nhập. Đây là ngày thứ hai liên tiếp Hàn Quốc duy trì số ca nhiễm COVID-19 mới ở mức 2 con số.
Mặc dù số ca nhiễm mới mỗi ngày đã có xu hướng giảm, song giới chức y tế Hàn Quốc nhận định vẫn chưa thể nới lỏng công tác phòng dịch vì tỷ lệ ca nhiễm chưa rõ nguồn gốc vẫn tiếp tục gia tăng, trong bối cảnh chỉ còn hơn một tuần nữa là tới kỳ nghỉ Tết Trung thu.
Dịch bệnh hiện vẫn diễn biến phức tạp tại Trung Đông. Bộ Y tế Iraq thông báo cấm người nước ngoài nhập cảnh nước này trong bối cảnh số ca nhiễm gia tăng tại nước này cũng như các nước láng giềng.
Iraq mới ghi nhận thêm 3.438 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên 319.035 ca. Số ca tử vong cũng tăng thêm 64 ca lên 8.555 ca, trong khi số ca bình phục tăng thêm 4.052 ca lên 253.591 ca.
Số ca mắc và tử vong do COVID-19 tại các nước láng giềng của Iraq cũng gia tăng. Bộ Y tế Iran xác nhận thêm 3.097 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 422.140 ca. Số ca tử vong tăng 183 ca lên 24.301 ca, trong khi tổng số ca khỏi bệnh tăng lên 359.570 ca.
Bộ Y tế Saudi Arabia xác nhận thêm 483 ca mắc mới. Đây là số ca mắc trong một ngày thấp nhất tại vương quốc này kể từ giữa tháng 4, theo đó nâng tổng số ca mắc tại Saudi Arabia lên 329.754 ca. Số ca tử vong tăng 27 ca lên 4.485 ca, trong khi số ca bình phục tăng thêm 1.009 ca lên 310.439 ca.
Tại châu Âu, Nga thông báo dỡ bỏ lệnh cấm nhập cảnh từng áp dụng với các công dân một số nước. Cụ thể, Chính phủ Nga cho biết đã dỡ bỏ lệnh cấm nhập cảnh với người tới từ Hàn Quốc, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan đồng thời người dân Nga có thể tới những quốc gia trên.
Ngày 21/9, Nga ghi nhận 6.196 ca mắc mới, mức tăng theo ngày cao nhất kể từ ngày 18/7, nâng tổng số ca nhiễm trên cả nước lên 1.109.595 ca. Hiện Nga đứng thứ 4 thế giới về số ca mắc COVID-19. Nhà chức trách Nga cũng thông báo trong vòng 24 giờ qua, nước này có thêm 71 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên 19.489 ca.
Cộng hòa Kyrgyzstan đã nối lại các chuyến bay thường lệ với Nga. Cụ thể, tuyến bay Bishkek - Moscow - Bishkek sẽ được khai thác mỗi tuần một lần vào thứ Sáu hằng tuần.
Tại Đức, ngày 21/9, chính quyền thành phố München thuộc bang Bayern, miền Nam nước này đã quyết định thắt chặt việc thực hiện các quy định về giãn cách xã hội trong bối cảnh số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đang có dấu hiệu bùng phát trở lại.
Trong một tuyên bố, Thị trưởng München, ông Dieter Reiter cho biết kể từ ngày 24/9 tới, người dân thành phố này bắt buộc phải đeo khẩu trang tại nơi công cộng và các địa điểm du lịch nổi tiếng ở trung tâm thành phố, cũng như quy định không quá 5 người hoặc các thành viên của 2 hộ gia đình được gặp nhau ở nơi công cộng.
Bên cạnh đó, chính quyền cũng yêu cầu số người tham dự các sự kiện tổ chức trong không gian kín không quá 25 người và tối đa 50 người đối với các sự kiện ngoài trời. Quy định này được áp dụng đối với các buổi lễ kỷ niệm như sinh nhật, đám cưới hoặc đám tang. Hiện tình trạng lây nhiễm COVID-19 trên toàn nước Đức cũng đang gia tăng tới mức chưa từng thấy kể từ tháng 4 vừa qua, song tỷ lệ này vẫn còn thấp so với mức tăng đột biến được ghi nhận ở các quốc gia châu Âu khác như Pháp và Tây Ban Nha.
Người phát ngôn Chính phủ Đức Steffen Seibert khuyến cáo người dân cần thận trọng và không chủ quan. Ông cảnh báo những gì đang xảy ra tại một số nước đối tác châu Âu một lần nữa cho thấy sự lây lan của dịch bệnh COVID-19 gần như không thể kiểm soát được và không có lý do gì để tin rằng điều này sẽ không xảy ra tại Đức.
Tại Tây Ban Nha, khoảng 1 triệu người dân trong và xung quanh thủ đô Madrid bắt đầu thực hiện lệnh phong tỏa một phần để kiềm chế số ca mắc mới. Các biện pháp hạn chế tại Madrid sẽ kéo dài 2 tuần, tác động chủ yếu tới những người dân sinh sống ở các khu dân cư đông đúc và thu nhập thấp.
Những người này sẽ chỉ được phép đi lại trong những trường hợp đặc biệt như đi làm, đưa trẻ tới trường hoặc đi khám chữa bệnh. Tây Ban Nha đã ghi nhận tổng cộng hơn 659.000 ca mắc COVID-19 - nhiều nhất ở Tây Âu, trong đó 30.495 người đã tử vong.
Giới chuyên gia cảnh báo Vương quốc Anh đang ở “thời điểm nguy cấp” trong cuộc chiến với dịch bệnh, có thể chứng kiến tỷ lệ tử vong do căn bệnh này gia tăng theo cấp số nhân trong những tuần tới nếu không hành động khẩn cấp nhằm ngăn chặn đà lây lan nhanh trong làn sóng thứ 2 của đại dịch.
Với trên 41.000 ca tử vong, Anh hiện là nước có số người tử vong do COVID-19 cao nhất tại châu Âu và đứng thứ 5 trên thế giới. Tuy nhiên, hiện số ca nhiễm mới ở nước này đang tăng với tốc độ ít nhất 6.000 người/ngày, cứ sau 8 ngày, số bệnh nhân nhập viện lại tăng gấp đôi, và hệ thống xét nghiệm đang quá tải.
Các chuyên gia cảnh báo khoảng thời gian 6 tháng tới sẽ rất khó khăn vì virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 – giống các loại viêm nhiễm đường hô hấp khác – sẽ hoạt động mạnh hơn trong thời tiết lạnh, trong khi đó các nghiên cứu hiện tại cho thấy mới chỉ có khoảng 8% dân số Anh đã có kháng thể với virus.
Trước tình hình diễn biến phức tạp và đối mặt với nguy cơ một đợt bùng phát mới, ngày 21/9, Thủ tướng Anh Boris Johnson thông báo ông sẽ tái áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Theo đó, các quán rượu, hộp đêm và nhà hàng trên phạm vi toàn quốc sẽ phải đóng cửa lúc 22h hàng ngày.
Ngày 21/9, phát biểu trực tuyến tại Diễn đàn đối thoại giữa các nền văn hóa khác nhau “Cortile di Francesco 2020”, được tổ chức tại Italy, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đánh giá Italy là hình mẫu trong đối phó với đại dịch COVID-19.
Ông Tedros cho rằng: “Italy là một hình mẫu, với sự đoàn kết, cam kết chung và khiêm tốn, quốc gia này đã có thể đảo ngược cả tình huống xấu nhất”. Theo ông Tedros, Italy đã đưa ra những quyết định khó khăn và kiên quyết. Điều này đã làm giảm rõ rệt tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng và cứu sống nhiều người.
Tính tới hết ngày 21/9, Italy đã ghi nhận gần 300.000 ca mắc COVID-19, trong đó có 35.724 trường hợp không qua khỏi.
Dịch COVID-19 được cho là đang ủ bệnh ở khắp nước Mỹ khi mùa cúm sắp tới. Khi nước Mỹ đang tiến gần tới mốc đáng buồn - 200.000 ca tử vong do dịch bệnh, đại dịch nguy hiểm này không còn chỉ tập trung tại một hay hai "tâm chấn".
Thay vào đó, bệnh đang âm ỉ lây lan khắp các bang, làm dấy lên lo ngại rằng khi thời tiết chuyển lạnh, số ca nhiễm có thể tăng mạnh hơn trong những tháng mùa Thu và mùa Đông sắp tới. Trung bình mỗi ngày, nước Mỹ ghi nhận hơn 800 người tử vong do virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19.
Mặc dù số ca mắc mới giảm khoảng 50% so với mức đỉnh điểm hồi tháng 7, song Mỹ vẫn ghi nhận trung bình gần 40.000 ca mắc mới/ngày, cao nhất trong các nước phát triển. Trong khi đó, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ cũng cảnh báo người dân Mỹ đang chuẩn bị đối mặt với "mùa Thu tồi tệ nhất, từ góc độ sức khỏe cộng đồng", viện dẫn mối lo ngại kịch bản "nguy cơ kép" - đó là sự gia tăng số ca mắc COVID-19 và cúm mùa khiến các bệnh viện quá tải.
Các ca mắc COVID-19 tại Mỹ đang có xu hướng tăng lên tại khoảng 20 trong tổng số 50 bang, trong đó có cả các khu vực từng là tâm dịch như New Jersey và New York - vốn ghi nhận số ca mắc đi xuống trong một vài tháng gần đây.
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 21/9, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 8.349 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 15.000 người.
Trong 24 giờ qua, khối ASEAN có 3 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia và Myanmar. Indonesia vẫn là nước dẫn đầu khu vực về tổng số bệnh nhân tử vong do đại dịch.
Philippines hiện có tổng số ca mắc bệnh cao nhất trong số các nước thành viên hiệp hội. Số ca bệnh phát sinh trong ngày tại ASEAN tăng nhẹ trong vòng 1 ngày qua.
Indonesia hiện là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN hiện nay, khi nước này trong ngày ghi nhận số ca bệnh mới và số ca tử vong mới cao nhất khu vực. Philippines số ca tử vong bất ngờ giảm mạnh trong 24 giờ qua.
Singapore và Malaysia vẫn ghi nhận hàng chục ca bệnh mới mỗi ngày, song Singapore tiếp tục kiểm soát khá tốt tình hình và đã nhiều tuần nay không phát sinh ca tử vong mới nào vì COVID-19.
Myanmar mấy ngày qua có số ca mắc mới bất ngờ tăng đột biến và hiện đối mặt với nguy cơ dịch leo thang nhanh chóng. Tình hình tại quốc gia thành viên này hiện rất đáng quan ngại khi ghi nhận tới trên 600 ca bệnh mới trong 1 ngày qua.
Cụ thể, virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 15.028 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 145 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 618.120 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 483.846 trường hợp.
Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch mới đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới. Trong 24 giờ qua, ASEAN có 5 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới.
Tín hiệu đáng mừng là Việt Nam, Thái Lan, Brunei, Campuchia, Timor-Leste và Lào là những nước ASEAN không có thêm ca bệnh COVID-19 nào trong ngày 21/9. Tình hình dịch bệnh tại một số nước ASEAN, tạo điều kiện cho việc xúc tiến quá trình mở cửa trở lại và khôi phục hoạt động kinh tế xã hội.