Dịch COVID-19 tại ASEAN hết 21/9: Toàn khối trên 15.000 ca tử vong; Myanmar tình hình xấu đi nhanh chóng

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 21/9, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 8.349 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 15.000 người.

Chú thích ảnh
 Nhân viên y tế làm việc tại điểm xét nghiệm COVID-19 tại Manila, Philippines, ngày 28/7/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Trong 24 giờ qua, khối ASEAN có 3 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia và Myanmar. Indonesia vẫn là nước dẫn đầu khu vực về tổng số bệnh nhân tử vong do đại dịch.

Philippines hiện có tổng số ca mắc bệnh cao nhất trong số các nước thành viên hiệp hội. Số ca bệnh phát sinh trong ngày tại ASEAN tăng nhẹ trong vòng 1 ngày qua.

Indonesia hiện là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN hiện nay, khi nước này trong ngày ghi nhận số ca bệnh mới và số ca tử vong mới cao nhất khu vực. Philippines số ca tử vong bất ngờ giảm mạnh trong 24 giờ qua.

Singapore và Malaysia vẫn ghi nhận hàng chục ca bệnh mới mỗi ngày, song Singapore tiếp tục kiểm soát khá tốt tình hình và đã nhiều tuần nay không phát sinh ca tử vong mới nào vì COVID-19.

Myanmar mấy ngày qua có số ca mắc mới bất ngờ tăng đột biến và hiện đối mặt với nguy cơ dịch leo thang nhanh chóng. Tình hình tại quốc gia thành viên này hiện rất đáng quan ngại khi ghi nhận tới trên 600 ca bệnh mới trong 1 ngày qua.

Chú thích ảnh
 Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Yangon, Myanmar, ngày 26/8/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 15.028 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 145 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 618.120 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 483.846 trường hợp.

Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch mới đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới. Trong 24 giờ qua, ASEAN có 5 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới.

Tín hiệu đáng mừng là Việt Nam, Thái Lan, Brunei, Campuchia, Timor-Leste và Lào là những nước ASEAN không có thêm ca bệnh COVID-19 nào trong ngày 21/9. Tình hình dịch bệnh tại một số nước ASEAN, tạo điều kiện cho việc xúc tiến quá trình mở cửa trở lại và khôi phục hoạt động kinh tế xã hội.

Số liệu dịch COVID-19 tại khu vực ASEAN ngày 21/9:

Quốc gia Tổng số ca mắc Ca mắc mới Tổng số ca tử vong Ca tử vong mới Ca phục hồi
Philippines 290.190 +3.475 4.999 +15 230.233
Indonesia 248.852 +4.176 9.677 +124 180.797
Singapore 57.607 +31 27   57.241
Malaysia 10.276 +57 130   9.395
Myanmar 6.151 +610 98 +6 1.445
Thái Lan 3.506   59   3.342
Việt Nam 1.068   35   947
Campuchia 275       274
Brunei 145   3   142
Timor-Leste 27       26
Lào 23       22
Chú thích ảnh
 Một địa điểm xét nghiệm COVID-19 tại Manila, Philippines. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 21/9, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã quyết định nới lỏng lệnh cấm xuất cảnh đối với các y tá cũng như nhân viên y tế khác nhằm tạo điều kiện cho nhiều người tìm được công việc ở nước ngoài hơn. Quyết định trên được nhà lãnh đạo Philippines đưa ra trong bối cảnh chính phủ nước này tin rằng đã kiểm soát được dịch bệnh COVID-19.

Phát biểu họp báo, người phát ngôn Tổng thống, ông Harry Roque, cho biết Tổng thống Duterte đã đồng ý với đề xuất của Bộ Lao động về việc mở rộng các miễn trừ trong lệnh cấm ra nước ngoài đối với những người đã có hợp đồng làm việc ở nước ngoài và đã hoàn tất giấy tờ, thủ tục tính tới ngày 31/8.

Theo ông Roque, sẽ có 1.500 người được hưởng lợi từ quyết định mới trên của Tổng thống Duterte. Cho tới nay, chỉ những người có hợp đồng làm việc nước ngoài tính tới ngày 8/3 mới được phép xuất cảnh.

Chú thích ảnh
 Cảnh sát tuần tra để nhắc nhở người dân thực hiện các biện pháp phòng dịch COVID-19 tại Manila, Philippines. Ảnh: AFP/TTXVN

Các nhân viên y tế của Philippines thường có mặt ở tuyến đầu chống dịch tại các bệnh viện ở Mỹ, châu Âu, Trung Đông cũng như ở trong nước. Tháng 4 vừa qua, Chính phủ Philippines ban hành lệnh cấm các y tá, bác sĩ và các nhân viên y tế khác ra nước ngoài, cho rằng họ cần phải tham gia nỗ lực ứng phó với cuộc khủng hoảng COVID-19 trong nước.

Philippines vẫn đang phải tập trung ứng phó với làn sóng lây nhiễm COVID-19 đầu tiên. Hiện Philippines có số ca mắc COVID-19 cao nhất khu vực Đông Nam Á, với gần 286.743 ca, trong đó có 4.984 ca tử vong, chỉ đứng sau Indonesia.

Tuy nhiên, ông Roque nhấn mạnh không có lý do phải hoảng sợ và Philippines đã kiểm soát được dịch thông qua các biện pháp cách ly, truy vết và điều trị.

Chú thích ảnh
 Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Yogyakarta, Indonesia ngày 10/9/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Trong khi đó, tại Indonesia, cùng ngày, Bộ Y tế nước này thông báo có thêm 4.176 ca mắc, mức cao nhất được ghi nhận trong một ngày. Tính tới nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Indonesia đã lên tới 248.852 ca. Ngoài ra, nước này cũng ghi nhận thêm 124 ca tử vong, nâng tổng số bệnh nhân không qua khỏi do dịch COVID-19 lên 9.677 người, cao nhất tại Đông Nam Á.

Tình hình dịch bệnh phức tạp đã khiến các nhóm tôn giáo và các chuyên gia lên tiếng hối thúc nhà chức trách nước này hoãn tổ chức cuộc bầu cử khu vực, dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 9/12 tới. Cuộc bầu cử này, nhằm bầu hàng trăm vị trí lãnh đạo địa phương chủ chốt, là một nhiệm vụ trọng tâm tại quốc đảo gồm hơn 260 triệu dân này, song đã bị trì hoãn một lần do đại dịch COVID-19.

Trong một bình luận trên truyền thông, cựu Phó Tổng thống Jusuf Kalla, hiện là người đứng đầu Hội Chữ thập đỏ ở Indonesia, cảnh báo cuộc bầu cử vào tháng 12 tới có thể sẽ gây nguy hiểm cho sức khỏe người dân. Các nhóm tôn giáo lớn nhất tại Indonesia như Nadhlatul Ulama và Muhammadiyah cũng hối thúc giới chức nước này hoãn cuộc bầu cử do gia tăng số ca mắc COVID-19.

Chú thích ảnh
 Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở thành phố Bogor, Indonesia ngày 3/9/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, người phát ngôn Tổng thống Fadjroel Rahman khẳng định cuộc bầu cử phải được tiến hành theo kế hoạch với các quy định y tế nghiêm ngặt. Ông nêu rõ: "Tổng thống Joko Widodo đã tái khẳng định rằng các cuộc bầu cử này không thể đợi cho tới khi đại dịch qua đi, bởi không có nước nào biết được khi nào đại dịch chấm dứt."

Về phía Ủy ban Bầu cử Indonesia (KPU), một người phát ngôn cho biết đã nhận được hai ý kiến đề xuất hoãn tổ chức các cuộc bầu cử khu vực sang năm tới và chính phủ vẫn giữ nguyên lập trường tổ chức bầu cử vào tháng 12.

Chú thích ảnh
 Kiểm tra thân nhiệt cho người dân để phòng lây nhiễm COVID-19 tại một hội chợ ẩm thực ở Phuket, Thái Lan, ngày 13/9/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Tại Thái Lan, Cục Di trú Thái Lan (IB) đã đề nghị du khách nước ngoài còn bị mắc kẹt tại quốc gia Đông Nam Á này khẩn trương làm thủ tục gia hạn thị thực nhập cảnh (visa) trước khi thời gian ân hạn kết thúc vào ngày 26/9 tới.

Phó phát ngôn viên IB - Đại tá Cảnh sát Pakpong Sai-ubol cho biết hơn 150.000 người nước ngoài cần phải gia hạn visa du lịch chậm nhất vào ngày 26/9, nếu không sẽ phải đối mặt với cáo buộc ở lại quá hạn. Theo quan chức này, các trường hợp quá hạn visa du lịch có thể bị phạt tù và phạt tiền theo Luật Nhập cư và sẽ bị trục xuất.

Luật pháp Thái Lan quy định bất cứ ai ở quá hạn visa hơn 90 ngày đều bị cấm nhập cảnh trong vòng một năm và có thể bị kéo dài đến suốt đời nếu thời gian lưu trú quá hạn vượt quá 10 năm.

Nhiều du khách nước ngoài đã bị mắc kẹt ở Thái Lan vào thời điểm bắt đầu đại dịch COVID-19 vào cuối tháng 3 khi các chuyến bay quốc tế bị đình chỉ và biên giới trên bộ bị đóng cửa để ngăn chặn virus gây bệnh lây lan. Các du khách đã được phép ở lại ngay cả khi thị thực của họ đã hết hạn. Tuy nhiên, thời gian gia hạn kết thúc vào 26/9 và ngày đó cũng là hạn chót để gia hạn visa.       

Về tình hình COVID-19 tại Thái Lan, trong 24 giờ qua, nước này không có thêm ca nhiễm mới nào. Tính đến trưa 21/9, Thái Lan đã ghi nhận tổng cộng 3.506 ca mắc COVID-19, trong đó có 59 trường hợp tử vong.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
COVID-19 tại ASEAN hết 20/9: Một ngày trên 8.000 ca nhiễm mới, Myanmar tình hình báo động
COVID-19 tại ASEAN hết 20/9: Một ngày trên 8.000 ca nhiễm mới, Myanmar tình hình báo động

Tính tới hết ngày 20/9, số người mắc COVID-19 tại ASEAN là 609.799 ca, trong đó 14.883 người đã tử vong. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN