COVID-19 tới 6 giờ sáng 21/7: Mỹ-Ấn-Brazil chưa hạ nhiệt; WHO cảnh báo châu Phi là tâm dịch tiếp theo

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 190,433 trường hợp mắc COVID-19 và 3.665 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu tăng lên trên 14,8 triệu người.

Chú thích ảnh
 Khách hàng đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại một cửa hàng ở Galeries Lafayette, Paris, Pháp ngày 16/7/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 21/7 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 14.830.769 ca, trong đó có 612.251 người thiệt mạng.

Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 8.888.638 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch giảm còn  59.749 ca và 5.329.880 ca đang điều trị tích cực.

Ngày 20/7, thế giới có 128 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 83 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. Nhiều nước ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày tăng cao nhất kể từ khi dịch bùng phát, xu thế đại dịch bùng phát trở lại đang rõ ràng hơn.

Chú thích ảnh
 Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở Pretoria, Nam Phi ngày 10/7/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong 1 ngày qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới có Mỹ (58.474 ca), Ấn Độ (36.810) và Brazil (18.750 ca); trong khi Ấn Độ (596 ca), Brazil (587 ca) và Mỹ (434 ca) ghi nhận số ca tử vong cao nhất.

Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, vẫn tiềm ẩn nguy cơ lớn. Diễn biến dịch bệnh cực đoan, đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi một số quốc gia đối mặt với nguy cơ bùng phát đợt dịch thứ hai, thứ ba.

Châu Á có một số nước đã phải tái áp đặt các biện pháp phòng dịch do số ca dương tính với virus corona chủng mới này tăng trở lại, Ấn Độ hiện đã đứng thứ ba thế giới và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc bệnh COVID-19.

Chú thích ảnh
 Chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 lên xe cứu thương tại Liege, Bỉ ngày 10/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Châu Âu tiếp tục xu thế "hạ nhiệt", tạo điều kiện để các quốc gia tại châu lục này nới lỏng các biện pháp phòng dịch và từng bước mở cửa biên giới, khôi phục hoạt động kinh tế.  

Châu Mỹ tiếp tục là điểm nóng của đại dịch COVID-19 với số ca nhiễm đặc biệt tăng mạnh trong những ngày gần đây tại Brazil, Mexico, Colombia... Top10 nước có số ca tử vong cao nhất thế giới trong ngày thì châu Mỹ đóng góp tới 6 nước.

Trong cuộc họp báo ngày 20/7, lãnh đạo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo nguy cơ đại dịch bùng phát mạnh ở châu Phi thời gian tới là “rất nguy hiểm”.

Chú thích ảnh
 Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 khi xếp hàng bên ngoài một cửa hàng ở New York, Mỹ, ngày 14/7/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Mỹ vẫn là quốc gia chịu tác động mạnh nhất của dịch bệnh với 3.957.024 ca nhiễm và 143.723 ca tử vong. Tiếp đó là Brazil với 2.118.646 ca nhiễm và 80.120 ca tử vong; Ấn Độ hiện đã xếp thứ 3 thế giới về số ca mắc với 1.154.917 trường hợp.

Cũng tại châu Mỹ, Bộ trưởng Y tế Ecuador Juan Carlos Zevallos cảnh báo tình hình dịch COVID-19 tại thủ đô Quito đang rất "nguy cấp". Theo ông, trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 7, các bệnh viện công ở thủ đô Quito đã mở rộng các cơ sở chăm sóc tích cực từ 61 lên 162. Nhu cầu giường bệnh đã tăng 1,6 lần trong cùng giai đoạn.

Ông Zevallos nhấn mạnh: "Tình hình tại Quito và tỉnh lân cận Pichincha, đang rất nguy cấp. Điều này đồng nghĩa các khu vực chăm sóc tích cực đều đã đầy chặt bệnh nhân". Tuy nhiên, Bộ trưởng Zevallos cho biết các bệnh viện đã có một số điều chỉnh trong việc điều trị bệnh nhân nội trú và các bộ phận cấp cứu nhằm đảm bảo mọi bệnh nhân đều được điều trị tại thủ đô.

Theo thống kê chính thức, thủ đô Quito là thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch COVID-19 tại Ecuador, sau vùng tâm dịch Guayaquil. Hiện số ca nhiễm tại quốc gia Nam Mỹ này đã lên tới trên 74.000 ca, trong đó có trên 5.300 ca tử vong.

Chú thích ảnh
Khách du lịch tại Puerto Ayora trên đảo Santa Cruz, quần đảo Galapagos, cách bờ biển Ecuador 1000km. Ảnh: AFP/ TTXVN

Ở châu Âu, nhà chức trách Pháp thông báo đã ghi nhận khoảng 400-500 ổ dịch COVID-19, nhưng không có dấu hiệu cho thấy nguy cơ tái bùng phát dịch bệnh nguy hiểm này.

Theo Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran, nhiều ổ dịch hiện nay có liên quan tới các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm và các trung tâm chăm sóc như nhà dưỡng lão. Những ổ dịch khác có liên quan tới các cuộc tụ họp trong gia đình vào dịp nghỉ Hè.

Mặc dù khẳng định ở thời điểm hiện tại Pháp vẫn chưa phải đối mặt với "làn sóng dịch COVID-19 thứ hai", song Bộ trưởng Veran nhấn mạnh việc đeo khẩu trang vẫn bắt buộc tại tất cả không gian công cộng kín như các cửa hàng, các khu chợ trong nhà và các tòa nhà hành chính. Những người không chấp hành sẽ bị phạt 135 euro (155 USD).

Chú thích ảnh
 Du khách đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 khi thăm quan Viện bảo tàng Louvre ở Paris, Pháp ngày 6/7/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Theo Cơ quan Y tế Pháp Sante Publique, hiện tỷ lệ lây nhiễm của virus SARS-CoV-2 đang ở mức 1,2, đồng nghĩa trung bình cứ 10 người bị nhiễm lại lây cho 12 người khác. Tuy nhiên, tại một số khu vực trên lãnh thổ của Pháp, tỷ lệ này còn cao hơn nhiều, đặc biệt lên tới 1,55 ở các khu vực Marseille và Nice. Nếu xu hướng đáng lo ngại này tiếp diễn, chính phủ sẽ cân nhắc tái áp đặt lệnh phong tỏa cục bộ hoặc thậm chí sắc lệnh ở trong nhà mới trên phạm vi toàn quốc.

Bộ trưởng Veran nhấn mạnh: "Mọi phương án đều đang được cân nhắc". Với hơn 30.150 ca tử vong, Pháp là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch COVID-19 tại châu Âu.

Chú thích ảnh
 Người dân đeo khẩu trang tại một nhà hàng ở London, Anh, ngày 4/7. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã bác bỏ việc áp đặt một lệnh phong tỏa quốc gia khác khi cho rằng nước này không chỉ đang thực hiện tốt việc phát hiện ca bệnh và tiến hành cách ly, mà còn hiểu rõ hơn về các nhóm đối tượng nguy cơ cao cũng như cách thức lây nhiễm để triển khai biện pháp ứng phó cụ thể.

Ngày 20/7, Nga – quốc gia có số ca mắc COVID-19 cao thứ 4 trên thế giới – thông báo đã ghi nhận thêm 5.940 ca mắc trong 24 giờ qua. Đây là lần đầu tiên Nga thông báo số ca mắc mới dưới 6.000 ca kể từ cuối tháng 4 vừa qua.

Cũng trong 24 giờ qua, Nga xác nhận thêm 85 ca không qua khỏi do COVID-19 – số ca tử vong trong ngày thấp nhất kể từ ngày 4/5. Như vậy, hiện nước này ghi nhận tổng cộng 777.486 ca mắc, trong đó có 12.427 ca tử vong.

Chú thích ảnh
 Người dân đeo khẩu trang phòng COVID-19 tại Hong Kong, Trung Quốc ngày 17/7/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Tại châu Á, tình hình dịch COVID-19 ở những tỉnh, thành lớn ở Nhật Bản vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp. Giới chức y tế xác nhận nước này vừa phát hiện thêm 511 ca mới nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó, thủ đô Tokyo đã ghi nhận thêm 188 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở thành phố này lên 9.411 ca.

Mặc dù đây là lần đầu tiên trong 4 ngày qua, số ca nhiễm mới ở Tokyo giảm xuống dưới mức 200 ca, song đáng chú ý, trong số các ca nhiễm mới, 118 ca không thể xác định đường lây nhiễm, 32 ca được cho là nhiễm bệnh ở các khu vui chơi, giải trí về đêm, trong khi 13 ca bị nhiễm khi ăn tối ở bên ngoài và 11 người khác từ các thành viên trong gia đình.

Ngoài ra, chính quyền thành phố cũng phát hiện thêm 3 người có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 sau khi xem vở kịch tại Nhà hát Moliere ở quận Shinjuku, nâng tổng số ca mắc COVID-19 liên quan tới nhà hát này lên 55 ca.

Chú thích ảnh
 Học sinh tiểu học xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Joongnang, Hàn Quốc, ngày 5/7/2020. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Cùng với Tokyo, số ca nhiễm mới ở tỉnh Osaka của Nhật Bản đang gia tăng đáng báo động. Tỉnh này phát hiện thêm 89 ca nhiễm mới, cao thứ 2 kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở đây lên 2.420 ca. Con số cao nhất theo ngày trước đó là 92 ca vào ngày 9/4.

Cùng ngày, Hàn Quốc ghi nhận lần đầu tiên trong hơn 3 tuần qua số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 ở mức dưới 30 ca. Đây là dấu hiệu sự lây nhiễm COVID-19 ở nước này đang chậm lại, dù số ca "nhập khẩu" tiếp tục tăng 2 con số.

Chú thích ảnh
 Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho hành khách tại sân bay quốc tế Incheon, phía tây thủ đô Seoul, Hàn Quốc, ngày 1/4/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

Thống kê của Trung tâm Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) ghi nhận 26 ca mắc mới COVID-19, trong đó chỉ có 4 ca lây nhiễm trong nước. Đây cũng là lần đầu tiên trong 2 tháng qua số ca lây nhiễm trong cộng đồng ở mức một con số, đồng thời là sự chuyển biến mạnh so với ngày 19/7 ghi nhận số trường hợp lây nhiễm trong nước nhiều hơn số ca nhiễm nhập cảnh. Trong số các trường hợp nhiễm mới ở trong nước có 2 ca ở thủ đô Seoul.

Hàn Quốc đã ghi nhận gia tăng mạnh số ca mắc COVID-19 nhập cảnh, chủ yếu là công nhân trở về từ Iraq và một loạt ca nhiễm trên các tàu treo cờ Nga cập cảng thành phố Busan miền Nam Hàn Quốc.
Trung Quốc cũng ghi nhận diễn biến tích cực về tình hình dịch COVID -19 khi không có ca nhiễm mới nào tại thủ đô Bắc Kinh trong ngày 19/7.

Như vậy, thành phố này đã có 14 ngày liên tiếp không xuất hiện trường hợp nhiễm mới. Tính từ ngày 11/6 đến nay, Bắc Kinh đã ghi nhận tổng cộng 335 ca nhiễm trong nước, trong số này 219 người đã được xuất viện.

Chú thích ảnh
 Người dân rời khỏi một cơ sở cách ly COVID-19 sau khi hoàn thành thời gian cách ly tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 11/7/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Nhiều rạp chiếu phim tại đa số các khu vực của Trung Quốc đại lục đã mở cửa trở lại ngày 20/7, sau một thời gian dài đóng cửa để phòng dịch COVID-19. Theo Wanda Film, công ty sở hữu cụm rạp chiếu phim lớn nhất Trung Quốc với hơn 600 rạp trên toàn Trung Quốc đại lục, công ty đã mở lại 43 rạp, trong đó có 10 rạp tại thành phố Thượng Hải.

Nền tảng bán vé Maoyan Entertainment cho biết tính đến chiều cùng ngày, các phòng vé tại Thượng Hải đã bán được hơn 100.000 vé, thu về 3,03 triệu Nhân dân tệ (hơn 433.000 USD).

Theo hướng dẫn của Hiệp hội Phát hành và trình chiếu điện ảnh Trung Quốc, các rạp chiếu phim được phép mở lại phải hạn chế số khán giả ở mức 30% công suất phục vụ cho mỗi suất chiếu và bán vé ngồi theo dãy chẵn lẻ. Những người xem phim phải đặt chỗ bằng tên thật, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách tối thiểu 1 mét.

Chú thích ảnh
 Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại một khu chợ ở Tel Aviv, Israel, ngày 14/7/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 20/7, Cơ quan quản lý sân bay Israel (IAA) thông báo gia hạn cấm hoàn toàn người nước ngoài nhập cảnh Israel ít nhất đến tháng 9 do làn sóng lây nhiễm COVID-19 đang tăng trở lại.

Chính phủ Israel đã đóng cửa biên giới và cấm người nước ngoài nhập cảnh từ giữa tháng 3 và liên tục gia hạn kể từ đó đến nay. Nước này hiện chỉ cho công dân Israel hoặc những người có giấy phép đặc biệt do Cơ quan Di trú và Dân số của Israel cấp được phép nhập cảnh.

Tuy nhiên, tất cả những đối tượng này khi nhập cảnh đều phải cách ly 14 ngày.

Chú thích ảnh
 Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Ramla, Israel, ngày 5/7/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Tuần trước, Bộ trưởng Năng lượng Israel Yuval Steinitz  cho hay một trong những tác động lớn nhất đối với nền kinh tế Israel là hạn chế đi lại bằng đường hàng không.

Do đó, việc mở lại bầu trời Israel vẫn là ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, ông Yuval Steinitz cho rằng một khi tỷ lệ lây nhiễm vẫn tăng mạnh thì sẽ không thể mở lại các đường bay sớm.

Trong các tuần qua, Israel đã ghi nhận xấp xỉ 2.000 ca mắc COVID-19 một ngày. Ngày 20/7, Bộ y tế Israel thông báo số ca nhiễm mới đã giảm xuống 1.183 ca trong vòng 24 giờ qua. Đến nay, tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Israel là 415 trường hợp.

Chú thích ảnh
Thái Lan sẵn sàng cho đợt nới lỏng giãn cách tiếp theo. Ảnh: AFP

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 20/7, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 3.360 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 6.290 người.

Trong 24 giờ qua, khối ASEAN vẫn chỉ có hai quốc gia Indonesia và Philippines ghi nhận các ca tử vong vì virus SARS-CoV-2. Indonesia tình hình tiếp tục diễn biến xấu khi số bệnh nhân mắc và số ca tử vong vẫn ở mức cao.

“Quốc gia vạn đảo” đang dẫn đầu khu vực về tổng số bệnh nhân cũng như nạn nhân tử vong do đại dịch. Philippines dịch bệnh đã có phần hạ nhiệt khi số ca tử vong/ngày giảm mạnh mấy ngày qua, dù số ca mắc mới vẫn cao thứ hai trong số các nước ASEAN.

Chú thích ảnh
 Nhân viên y tế lấy máu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Manila, Philippines, ngày 15/7/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 6.291 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 100 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 218.227. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 126.793 trường hợp.

Trái với tình hình ở Indonesia hay Philippines, các nước khác trong khu vực đang kiểm soát tốt địch bệnh và đời sống kinh tế-xã hội bắt đầu trở lại. Nhiều nước ASEAN tiến tục xúc tiến quá trình mở cửa trở lại và khôi phục hoạt động kinh tế xã hội.

Chú thích ảnh
 Người dân di chuyển trên đường phố tại Sydney, Australia ngày 18/6/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

Tại Australia, giới chức bang New South Wales (NSW) và Victoria - hai bang đông dân nhất nước này - ngày 20/7 xác nhận đã có thêm lần lượt 20 ca và 275 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 trong 24 giờ qua, chủ yếu do lây nhiễm trong cộng đồng.

Trước tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến đáng lo ngại dù các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt đã áp dụng được gần hai tuần ở thành phố Melbourne và Mitchell Shire, chính quyền bang Victoria đã chính thức ra lệnh bắt buộc tất cả người dân ở hai khu vực này đeo khẩu trang tại các địa điểm công cộng và nơi làm việc, kể từ đêm 22/7.

Trong khi đó, chính quyền bang NSW cũng kêu gọi người dân thành phố Sydney đeo khẩu trang, đồng thời sẽ áp dụng các hạn chế nghiêm ngặt hơn đối với việc đi lại qua biên giới với bang Victoria kể từ ngày 21/7 với một quy trình cấp phép đi lại mới.

Chú thích ảnh
  Bộ trưởng Ngoại giao Nigeria Geoffrey Onyeama phát biểu với báo giới tại Washington, DC ngày 4/2/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại châu Phi, Bộ trưởng Ngoại giao Nigeria Geoffrey Onyeama đã có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2, trở thành thành viên đầu tiên trong nội các của Tổng thống Muhammadu Buhari bị mắc bệnh.

Trước đó, ông Abba Kyari - cựu Chánh văn phòng của Bộ trưởng Ngoại giao Nigeria - đã tử vong do nhiễm virus SARS-CoV-2 vào tháng 4 vừa qua, và trở thành nhân vật có vị trí cao nhất tại Nigeria qua đời vì COVID-19.

Tình hình dịch COVID-19 tại Ai Cập cũng có chiều hướng khả quan hơn. Nước này ghi nhận 603 trường hợp nhiễm mới - con số thấp nhất trong 2 tháng qua và là ngày thứ 11 liên tiếp quốc gia Bắc Phi này có số ca nhiễm mới trong ngày dưới ngưỡng 1.000 người.

Chú thích ảnh
 Người dân nhận thức ăn cứu trợ tại Johannesburg, Nam Phi ngày 5/6/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 20/7, WHO đã lên tiếng cảnh báo về sự lây lan của dịch COVID-19 tại châu Phi, nhấn mạnh rằng số lượng các ca bệnh tăng mạnh tại Nam Phi có thể là "điềm báo trước" về các đợt bùng phát dịch trên khắp "lục địa đen".

Phát biểu trong một cuộc họp báo trực tuyến, Giám đốc Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO, ông Michael Ryan nói: "Hiện tôi rất quan ngại rằng chúng ta đang bắt đầu chứng kiến một đợt gia tăng dịch bệnh ở châu Phi".

Cho đến gần đây, châu Phi vẫn tương đối ít bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 trong bối cảnh số ca lây nhiễm gia tăng được ghi nhận ở nhiều nơi khác trên thế giới. Với hơn 15.000 ca tử vong và gần 725.000 ca nhiễm, châu Phi vẫn là lục địa ít bị ảnh hưởng do COVID-19, đứng thứ 2 chỉ sau châu Đại Dương.

 

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
Người trẻ yếu ớt như cụ già 80 sau khi khỏi bệnh COVID-19
Người trẻ yếu ớt như cụ già 80 sau khi khỏi bệnh COVID-19

Đầu óc đờ đẫn, hay quên, khó thở, đau cơ, yếu ớt như cụ già là những triệu chứng mà nhiều bệnh nhân COVID-19 đã khỏi vẫn mắc phải trong thời gian dài sau đó. Họ đang cần trợ giúp tại những trung tâm phục hồi sau dịch.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN